Những năm qua, việc định hướng nghề nghiệp của học sinh ở Cần Thơ đạt kết quả khả quan, khi đại học không còn là con đường duy nhất mà các em học sinh lựa chọn. Theo các chuyên gia giáo dục, đây là kết quả tất yếu từ nỗ lực của các tổ chức, đoàn thể, nhất là các trường phổ thông trong việc đa dạng hình thức tư vấn hướng nghiệp cho học sinh.
Học sinh hiểu hơn về ngành nghề, trường học tại Ngày hội Tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp năm 2020 được tổ chức ở Trường Đại học Cần Thơ.
Theo Bộ Giáo dục và Ðào tạo (GD&ÐT), chương trình Giáo dục phổ thông (GDPT) mới thực hiện năm học 2020-2021 sẽ có điểm mới ở hệ thống môn học và hoạt động giáo dục. Trong đó, giáo dục hướng nghiệp được xây dựng trên cơ sở kế thừa ưu điểm của chương trình giáo dục hướng nghiệp hiện hành, bám sát nội dung Ðề án “Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong GDPT giai đoạn 2018-2025”. Giáo dục hướng nghiệp trong chương trình GDPT bao gồm các hoạt động của nhà trường phối hợp với gia đình và xã hội nhằm cung cấp tri thức về nghề nghiệp và thị trường lao động, giúp học sinh tự đánh giá sở trường, nguyện vọng, quan niệm về giá trị và điều kiện của bản thân để lựa chọn định hướng nghề nghiệp phù hợp. Chương trình có 2 giai đoạn: Giáo dục cơ bản (từ lớp 1 đến lớp 9) và Giáo dục định hướng nghề nghiệp (từ lớp 10 đến lớp 12). Giáo dục hướng nghiệp trong chương trình GDPT mới được thực hiện chủ yếu ở các năm học cuối của THCS và toàn bộ giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp với những môn học, chuyên đề học tập phù hợp với sở thích, năng lực và định hướng nghề nghiệp của học sinh.
Nhiều năm qua, các trường phổ thông ở Cần Thơ tổ chức tư vấn hướng nghiệp học sinh, tùy điều kiện mỗi trường có cách thức phù hợp. Ở bậc THCS, nhiều trường tạo điều kiện học sinh lớp 8, 9 trải nghiệm thực tế ở nhà máy, xí nghiệp, tham quan trường nghề trên địa bàn… Bậc THPT, bên cạnh các tiết học giáo dục hướng nghiệp theo quy định, trước thềm mỗi kỳ thi tốt nghiệp THPT đều có nhiều hình thức tư vấn hướng nghiệp. Ðơn cử, Trường THPT Hà Huy Giáp (huyện Cờ Ðỏ), mỗi năm có 9 tiết dạy học để tư vấn hướng nghiệp cho học sinh. Trước kỳ thi tốt nghiệp THPT, trường dành riêng một buổi học để tư vấn và hỗ trợ học sinh điều chỉnh tổ hợp môn đúng với sở thích và năng lực học tập…
Tại Trường THPT Trần Ðại Nghĩa (quận Cái Răng), ngoài buổi tư vấn định hướng nghề nghiệp cho học sinh, trường chủ động tổ chức Ðại hội Hội phụ huynh học sinh khối 12 sau mỗi học kỳ. Qua đó, phụ huynh học sinh được tư vấn và hướng dẫn lựa chọn ngành nghề phù hợp với năng lực học tập của các em, có phương án học tập và chuẩn bị cho thi tốt nghiệp THPT. Trường chỉ đạo các giáo viên chủ nhiệm theo sát việc học, định hướng học sinh chọn ngành nghề, tổ hợp môn thi. Theo cô Trương Thị Ðáng, giáo viên chủ nhiệm lớp 12, Trường THPT Trần Ðại Nghĩa, căn cứ vào kết quả học tập cuối năm, giáo viên cho học sinh lời khuyên khi lựa chọn ngành nghề. “Sau mỗi học kỳ, một số em thay đổi lựa chọn ngành nghề theo sức học của bản thân”, cô Ðáng chia sẻ. Trong số 281 học sinh khối 12 của trường, có 55 em lựa chọn tổ hợp Khoa học Tự nhiên và 226 em chọn tổ hợp Khoa học Xã hội.
Ðồng hành cùng các trường phổ thông ở Cần Thơ, các cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn thành phố đã nỗ lực trong tư vấn hướng nghiệp - tuyển sinh cho học sinh. Ðiển hình chương trình “Kết nối chuyên gia hướng nghiệp đến từng học sinh TP Cần Thơ” do Sở GD&ÐT TP Cần Thơ phối hợp cùng các đơn vị tổ chức qua hình thức livestream, giúp học sinh “nhìn xa trông rộng” hơn trong chọn nghề, chọn trường. Theo các chuyên gia giáo dục, trong hơn 11.000 phiếu khảo sát của học sinh TP Cần Thơ, có trên 55% học sinh không biết cách chọn ngành, nghề phù hợp, hơn 60% học sinh mong muốn được tư vấn cách thức chọn nghề phù hợp với năng lực và đam mê...
Theo PGS.TS Huỳnh Văn Sơn, Phó Hiệu trưởng Trường Ðại học Sư phạm TP Hồ Chí Minh, có nhiều yếu tố để học sinh chọn ngành nghề hiệu quả; trong đó hành vi đối với nghề khá quan trọng. Tùy hoàn cảnh và khả năng của mỗi người, nên làm những công việc ban đầu đáp ứng với các ngành nghề nào đó. Chẳng hạn, nếu thích thiết kế thời trang, hãy thử họa hình, vẽ, thiết kế; rồi xin ý kiến của bạn bè hoặc người thân… để được đánh giá ban đầu về tố chất, năng lực. Nếu yêu thích sư phạm, nên trải nghiệm thực hành tiết dạy thử… PGS.TS Huỳnh Văn Sơn cho rằng, hiện nay ngành GD&ÐT có những sự thay đổi quyết liệt, việc tổ chức cho học sinh tham quan, hoạt động trải nghiệm không còn hiếm. Ðây là một trong những cơ sở rất quan trọng về thái độ trong việc định hướng chọn ngành nghề phù hợp. Mỗi một nghề đều có những công việc, yêu cầu cụ thể, chỉ khi dấn thân thì mới biết mình chọn nghề có phù hợp và sáng suốt hay không. Ðừng vì bạn bè, đừng vì bố mẹ mà hãy lắng nghe tiếng nói từ trong chính trái tim của mỗi người để chọn nghề thành công và phù hợp.
Bài, ảnh: B.KIÊN