20/12/2020 - 06:50

Đại dịch đã định hình xu hướng ăn uống của chúng ta như thế nào? 

Đại dịch COVID-19 đã làm thay đổi nhiều khía cạnh cuộc sống, gồm cả cách chúng ta ăn uống, cũng như giúp nâng cao nhận thức cộng đồng về lợi ích của chế độ ăn uống lành mạnh đối với sức khỏe. Dưới đây là 5 xu hướng dinh dưỡng quan trọng nhất xuất hiện trong năm 2020, mà chúng ta có thể học hỏi và áp dụng trong năm mới nhằm duy trì sức khỏe tốt. 

Thực phẩm tăng cường miễn dịch. Ảnh: iStock

Thực phẩm tăng cường miễn dịch. Ảnh: iStock

1. Chúng ta nấu ăn nhiều hơn trước

Giãn cách xã hội buộc nhiều người hạn chế đi ăn ở hàng quán và vì vậy việc nấu ăn tại nhà được ưa chuộng nhiều hơn. Theo tổ chức dinh dưỡng và an toàn thực phẩm Mỹ FMI Foundation, 40% người được khảo sát nói rằng họ nấu ăn thường xuyên hơn so với trước đại dịch. Nấu các bữa ăn ở nhà cũng khiến người ta ăn uống bổ dưỡng hơn. Trong một nghiên cứu đối với hơn 11.000 người, các chuyên gia nhận thấy những nhà nấu trên 5 bữa ăn/tuần thường tiêu thụ lượng trái cây và rau củ nhiều hơn. Đáng chú ý, những người thường xuyên nấu ăn ở nhà lần lượt giảm 28% và 24% nguy cơ thừa cân và thừa mỡ cơ thể. 

2. Dùng nhiều món ăn “xoa dịu tâm hồn” 

Trước những căng thẳng do đại dịch toàn cầu, áp lực công việc và cuộc sống gia đình, không có gì ngạc nhiên khi thực phẩm mang lại cảm giác dễ chịu (comfort food) lên ngôi. Một cuộc thăm dò cho thấy doanh số các món ăn được ưa chuộng như pizza, hamburger, khoai tây chiên, phô mai, nước ngọt và thức uống có đường đều tăng vọt. Tuy nhiên, một nghiên cứu khác phát hiện rằng việc tiêu thụ nhiều món ăn “xoa dịu tinh thần” kiểu này cũng đã khiến nhiều người bị tăng cân, nhất là những người có thói quen đặt món ăn giao tận nhà.

Các chuyên gia sức khỏe khuyến nghị, thay vì tìm đến thức ăn để xoa dịu cảm xúc, chúng ta có thể thử dùng các phương pháp khác để đối phó stress, như hít thở sâu hoặc thiền, vận động thể chất, áp dụng chế độ ăn uống lành mạnh và ngủ từ 7-9 giờ mỗi đêm.

3. Đường được xem là mối đe dọa lớn với sức khỏe cộng đồng

Chế độ ăn uống chứa nhiều đường là nguyên nhân dẫn đến các bệnh như tiểu đường tuýp 2 và bệnh tim, những bệnh dễ chuyển biến nặng nếu người bệnh mắc COVID-19. Thừa nhận vai trò của đường đối với nhiều vấn đề sức khỏe, Báo cáo Khoa học năm 2020 của Ủy ban Tư vấn Hướng dẫn ăn uống Mỹ đã khuyến nghị giảm lượng đường bổ sung từ 10% tổng lượng calo xuống 6%. Những nước khác cũng có những hành động tương tự. Chẳng hạn, Mexico đã thông qua lệnh cấm bán đồ uống có đường cho trẻ vị thành niên, một động thái quyết liệt nhằm giúp trẻ em phòng tránh những căn bệnh bắt nguồn từ chế độ ăn nhiều đường. Vương quốc Anh cũng công bố lệnh cấm quảng cáo đồ ăn vặt chứa nhiều đường - cũng như muối và chất béo - nhắm tới trẻ em. 

4. Thực phẩm và dưỡng chất tăng cường miễn dịch được quan tâm đặc biệt

Công ty nghiên cứu thị trường New Hope Network (Mỹ) cho biết năm 2020, doanh số các sản phẩm dinh dưỡng hỗ trợ miễn dịch đã tăng 51% so với năm 2019. Mối quan tâm đến các loại thực phẩm tăng cường hệ miễn dịch cũng tăng lên - theo nghiên cứu gần đây công bố trên tạp chí Nutrients, dựa trên các từ khóa tìm kiếm qua Google. Tuy không xác định đâu là chế độ ăn tăng cường miễn dịch, song nhìn chung, một chế độ ăn giàu chất xơ gồm rau củ quả tươi, ngũ cốc nguyên hạt, các loại hạt và đậu sẽ cung cấp các dưỡng chất thiết yếu như vitamin C, kẽm và selen có thể giúp tối ưu hóa khả năng miễn dịch của cơ thể. Bạn cũng có thể bổ sung vitamin D, bởi ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy thiếu hụt chất này có liên quan đến mức độ nghiêm trọng và nguy cơ cao tử vong vì COVID-19. 

5. Chế độ ăn thực vật ngày càng được ưa chuộng

Năm nay, nhiều người chuyển sang dự trữ thực phẩm thiết yếu có nguồn gốc thực vật, từ trái cây và rau củ đông lạnh cho đến đậu đóng hộp và mì ống. Những thực phẩm này “thân thiện” với túi tiền, dễ mua và dễ bảo quản lâu dài, nên trở thành xu hướng sức khỏe đặc biệt trong suốt năm 2020. Bên cạnh đó, mối quan tâm đến yếu tố môi trường và ăn uống lành mạnh (như chế độ ăn Địa Trung Hải gồm nhiều rau quả) cũng thúc đẩy xu hướng này.

Nghiên cứu cho thấy chế độ ăn uống dựa trên thực vật, ít đường và ngũ cốc tinh chế vừa bổ dưỡng vừa tăng cường khả năng đề kháng của cơ thể và hỗ trợ giấc ngủ - vốn là hai mối quan tâm hàng đầu trong bối cảnh đại dịch.

HOÀNG ĐIỂU (Theo SciTechDaily)

Chia sẻ bài viết