07/04/2020 - 14:12

Cứu bệnh nhân đột qụy nặng dù đã quá "giờ vàng"

(CTO) - Sáng 7-4, thông tin từ Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ, các bác sĩ vừa can thiệp thành công bệnh nhân đột quỵ rất nặng với nguy cơ tử vong  cao.

 

Bệnh nhân tiếp tục được theo dõi, điều trị tích cực. 

Bệnh nhân nam, 61 tuổi, ở quận Bình Thủy, TP Cần Thơ vào viện lúc 9 giờ ngày 6-4. Bệnh khởi phát lúc 0 giờ ngày 6-4, bệnh nhân đột ngột cảm thấy tê yếu 1/2 người (P), nói đớ. Bệnh nhân có tiền sử tăng huyết áp 6 năm, được điều trị liên tục.

Lúc bệnh nhân nhập viện, huyết áp: 250/140mmHg, liệt ½ người phải, sức cơ 0/5, nói đớ, liệt dây thần kinh VII trung ương phải, giảm cảm giác nông, sâu ½ người phải. Sau khi chụp kiểm tra CTsan não, bệnh nhân được chẩn đoán nhồi máu não giờ thứ 9 - tăng huyết áp. Bệnh nhân được kiểm soát huyết áp tích cực bằng thuốc hạ áp đường tĩnh mạch. Ê kíp can thiệp đã tiến hành sử dụng tiêu sợi huyết cho bệnh nhân lúc 10 giờ 6-4.

Sáng 7-4-2020, bệnh tỉnh, tiếp xúc tốt, thực hiện y lệnh chính xác, huyết áp 150/80mmHg, yếu ½ người phải, sức cơ tay phải 1/5, chân phải 2/5, nói đớ, liệt thần kinh VII trung ương phải. CTscan sọ não kiểm tra sau 24 giờ không thấy xuất huyết não.

Theo Tiến sĩ Hà Tấn Đức, Trưởng đơn vị Can thiệp đột qụy, yếu tố để quyết định sử dụng tiêu sợi huyết mặc dù bệnh nhân đã quá "thời gian vàng" là sự không tương thích giữa thời gian khởi phát (trên 6h) và hình ảnh học trên cộng hưởng từ sọ não. Tổn thương trên hình ảnh cộng hưởng từ gợi ý bệnh nhân có tuần hoàn bàng hệ tốt và có thể còn vùng não có thể cứu sống được, mặc dù thời gian khởi phát đã lâu.

Việt Nam có hơn 200.000 người bị đột quỵ/năm, hơn 50% bệnh nhân tử vong hoặc tàn phế. "Thời gian vàng" cho bệnh nhân đột quỵ thiếu máu não là trong vòng 6 giờ đầu. Đối với các trường hợp bệnh nhân đến bệnh viện trễ, tùy vào từng trường hợp cụ thể, cửa sổ điều trị có thể mở rộng đến 24 giờ dựa trên một số tiêu chuẩn hình ảnh học. Tuy nhiên, người bệnh cần đến bệnh viện càng sớm càng tốt.

H.Hoa

Chia sẻ bài viết