19/07/2024 - 10:33

Đảm bảo an toàn tính mạng, sản xuất, kinh doanh trong mùa cao điểm mùa mưa bão 

Theo Ban Chỉ huy Phòng thủ dân sự - Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (PTDS-PCTT&TKCN) TP Cần Thơ, từ đầu năm đến nay, hiện tượng mưa lớn kèm giông lốc, sạt lở bờ sông… đã xuất hiện và gây thiệt hại nặng nề về kinh tế trên địa bàn TP Cần Thơ. Thời tiết hiện đang vào thời kỳ cao điểm mùa mưa, công tác phòng, chống thiên tai, bảo vệ cơ sở hạ tầng, đảm bảo hiệu quả sản xuất, kinh doanh trên địa bàn thành phố đang cần sở, ngành chức năng, chính quyền địa phương, doanh nghiệp và người dân tập trung thực hiện.

Lực lượng cứu hộ huyện Cờ Đỏ hỗ trợ người dân dọn dẹp nhà cửa bị tốc mái vào đầu tháng 6-2024.

Thiệt hại do thiên tai

Cơn mưa đá kèm theo gió mạnh vào chiều 15-6-2024 trên địa bàn huyện Cờ Ðỏ đã làm 7 căn nhà bị sập hoàn toàn, 51 căn bị tốc mái và gần 500 cây ăn trái bị gió quật ngã. Tổng thiệt hại ước tính gần 850 triệu đồng. Xã Thạnh Phú là địa phương chịu thiệt hại nặng nề nhất với 5 căn nhà bị sập hoàn toàn, 11 căn bị tốc mái hoàn toàn, 32 căn bị tốc mái một phần, thiệt hại ước tính 666 triệu đồng. Mưa giông ở xã Thạnh Phú cũng làm sập căn nhà của bà N.T.K (sinh năm 1954) khiến bà K. bị gãy chân. Nạn nhân được đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện Quân dân y Cờ Ðỏ sau đó chuyển đến Bệnh viện Ða khoa Trung ương Cần Thơ. Tuy nhiên, do vết thương quá nặng, bà N.T.K đã tử vong vào tối cùng ngày, để lại tiếc thương của gia đình, bà con lối xóm.

Ông Lê Chí Phương, Phó Chủ tịch UBND huyện Cờ Ðỏ, cho biết: “Ngay sau khi xảy ra mưa giông, địa phương thực hiện phương châm “Bốn tại chỗ”, Ban Chỉ huy PTDS-PCTT&TKCN huyện Cờ Ðỏ phối hợp với UBND các xã chỉ đạo, huy động lực lượng quân sự, công an để hỗ trợ người dân tháo dỡ, dọn dẹp khắc phục hậu quả, sớm ổn định đời sống. Ban Chỉ huy PTDS-PCTT&TKCN TP Cần Thơ phối hợp với huyện Cờ Ðỏ thăm hỏi, hỗ trợ các trường hợp thiệt hại thiên tai ở xã Ðông Hiệp, Thới Hưng, Thạnh Phú từ nguồn Quỹ phòng chống thiên tai của thành phố…”.

Mới đây, ngày 2-7-2024, cơn mưa lớn kèm theo gió giật mạnh đã làm sập, tốc mái 79 căn nhà, 23 cây xanh và làm chết 1.600 con gà, gây thiệt hại hơn 810 triệu đồng của người dân tại huyện Chợ Gạo và huyện Gò Công Tây (tỉnh Tiền Giang). Ngay sau khi thiên tai xảy ra, lực lượng cứu hộ là công an, quân sự địa phương hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả. Ðồng thời, địa phương hỗ trợ nhanh các nhu yếu phẩm cần thiết cho các hộ gia đình khó khăn có nhà bị sập và tốc mái sớm ổn định cuộc sống. Theo thống kê, từ đầu năm 2024 đến nay, trên địa bàn tỉnh Tiền Giang đã xảy ra 10 cơn lốc xoáy quét qua các huyện Cai Lậy, Châu Thành, Chợ Gạo, Gò Công Tây, Tân Phú Ðông, Gò Công Ðông và thị xã Cai Lậy, gây thiệt hại 252 căn nhà (5 trại gà), làm chết 16.000 con gà. Ước tổng thiệt hại hơn 2,7 tỉ đồng.

Ðể ứng phó thiên tai, hạn chế thiệt hại tài sản, tính mạng nhân dân khi mưa giông xuất hiện, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn yêu cầu các địa phương tổ chức lực lượng canh gác, kiểm soát, hỗ trợ, hướng dẫn bảo đảm giao thông an toàn cho người và phương tiện, nhất là tại các khu vực ngập sâu, nước chảy xiết, khu vực đã xảy ra sạt lở hoặc có nguy cơ xảy ra sạt lở; kiên quyết không cho người và phương tiện qua lại nếu không bảo đảm an toàn; không để xảy ra thiệt hại đáng tiếc về người do bất cẩn, chủ quan. Theo dõi chặt chẽ các bản tin cảnh báo, dự báo; thông báo, hướng dẫn kịp thời, thường xuyên cho các cấp chính quyền, người dân để chủ động phòng tránh, giảm thiểu thiệt hại; triển khai lực lượng xung kích kiểm tra, rà soát các khu dân cư ven sông, khu vực thấp trũng, có nguy cơ cao xảy ra ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất để chủ động khơi thông dòng chảy, tổ chức di dời, sơ tán người dân khi có tình huống xảy ra. Sẵn sàng lực lượng, phương tiện để cứu hộ, cứu nạn khi có yêu cầu. Trực ban nghiêm túc, thường xuyên báo cáo về Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khi thiên tai xuất hiện…

Tăng cường ứng phó

Theo Ban Chỉ huy PTDS-PCTT&TKCN TP Cần Thơ, 6 tháng đầu năm 2024, trên địa bàn thành phố xảy ra 2 loại hình thiên tai là sạt lở bờ sông và mưa kèm theo giông lốc. Về sạt lở bờ sông xảy ra 14 đợt sạt lở ở các quận, huyện: Bình Thủy, Ô Môn, Thốt Nốt, Phong Ðiền, Cờ Ðỏ (làm sạt 12 căn nhà, sụt lún 1 nhà kho, sạt một phần và ảnh hưởng 27 căn nhà, không có thiệt hại về người), tổng chiều dài ảnh hưởng do sạt lở là 571m với tổng thiệt hại khoảng 14,145 tỉ đồng. Về mưa kèm theo giông lốc xảy ra 4 đợt tại huyện Cờ Ðỏ và huyện Vĩnh Thạnh làm sập 9 căn nhà, tốc mái 67 căn nhà… Ước thiệt hại tài sản khoảng 1,3 tỉ đồng. Văn phòng Ban Chỉ huy PTDS-PCTT&TKCN thành phố đã theo dõi tình hình thiệt hại và tổng hợp nhu cầu hỗ trợ của các quận, huyện; tham mưu đề xuất lãnh đạo thành phố xem xét bố trí nguồn kinh phí từ Quỹ phòng chống thiên tai hỗ trợ cho các hộ dân bị ảnh hưởng kịp thời và hiệu quả.

Theo dự báo của Trung tâm Dự báo khí tượng Thủy văn Quốc gia, năm 2024 cả nước có khoảng 11-13 cơn bão, áp thấp nhiệt đới trên Biển Ðông, trong đó có 5-7 cơn ảnh hưởng đến đất liền. Hoạt động của bão và áp thấp nhiệt đới có khả năng sẽ tập trung vào nửa cuối mùa mưa (từ tháng 9 đến 11-2024). Trên phạm vi cả nước tiếp tục xảy ra các hiện tượng thời tiết nguy hiểm, như giông, lốc, sấm sét, mưa đá và gió giật mạnh từ nay cho tới cuối năm 2024; tình trạng sụt lún, sạt lở, triều cường, mưa giông tiếp tục xảy ra ở khu vực ÐBSCL…

Ngay thời điểm này, TP Cần Thơ cũng bắt đầu tăng cường công tác tuyên truyền, chủ động ứng phó với các hiện tượng mưa lớn kèm theo gió mạnh, lốc xoáy, sạt lở bờ sông… Ban Chỉ huy PTDS-PCTT&TKCN TP Cần Thơ yêu cầu các địa phương tuyên truyền, hướng dẫn người dân chằng chống nhà cửa an toàn để phòng ngừa thiệt hại do mưa kèm theo giông, lốc xoáy trong thời kỳ cao điểm mùa mưa; chặt tỉa cây xanh trên vỉa hè, khu vực gần nhà, nhằm tránh mưa giông đổ ngã gây nguy hiểm; kiểm tra, gia cố các khu vực sạt lở, có nguy cơ sạt lở; khai thông cống rãnh, hạn chế ngập nghẹt do mưa lớn, rác thải lấp kín hố ga thoát nước; tăng cường tuyên truyền, nhắc nhở phụ huynh không cho trẻ em tắm mưa trong những cơn mưa lớn, nhằm tránh tác hại xấu có thể xảy ra...

Ông Nguyễn Ngọc Hè, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ huy PTDS-PCTT&TKCN thành phố, nhấn mạnh: “Mùa mưa bão năm 2024, Thường trực Ban Chỉ PTDS-PCTT&TKCN thành phố đề nghị UBND và ban chỉ huy PTDS-PCTT&TKCN các quận, huyện tăng cường hơn nữa công tác phòng tránh; thực hiện rà soát, cập nhật phương án ứng phó với thiên tai, đặc biệt là phương án sơ tán dân phù họp ở từng địa phương, nhất là tăng cường giải pháp đảm bảo an toàn tính mạng, hiệu quả sản xuất, phát triển kinh doanh trong những tháng mưa bão sắp tới…”.

Bài, ảnh: HÀ VĂN

Chia sẻ bài viết