17/03/2024 - 08:14

Cuộc đua phát triển bền vững trong lĩnh vực thời trang 

Phát triển bền vững và bảo vệ môi trường đang là định hướng quan trọng trong chiến lược của nhiều thương hiệu thời trang lớn trên thế giới. Sản xuất những sản phẩm có yếu tố bền vững không chỉ đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng mà còn là cuộc đua của các thương hiệu trong việc sáng tạo những nguyên liệu thân thiện môi trường.

Air Swipe Bag của hãng Coperni.

Tại Paris Fashion Week Fall 2024, nhà mốt Coperni gây ấn tượng và nhanh chóng trở thành chủ đề thảo luận trên các diễn đàn và tạp chí thời trang danh tiếng khi giới thiệu sản phẩm Air Swipe Bag. Đó là túi xách được làm từ 99% không khí và 1% thủy tinh, được xem là chiếc túi nhẹ nhất thế giới khi chỉ khoảng 33gr. Trong đó, chính yếu là vật liệu nano silica aerogel với đặc tính của aerogel là dạng khí lẫn rắn, có 90% thể tích là không khí nên chỉ nặng hơn không khí 3 lần và nhẹ hơn thủy tinh tới 1.000 lần. Tuy nhiên aerogel có thể chịu sức nặng gấp 500-4.000 lần trọng lượng của nó. Silica aerogel từng được Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) sử dụng để bao bọc các con tàu vũ trụ tránh sự xâm nhập của nhiệt độ bất thường. Sự ra đời của Air Swipe Bag đã tạo nên bước ngoặt mới trong sự sáng tạo của ngành công nghiệp thời trang khi lựa chọn nguyên liệu có tính bền vững cao trước tác động của biến đổi khí hậu.

Tương tự, nhãn hiệu Marchon - đơn vị cung ứng kính mắt cho Lacoste, Nike, Calvin Klein… cũng đã lựa chọn giải pháp nguyên liệu mang tính đột phá khi sản xuất những chiếc kính thân thiện với môi trường hơn. Thomas Burkhardt, Chủ tịch điều hành Marchon, nói: “Trong vài năm qua, chúng tôi đã phát triển thành công hơn 10 loại chất liệu bền vững. Chúng có nguồn gốc thuần thực vật hoặc được tái chế từ các nguồn rác thải. Nhiều nhà sản xuất khác cũng đang nhắm tới xu thế sử dụng chất liệu thân thiện hơn cho môi trường”. Theo đó, nhựa axetat sinh học được cho là giải pháp thân thiện để thay thế nhựa polymer độc hại và khó tái chế. Nhựa axetat sinh học được làm từ sợi bông và bột gỗ thuần tự nhiên, 100% có thể tái chế và tự hủy sinh học. Hiện nhựa axetat sinh học được nhiều nhà sản xuất ở châu Âu và châu Á sử dụng. Ví như, nhà sản xuất tròng kính Yuehong Optical (Trung Quốc), hay De Rigo (Ý). Trong đó, De Rigo cung ứng những sản phẩm tròng kính có chất liệu bán sinh học có nguồn gốc từ cây thầu dầu cho nhiều nhãn hiệu phụ kiện thời trang như: Mulberry (Anh), Chopard (Thụy Sĩ)...

Tính bền vững trong thời trang không dừng lại ở việc tái chế mà còn là cuộc đua tạo ra những nguyên liệu, chất liệu mới với những sản phẩm độc đáo. Điển hình như bộ sưu tập trang sức làm bằng cofalit (kết quả của quá trình đốt nóng và nung chảy amiăng thành vật chất giống như xi măng) của Boucheron. Quá trình này biến hóa chất nguy hiểm amiăng trở nên vô hại. Tương tự, Hemmerle tiên phong trong việc sử dụng các vật liệu không cần khai thác như hóa thạch hay vỏ sò trong nhiều thập kỷ để làm đồ trang sức. Còn công ty trang sức Pomellato cũng sử dụng kỹ thuật hàn truyền thống của Nhật Bản (gọi là kintsugi) để tái chế những viên đá bị hư hỏng.

Các chuyên gia cho rằng người tiêu dùng ngày càng mua sắm có ý thức và càng quan tâm đến nguồn gốc của món hàng. Do đó, những sản phẩm có nguồn gốc rõ ràng, được làm từ chất liệu thân thiện ngày càng được đánh giá cao và có sức hút hơn.

BẢO LAM (Tổng hợp từ harpersbazaar, WWD, fashionnetwork)

Chia sẻ bài viết