14/05/2017 - 09:14

Cuộc chiến giữa biên kịch và nhà sản xuất

Hollywood đang trở lại thời kỳ phòng vé tươi sáng và hốt bạc. Dù vậy, nền công nghiệp điện ảnh vẫn còn nhiều vấn đề, nhất là mâu thuẫn giữa đội ngũ biên kịch và các nhà sản xuất. Xung đột này đang đứng trước nguy cơ trở thành cuộc đình công của các nhà biên kịch- vốn được bàn luận trong mấy tháng gần đây.

Sóng ngầm kéo dài hàng chục năm

 Cuộc xuống đường đình công của các nhà biên kịch vào năm 2007-2008.

Trong công nghiệp điện ảnh, đội ngũ biên kịch có tầm quan trọng đầu tiên. Có họ mới có kịch bản- khởi đầu cho một tác phẩm điện ảnh. Thế nhưng nhiều năm qua các nhà biên kịch chịu nhiều chèn ép từ các đơn vị sản xuất; đã tạo nên mâu thuẫn kéo dài giữa Hiệp hội các nhà biên kịch Mỹ (Writers Guild of America- WGA) với Liên minh sản xuất phim truyền hình và điện ảnh (Alliance of Motion Picture and Television Producers- AMPTP). Xung đột được dấy lên từ những năm 1960, sau đó bắt đầu những cuộc biểu tình ở các ngã đường Hollywood và đến nay các nhà biên kịch đã đình công 6 lần, đòi quyền lợi chính đáng.

Cuộc xuống đường vào năm 1988 được xem là dài nhất (22 tuần), buộc AMPTP thỏa hiệp: Chi trả thêm 600.000 USD hỗ trợ đảm bảo sức khỏe của các nhà biên kịch, 5% lợi nhuận của hãng phim có những tác phẩm sản xuất từ năm 1960 về trước được chuyển đến WGA, còn hãng có phim sản xuất sau năm 1960 sẽ phải trích 2% lợi nhuận cho các biên kịch. Mức lương của các biên kịch truyền hình được tăng lên 4%. Cuộc đình công gần nhất là ngày 5-11-2007 đến ngày 12-2-2008. Trong 100 ngày, các biên kịch không làm việc, khiến ngành công nghiệp phim ảnh điêu đứng, rất nhiều dự án bị rút ngắn hoặc dừng lại. Nguyên nhân mâu thuẫn lần này là lợi nhuận bản quyền trên các DVD hay các dịch vụ trực tuyến và sự chênh lệch tiền kịch bản quá lớn giữa các kênh. Cụ thể, trên các đài phát sóng cả nước, các biên kịch được trả khoảng 26.043 USD/tập phim, với các đài cáp chỉ còn khoảng 14.621 USD/tập. Vấn đề sau đó được giải quyết bằng một hợp đồng thỏa thuận giữa WGA và AMPTP, đảm bảo quyền lợi giữa hai bên.

Sau gần 10 năm yên ắng, Hollywood lại đang đứng trước sóng gió khi giới biên kịch lên tiếng sẽ có cuộc đình công vào tháng 5. Nguyên nhân của lần này là những quyền lợi chưa được thỏa thuận trong bản hợp đồng mới giữa WGA và AMPTP, khi hợp đồng cũ hết hạn.

Theo WGA, năm 2016, AMPTP- đại diện cho 350 hãng phim trong đó có Paramount Pictures, Sony Pictures, 20th Century Fox, Universal Pictures, Walt Disney Pictures, Warner Bros.Pictures và những nhà đài, đã thu lợi trên 51 tỉ USD. Trong khi đó lương của biên kịch bị sụt giảm 23% trong suốt hai năm 2015 và 2016. Ngoài chuyện thù lao giảm thê thảm, WGA đối mặt nguy cơ thiếu hụt ngân sách 145 triệu USD trong 4 năm tới để chăm lo phúc lợi cho 13.000 thành viên. Với hợp đồng mới, WGA đưa thêm một số đề nghị: Tăng lương cơ bản 3% mỗi năm chứ không ở mức 2% như đề nghị của AMPTP, không đồng ý AMPTP cắt giảm 10 triệu USD chi phí cho WGA, tính lại tiền lương khi độc quyền viết kịch bản. Phía AMPTP cũng đòi hỏi biên kịch không được có bất kỳ công việc nào khác khi đang phụ trách kịch bản của đơn vị sản xuất. Cuộc thương lượng đã diễn ra nhiều tháng nhưng vẫn chưa có hồi kết, đang đứng trước nguy có xảy ra cuộc đình công thứ 7.

Hệ lụy

Mỗi cuộc đình công đều để lại hậu quả nặng nề cho Hollywood. Cuộc đình công vào năm 2007 và 2008 khiến các dự án điện ảnh: "X-Men Origins: Wolverine", "Terminator Salvation", "Star Trek" bị gián đoạn; nhiều phim truyền hình như "Desperate Housewives", "Prison Break", "The Big Bang Theory", "Criminal Minds", "Breaking Bad" bị giảm tập hoặc "Hannah Montana", "The Suite life of Zach & Cody", "24"… bị cắt sóng.

Các biên kịch cũng chịu hệ lụy. Kết thúc đình công, các nhà biên kịch bồi thường hơn 287 triệu USD cho hợp đồng và các thỏa thuận. Do đình công, các nhà sản xuất truyền hình cũng rút ngắn mùa phim (tức số tập phim chỉ còn phân nửa so trước kia), thời gian sản xuất kéo dài, làm ảnh hưởng đến thu nhập của các biên kịch. Tại lĩnh vực điện ảnh, các nhà sản xuất cũng có tính toán riêng. Kevin Feige- Chủ tịch Marvel Studios, cho biết: "Tôi nghĩ cả nền công nghiệp đều bị ảnh hưởng, nhưng chúng tôi đã dự liệu trước và đã chuẩn bị". Các nhà sản xuất đã có kế hoạch dài hạn và các phim được công bố đều có kịch bản hoàn thiện. Cho nên hiện nay các nhà sản xuất có sản phẩm ra mắt đúng lịch trong 1-2 năm, trước khi cuộc đình công lần thứ 7 có thể xảy ra.

Biên kịch, nhà sản xuất đều bị thiệt hại trong cuộc chiến sẽ còn kéo dài, bởi những đòi hỏi về quyền lợi luôn thay đổi và gia tăng theo thời gian. Đối tượng bị ảnh hưởng nhiều nhất trong cuộc chiến này là khán giả và sự phát triển của công nghiệp phim ảnh. Khán giả sẽ hụt hẫng, thất vọng vì những tác phẩm họ chờ đợi không ra rạp, bị cắt giảm hoặc có những cái kết vội vã, cẩu thả. Chất lượng phim chỉ có thể giậm chân tại chỗ hoặc đi xuống. Do đó, WGA và AMPTP đang cần thỏa thuận nhiều hơn là chiến tranh.

BảO LAM
(Tổng hợp từ Latimes, Variety, Washingtonpost)

Chia sẻ bài viết