06/11/2019 - 07:32

Đa dạng hóa sản phẩm, nắm bắt cơ hội xuất khẩu thủy sản 

Chiếm tỷ trọng lần lượt 40-50% và 22-26% trong cơ cấu sản phẩm xuất khẩu, tôm và cá tra là 2 sản phẩm thủy sản xuất khẩu chủ lực của nước ta trong nhiều năm qua. Tuy nhiên, 2 ngành hàng này đang phải đối mặt với sự cạnh tranh ngày càng gay gắt, các rào cản của thị trường nhập khẩu… Dần thay thế 2 dòng sản phẩm chủ lực này và tìm hướng đi mới trong xuất khẩu, ngành thủy sản nước ta đang tập trung chuyển đổi cơ cấu, đa dạng hóa sản phẩm với nhiều đối tượng nuôi tiềm năng, được ưa chuộng tại nhiều thị trường trên thế giới.

Đa dạng hóa sản phẩm

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), giai đoạn 2009-2018 sản lượng và giá trị xuất khẩu thủy sản tăng mạnh, với sản lượng tăng 60%, giá trị tăng gần 100%. Riêng năm 2018, tổng sản lượng thủy sản nước ta đạt 7,74 triệu tấn (sản lượng khai thác 3,59 triệu tấn, nuôi trồng 4,15 triệu tấn) và kim ngạch xuất khẩu đạt 8,9 tỉ USD. Sản phẩm thủy sản nước ta hiện nay đã xuất khẩu sang 160 thị trường với sản phẩm chủ yếu như: tôm, cá tra, cá ngừ, cua, ghẹ, mực, bạch tuộc, nhuyễn thể hai mảnh vỏ… Ngoài tôm và cá tra, các loại thủy sản khác cũng đang nâng dần tỷ trọng trong cơ cấu sản phẩm thủy sản xuất khẩu. Đơn cử như: cá ngừ, mực bạch tuộc từ 22-23%, cua ghẹ 6-7%, mực 7-8%...

Bắt kịp xu thế phát triển của nghề nuôi nhuyễn thể trên thế giới, những năm qua, diện tích thả nuôi và sản lượng nhuyễn thể hai mảnh vỏ của nước ta tăng lên rõ rệt. Cụ thể, diện tích nuôi tăng từ 28.133ha năm 2011 lên 40.685ha vào năm 2015; sản lượng tăng từ 157.000 tấn năm 2011 lên 265.000 tấn vào năm 2015. Trong đó, nghêu, sò và hàu là 3 đối tượng nuôi có diện tích và sản lượng tăng nhiều nhất trong giai đoạn nói trên. Tiến sĩ Cao Lệ Quyên, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế và Quy hoạch thủy sản, cho biết: Ngành nuôi và khai thác nghêu tại Bến Tre là ngành ngư nghiệp đầu tiên của Việt Nam và khu vực Đông Nam Á đạt được chứng nhận của Hội đồng Quản lý biển (MSC) vào năm 2009. Hiện nghêu của nước ta đã xuất khẩu đến nhiều thị trường trên thế giới như: EU, Hoa Kỳ, Nhật Bản, các nước ASEAN, Hàn Quốc, Trung Quốc… đem lại nguồn thu ngoại tệ hơn 80 triệu USD mỗi năm. Ngành nghề này giúp cải thiện thu nhập và tạo sinh kế cho hàng triệu nông hộ sản xuất quy mô nhỏ tại Việt Nam, đặc biệt là khu vực ĐBSCL.

Một số doanh nghiệp cũng mạnh dạn thả nuôi và đưa những đối tượng thủy sản mới, tiềm năng vào hoạt động xuất khẩu. Ông Nguyễn Khắc Hải, đại diện Công ty TNHH Khoa Kỹ Sinh Vật Thăng Long, chia sẻ: Tôm sú, tôm thẻ chân trắng là đối tượng nuôi trọng điểm, mang lại giá trị kinh tế cao. Tuy nhiên, người nuôi tôm thường phải đối mặt với dịch bệnh và điều kiện nuôi bất lợi vào thời điểm cuối - đầu năm. Cùng với đó là tình trạng “bỏ ao” một khoảng thời gian khá dài sau khi thu hoạch để chờ vào mùa chính của năm kế tiếp. Trước thực tế đó, chúng tôi đã nghiên cứu và lựa chọn cá rô phi là đối tượng được nuôi luân canh cùng với con tôm để tận dụng tối đa diện tích mặt nước, tạo thêm việc làm và tăng thu nhập cho bà con. Với quy trình nuôi tuân thủ chặt chẽ, khép kín và phẩm chất thịt ngon, giá trị dinh dưỡng cao, sản phẩm cá rô phi đông lạnh của công ty được xuất khẩu sang thị trường lớn và khó tính như Mỹ, Ý, Anh, Pháp, Hà Lan,  EU, Trung Đông…

Đáp ứng yêu cầu thị trường

Cũng giống như tôm, cá tra, các loài thủy sản xuất khẩu của nước ta đang gặp không ít cản ngại trong hành trình “xuất ngoại”, đặc biệt đáp ứng các yêu cầu về rào cản về kỹ thuật, vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm… Điều này đòi hỏi doanh nghiệp phải nhạy bén thích ứng và nâng cao năng lực cạnh tranh cho sản phẩm làm ra. Ông Nguyễn Khắc Hải, đại diện Công ty TNHH Khoa Kỹ Sinh Vật Thăng Long, cho biết: “Tiêu chuẩn cá rô phi nguyên liệu của công ty hiện nay phải đáp ứng “3 không”: không kháng sinh, không hóa chất cấm, không vi sinh vật gây bệnh đặc trưng. Ngoài ra, quá trình nuôi còn phải tuân thủ chặt chẽ các chỉ tiêu, quy cách của từng thị trường nhập khẩu. Đơn cử như: khi xuất sang thị trường châu Âu, Ý, Anh, Hà Lan, Pháp thì cá phải bỏ ruột, bỏ vảy trọng lượng từ 500-800g/con hoặc 800-1.200g/con; thị trường Mỹ chuộng dạng phi lê hoặc nguyên con, trọng lượng từ 600-1.000g/con…

Công ty TNHH Khoa Kỹ Sinh Vật Thăng Long được trưng bày, giới thiệu sản phẩm cá rô phi trong một sự kiện vừa diễn ra tại Cần Thơ.

Theo Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản II, đến năm 2020, chỉ tiêu phát triển sản xuất của nhuyễn thể với tốc độ tăng trưởng bình quân 10,8%/năm, diện tích nuôi đạt 48.370ha, sản lượng đạt 400.000 tấn. Trong đó, nghêu được xem là một trong những đối tượng nhuyễn thể chủ lực cho xuất khẩu trong thời gian tới. Tuy nhiên, để tăng sản lượng và kim ngạch xuất khẩu, các hộ nuôi nghêu phải tạo được nguồn sản phẩm sạch, an toàn và được chứng nhận. Tiến sĩ Cao Lệ Quyên, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế và Quy hoạch thủy sản, chia sẻ: “Sau 10 năm được cấp chứng nhận MSC hiện nguồn lợi nghêu tại một số vùng có dấu hiệu suy giảm, thậm chí một số hợp tác xã gần như không còn nghêu giống tự nhiên. Đây sẽ là khó khăn khi tái đánh giá MSC tại Bến Tre. Thực trạng này đặt ra vấn đề phải nghiên cứu, hoàn thiện công nghệ sinh sản nhân tạo giống nghêu; hoàn thiện công nghệ nuôi nghêu thâm canh. Đồng thời, phát triển nghề nghêu cần gắn liền với bảo vệ nguồn lợi thủy sản và các hệ sinh thái liên quan như hệ sinh thái rừng ngập mặn, hệ sinh thái cửa sông…”.

Theo các chuyên gia, bên cạnh những thách thức, ngành thủy sản nước ta đang đứng trước nhiều cơ hội nếu biết khai thác đúng và hợp lý các tiềm năng hiện có. Việt Nam hoàn toàn có thể cung cấp khối lượng thủy sản an toàn, chất lượng ổn định nhờ nguồn cung dồi dào từ 28 tỉnh ven biển, nguồn đất/nước nuôi trồng thủy sản và ngành chế biến phát triển với hơn 600 doanh nghiệp xuất khẩu. Ông Nguyễn Việt Thắng, Chủ tịch Hội nghề cá Việt Nam, nhấn mạnh: “Vấn đề hiện nay là doanh nghiệp, hộ nuôi phải hình thành các khu vực nuôi trồng thủy sản tập trung, tăng cường mối liên kết giữa các bên liên quan để tối ưu hóa chi phí sản xuất, xây dựng thương hiệu. Ngoài ra, việc tăng cường sử dụng các công nghệ tiên tiến cũng được xem là một trong những biện pháp chính giúp đảm bảo sự phát triển bền vững của ngành này”.

Bài, ảnh: MỸ THANH

Chia sẻ bài viết