28/10/2020 - 07:11

Đảm bảo an toàn giao thông thủy 

Những ngày qua, tại TP Cần Thơ, do ảnh hưởng triều cường và mưa kéo dài làm nước dâng cao trên tuyến sông. Nhằm chủ động sẵn sàng ứng phó tình hình mưa bão, triều cường, phòng chống đuối nước, Trạm Cảnh sát đường thủy Thới An (quận Ô Môn) thuộc Cảnh sát đường thủy Công an TP Cần Thơ đã triển khai nhiều biện pháp để đảm bảo an toàn giao thông (ATGT) trên các tuyến sông. 

Lực lượng Trạm Cảnh sát đường thủy Thới An phát tờ rơi tuyên truyền cho hành khách bến đò Rạch Nọc, phường Phước Thới, quận Ô Môn.

Lực lượng Trạm Cảnh sát đường thủy Thới An phát tờ rơi tuyên truyền cho hành khách bến đò Rạch Nọc, phường Phước Thới, quận Ô Môn.

Trạm Cảnh sát đường thủy Thới An, được giao quản lý tuyến sông Hậu qua địa bàn quận, tuyến sông Ô Môn, kênh Thị Đội… với tổng chiều dài khoảng 45km. Đây là địa bàn có mật độ phương tiện thủy tham gia giao thông cao, có 1 bến phà và hàng chục bến đò, bến khách ngang sông. Thời gian qua, trên địa bàn có nhiều điểm có nguy cơ sạt lở, nhất là vào mùa mưa bão, nước dâng cao.

Để đảm bảo trật tự ATGT đường thủy, trong 9 tháng năm 2020, trạm đã tổ chức tuyên truyền, phát tờ rơi về các quy định pháp luật có liên quan đến ATGT đường thủy cho gần 7.000 lượt thuyền trưởng, người lái phương tiện và người dân trên địa bàn; thực hiện hơn 700 cuộc tuần tra kiểm soát. Qua đó, lực lượng đã kiểm tra, lập biên bản vi phạm hành chính 1.836 trường hợp, với tổng số tiền hơn 110 triệu đồng; chủ yếu là vi phạm chở hàng hóa vượt mớn nước an toàn, không đủ dụng cụ cứu sinh, thiết bị chữa cháy.

Trung tá Nguyễn Quốc Việt, Trưởng Trạm Cảnh sát đường thủy Thới An, cho biết: “Bước vào mùa mưa bão năm nay, Trạm đã chủ động xây dựng kế hoạch, tập trung tuyên truyền cho hành khách tại các bến khách, bến đò ngang khi qua đò phải mặc áo phao; các chủ phương tiện khi hoạt động phải đề phòng lốc xoáy, nếu gặp sóng to, gió lớn thì dừng ngay phương tiện để đảm bảo an toàn, không chở quá số người quy định. Đối với chủ sà lan, phương tiện thủy chở cát, hàng hóa, chúng tôi tăng cường tuần tra, kiểm tra, phát hiện, kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm”.

Bến đò Rạch Nọc thuộc phường Phước Thới, quận Ô Môn hoạt động từ sáng đến tối với những chuyến đò đưa hàng ngàn lượt hành khách từ TP Cần Thơ sang tỉnh Đồng Tháp và ngược lại mỗi ngày. Để chủ động phòng ngừa, Cảnh sát đường thủy đến tận bến đò tuyên truyền, phát tờ rơi, nhắc nhở hành khách qua đò thực hiện nghiêm quy định ATGT đường thủy; đồng thời, kiểm tra an toàn phương tiện, trang bị phao cứu sinh, bằng lái, chứng chỉ chuyên môn của chủ phương tiện, các lái đò. Anh Võ Phương Sanh, thuyền trưởng tại bến đò Rạch Nọc, cho biết: “Tôi điều khiển chiếc đò này đã mười mấy năm. Hiện nay, đang mùa mưa bão, sóng to gió lớn, nên tôi luôn nhắc nhở bà con qua đò phải chấp hành nghiêm các quy định, không được ra ngoài mũi tàu, phải mặc áo phao…”.

Ven sông Ô Môn thuộc khu vực Thới Hòa, phường Thới An, quận Ô Môn, nhiều điểm có nguy cơ sạt lở cao. Để phòng ngừa hậu quả do sạt lở đất gây ra, trong đợt triều cường vừa qua, Cảnh sát đường thủy đã phối hợp Công an phường Thới An đến tận nhà dân trong khu vực tuyên truyền, nhắc nhở bà con chú ý trong việc trông coi trẻ, phòng ngừa đuối nước; đồng thời, phát hiện có dấu hiệu bất thường hay vết nứt có thể gây sạt lở thì báo ngay cho chính quyền, cơ quan chức năng để kịp thời ứng phó. Anh Đặng Thanh Dũng, người dân khu vực Thới Hòa, phường Thới An, nói: “Trong các ngày 18 và 19-10, do triều cường, nhà tôi bị ngập sâu gần nửa mét. Các anh Công an đến tuyên truyền, nên tôi đã gửi 2 con đến chỗ an toàn, đợi nước rút mới đón về”. Theo Đại úy Nguyễn Đăng Huy, Phó Trưởng Công an phường Thới An, do tình hình mưa bão phức tạp, Công an phường đã thành lập tổ ứng trực 24/24 phối hợp với Cảnh sát đường thủy, ban, ngành địa phương chủ động đối phó với lụt bão và sạt lở đất.

Trong những ngày qua, trên các tuyến sông chính, lực lượng Trạm Cảnh sát đường thủy Thới An còn tăng cường kiểm tra an toàn phương tiện trong mùa mưa bão. Chỉ sau một giờ kiểm tra trên tuyến sông Hậu, đoạn thuộc phường Phước Thới, đơn vị phát hiện và xử phạt nhiều sà lan chở cát vi phạm quá tải. Anh Đoàn Trung Thuận, chủ chiếc sà lan có tải trọng gần 500 tấn chở cát từ Hồng Ngự (tỉnh Đồng Tháp) về tỉnh Cà Mau, đã vi phạm về chở hàng hóa quá vạch mớn nước an toàn. Anh Thuận cho biết: “Tôi biết chở quá tải sẽ rất nguy hiểm. Tôi sẽ rút kinh nghiệm và chỉ chở đúng quy định để đảm bảo an toàn”.

Chủ động ứng phó, tăng cường tuyên truyền, nâng cao ý thức tự giác chấp hành các quy định về ATGT đường thủy, đẩy mạnh công tác tuần tra kiểm soát phát hiện xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm là những giải pháp cần thiết, hiệu quả nhằm đảm bảo an toàn giao thông đường thủy trong mùa mưa bão hiện nay. 

Bài, ảnh: PHAN TẠI

Chia sẻ bài viết