02/04/2008 - 21:33

Diễn biến thị trường hàng hóa đầu tháng 4-2008

Đã có những tín hiệu khả quan!

Thịt heo - một trong những mặt hàng thực phẩm tươi sống thiết yếu của người tiêu dùng đang có xu hướng giảm giá. Ảnh: ANH KHOA

Những động thái quyết liệt kiềm chế lạm phát của Chính phủ đang làm người dân kỳ vọng. Tại TP Cần Thơ, bước vào đầu tháng 4-2008, giá một số mặt hàng thiết yếu đã giảm trở lại...

GIÁ MỘT SỐ MẶT HÀNG “HẠ NHIỆT”

Giá bán lẻ các loại ga bình 12-13kg đã giảm 2.000-3.000 đồng/bình từ ngày 1-4-2008. Giá các loại ga bình 12kg như: Petronas, VT, Total, Saigon Petro... đang ở mức 243.000 đồng/bình; Petrolimex bình 12kg 250.000 đồng/bình; Shell ga bình 12kg giá 260.000 đồng/bình...

Giới kinh doanh ga đang hy vọng giá ga tiếp tục giảm để sức tiêu thụ ga sẽ được cải thiện trong thời gian tới. Bà Đặng Thị Phượng - Cửa hàng trưởng Cửa hàng kinh doanh ga-bếp ga-dầu nhờn (Công ty Cổ phần Vật tư Hậu Giang), cho biết: “Đợt giảm giá ga lần này có những biểu hiện giống như chu kỳ biến động của nhiều năm trước. Song, trong khoảng một tháng qua giá ga có nhiều biến động bất thường và khó đoán. Nhưng hiện giá ga tại TP Cần Thơ chỉ giảm nhẹ 2.000-3.000 đồng/bình so với tháng trước do giá xăng dầu vẫn đang ở mức cao, các doanh nghiệp chưa giảm được chi phí vận chuyển. Trong thời gian tới, có nhiều khả năng giá ga còn giảm và sức mua sẽ được cải thiện hơn”.

Đầu tháng 4-2008, giá nhiều loại thực phẩm tươi sống như: thịt heo, gia cầm có dấu hiệu giảm hoặc đứng giá. Tại nhiều tỉnh, thành ở ĐBSCL giá heo hơi đã giảm khoảng 100.000-200.000 đồng/tạ so với cuối tháng 3-2008, đang ở mức 4-4,1 triệu đồng/tạ. Theo giới kinh doanh thịt heo, do sức tiêu thụ thịt heo tại nhiều chợ ở ĐBSCL đang yếu và giá có xu hướng giảm, nên kéo theo giá heo hơi giảm. Tại một số chợ ở nội ô TP Cần Thơ, giá nhiều loại thịt heo đã giảm khoảng 1.000-2.000 đồng/kg so với vài ngày trước. Thịt nạc đang có giá 67.000-70.000 đồng/kg, thịt đùi 64.000-65.000 đồng/kg, ba rọi 62.000-65.000 đồng/kg... Giá nhiều loại thịt gia cầm cũng đã bình ổn trở lại dù vẫn ở mức cao. Tại nhiều chợ nội ô, gà ta làm sẵn đang có giá khoảng 90.000 đồng/kg, vịt ta làm sẵn 48.000 đồng/kg, vịt xiêm làm sẵn 70.000 đồng/kg.

Gần đây, giá nhiều loại vật liệu xây dựng (VLXD), nhất là sắt thép đã bình ổn trở lại sau một thời gian tăng giá liên tục. Tại nhiều điểm bán VLXD ở TP Cần Thơ, sắt đang có giá 17.000-17.500 đồng/kg; xi măng Tây Đô PC30 giá 54.000-55.000 đồng/bao, loại PC40 giá 57.000-58.000 đồng/bao; đá 1x2 giá 200.000-210.000 đồng/m3; gạch ống (7x17) của Long Xuyên khoảng 720 đồng/viên, gạch ống (8x18) của Vĩnh Long 1.100-1.200 đồng/viên... Ông Lê Hoàng Vũ, chủ cửa hàng VLXD Vũ, đường Huỳnh Thúc Kháng, quận Ninh Kiều, cho biết: “Vừa qua, nhiều loại VLXD đồng loạt tăng giá do chi phí vận chuyển tăng sau khi xăng dầu tăng giá và các nhà sản xuất điều chỉnh giá bán sản phẩm. Nhưng hiện nay, giá đã bình ổn trở lại và có khả năng sẽ tiếp tục ổn định trong thời gian tới”.

Sau một thời gian tăng giá mạnh, giá các loại phân bón cũng đang có xu hướng chựng lại. So với tuần trước, hiện giá các loại phân DAP và urê đã giảm trở lại khoảng 40.000-50.000 đồng/bao; riêng các loại phân NPK, kali, phân lân giá bình ổn, không tăng thêm. Hiện giá phân DAP tại nhiều cửa hàng vật tư nông nghiệp là đại lý cấp 1 trong thành phố đang ở mức 950.000 đồng/bao; phân urê 380.000-390.000 đồng/bao. Phân NPK 20-20-15 Bình Điền đứng giá ở mức 650.000 đồng/bao; NPK 16-16-8 Việt Nhật 550.000 đồng/bao, Kali (Nga) 460.000 đồng/bao, lân Long Thành 160.000 đồng/bao. Ông Nguyễn Ngọc Anh, Chủ cửa hàng vật tư Nông Nghiệp Mỹ Ngọc ở quận Cái Răng, TP Cần Thơ, cho biết: “Nguồn cung các loại phân bón trong nước đang khá dồi dào, nhất là urê, nên nhiều khả năng giá sẽ còn giảm hoặc bình ổn chứ khó tăng thêm trong thời gian tới. Thời gian qua, giá một số loại phân như DAP, NPK ở mức quá cao, người tiêu dùng đã hạn chế sử dụng nên giá có xu hướng giảm hoặc đứng giá”.

BÌNH ỔN GIÁ: CẦN CÓ THỜI GIAN

Khoảng 1 tháng qua, giá các loại hàng thực phẩm công nghệ và hàng tiêu dùng như: dầu ăn, nước mắm, bột ngọt, các loại đậu, mỹ phẩm, bột giặt... đã tăng 10-30% so với trước. Bột giặt Lix loại bịch 3kg lúc trước giá 38.000 đồng/bịch, giờ giá bán lẻ bịch 2,7kg lên đến 40.000 đồng/bịch. Nước mắm loại 42 độ đạm của Quốc Hải hiện đã ở mức 23.000 đồng/chai (500ml) và 34.000 đồng/chai (700ml); loại 40 độ đạm ở mức 18.000 đồng/ chai (500ml) và 23.000 đồng/chai 700ml. Giá nhiều loại dầu gội đầu cũng tăng giá từ 500 đồng/gói nhỏ lên ở mức 700 đồng/gói...

Theo giới kinh doanh, giá nhiều mặt hàng thực phẩm công nghệ, hàng tiêu dùng hiện vẫn còn trong xu hướng tăng. Anh Huỳnh Văn Nam, bán tạp hóa ở Trung tâm Thương mại Cái Khế, cho biết: “Trong tháng 3 vừa qua, chỉ có mặt hàng đường cát giảm giá, còn hầu hết các mặt hàng thực phẩm công nghệ khác đều tăng giá mạnh, nên sức tiêu thụ nhiều mặt hàng bị giảm mạnh. Nhiều người tiêu dùng đang có xu hướng ưu tiên chọn mua các mặt hàng thiết yếu và hạn chế mua các mặt hàng không cần thiết lắm”.

Hiện nay, Siêu thị Co.opMart Cần Thơ có khoảng 3.000 mặt hàng thực phẩm (bao gồm thực phẩm công nghệ), hóa mỹ phẩm. Trong tháng 3-2008, giá bán nhiều loại hàng thực phẩm và hóa mỹ phẩm tại siêu thị cũng đã tăng 5-30% so với tháng trước. Trong đó, có khoảng 70% số lượng các mặt hàng có giá tăng từ 5-12%. Giá hàng hóa tăng do ảnh hưởng giá nguyên liệu và chi phí vận chuyển tăng. Do đó, các nhóm hàng nhập khẩu và hàng được sản xuất từ nguồn nguyên liệu nhập khẩu có giá tăng cao hơn hàng nội địa. Ông Ngô Minh Tuấn - Phó giám đốc phụ trách kinh doanh thực phẩm và hóa mỹ phẩm của Công ty TNHH Thương mại Sài Gòn-Cần Thơ (Siêu thị Co.opMart Cần Thơ), cho biết: “Có khả năng giá nhiều loại hàng thực phẩm, hóa mỹ phẩm sẽ còn tăng và đến giữa tháng 4-2008 mới ổn định trở lại. Hệ thống siêu thị Co.opMart có chủ trương cố gắng ổn định giá bán hàng hóa. Do đó, khi giá hàng hóa có dấu hiệu tăng, Co.opMart chủ động nhập hàng dự trữ lại, đủ lượng hàng đáp ứng nhu cầu tiêu thụ cho 30 siêu thị trong hệ thống trong khoảng 1 tháng. Vì vậy, giá bán hàng trong siêu thị thường tăng chậm so với bên ngoài. Nhưng đến khi nhập hàng mới về với giá tăng, chúng tôi buộc phải điều chỉnh tăng giá”.

KHÁNH TRUNG - ANH KHOA

Để bình ổn giá cả thị trường, Chính phủ đã chỉ đạo từ nay cho đến hết tháng 6-2008, không tăng giá các mặt hàng chiến lược như: điện, than, xăng dầu; đồng thời giữ ổn định giá xi măng, phân bón, nước sạch, thuốc chữa bệnh, vé máy bay, tàu hỏa... Bên cạnh đó, Chính phủ yêu cầu cân đối cung cầu hàng hóa, nhất là các mặt hàng thiết yếu cho sản xuất và đời sống nhân dân. Tăng cường công tác quản lý thị trường, kiểm soát việc chấp hành pháp luật Nhà nước về giá. Kiên quyết không để xảy ra tình trạng lạm dụng các biến động trên thị trường để đầu cơ, nâng giá, nhất là các mặt hàng thiết yếu cho sản xuất và tiêu dùng như: xăng dầu, sắt thép, xi măng, thuốc chữa bệnh, lương thực, thực phẩm... Các tập đoàn, Tổng công ty Nhà nước, các hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp... cùng phối hợp triển khai các giải pháp nhằm bình ổn giá...

Chia sẻ bài viết