14/02/2019 - 09:33

Củng cố nội lực, tăng khả năng cạnh tranh cho doanh nghiệp 

Quá trình xây dựng và phát triển, TP Cần Thơ luôn khẳng định vai trò, vị thế của cộng đồng doanh nghiệp (DN) đối với sự phát triển kinh tế-xã hội nói chung. Từ đó, thành phố đã có nhiều chính sách, giải pháp để thúc đẩy đội ngũ DN tăng về lượng, mạnh về chất; đồng thời cam kết sẵn sàng đồng hành cùng DN vượt qua khó khăn, củng cố nội lực để tăng khả năng cạnh tranh ở cả thị trường trong và ngoài nước.

Nỗ lực phát triển DN

Điểm nhấn trong việc khuyến khích phát triển DN tại TP Cần Thơ thời gian qua phải kể đến là Kế hoạch số 41/KH-UBND (Kế hoạch số 41) của UBND thành phố về khởi sự DN trên địa bàn TP Cần Thơ đến năm 2020  được ban hành vào tháng 3-2017. Tiếp đó, đến tháng 7-2017, thành phố ra Quyết định số 1784/QĐ-UBND (Quyết định số 1784) ban hành một số giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch số 41. Kế hoạch số 41 được xây dựng nhằm khơi dậy tinh thần sáng tạo trong kinh doanh cho tổ chức, cá nhân có dự án khởi nghiệp, thành lập DN có khả năng tăng trưởng nhanh, hiệu quả dựa trên tài sản trí tuệ, công nghệ, mô hình kinh doanh mới... Trong đó, đặc biệt quan tâm đến giới trẻ với ý chí cầu tiến, năng động, sáng tạo, ham học hỏi, vượt khó và vươn lên làm giàu chính đáng.

Lãnh đạo thành phố thăm, tìm hiểu hoạt động sản xuất của một doanh nghiệp trên địa bàn quận Cái Răng.

Bám sát định hướng này, từ năm 2017 đến nay, TP Cần Thơ đề ra nhiều giải pháp phát triển cũng như khuyến khích DN khởi nghiệp và đạt được kết quả đáng ghi nhận. Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Cần Thơ, năm 2018, thành phố cấp mới đăng ký kinh doanh cho 1.359 DN các loại hình, với tổng vốn đăng ký khoảng 7.145 tỉ đồng, tăng khoảng 4% về số DN và tăng 16,5% số vốn đăng ký so với năm 2017. Ước số DN đang hoạt động đến cuối năm 2018 trên địa bàn thành phố khoảng 7.856 DN. Đồng thời, theo thông tin từ Cục Thuế, số lượng DN lỗ giảm từ 2.590 (năm 2016) xuống còn 2.234 (năm 2017). Tất cả những thông tin trên cho thấy sự phát triển của DN cũng như môi trường kinh doanh của TP Cần Thơ đã hấp dẫn được nhà đầu tư trong và ngoài nước lựa chọn, hướng tới.

Ông Võ Thành Thống, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, đánh giá: Năm 2018, kinh tế thành phố tăng trưởng hơn 7,5%, trong đó, chỉ số phát triển sản xuất công nghiệp tăng 8,15%. Tổng giá trị xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ thu ngoại tệ cán mốc trên 2 tỉ USD, tăng hơn 13% so với năm 2017. Đây là con số cao nhất từ trước đến nay. Điều này nói lên sự đóng góp của cộng đồng DN, không có DN sẽ không có tăng trưởng kinh tế. Kinh tế phát triển kéo theo sự phát triển của các lĩnh vực văn hóa - xã hội, quốc phòng an ninh cùng tiến lên. Vị trí của Cần Thơ đối với vùng chưa cao nhưng đã tạo nên tầm vóc mới và giúp thành phố vững tin phát triển.

Cam kết đồng hành

Kế hoạch số 41 đặt mục tiêu đến năm 2020, xây dựng DN thành phố có năng lực cạnh tranh, phát triển bền vững; có ít nhất 13.800 DN hoạt động, trong đó có các DN quy mô lớn, nguồn lực mạnh. Khu vực DN đóng góp trên 63% GRDP của thành phố. Bám sát Kế hoạch số 41, Quyết định số 1784 nêu rõ, tổng cộng DN thành lập mới giai đoạn 2017-2020 là 6.900 DN. Trong đó, năm 2019 là 1.850 DN và năm 2020 là 1.900 DN. Đồng thời, đề ra nhiều giải pháp liên quan đến tuyên truyền phổ biến thúc đẩy, hỗ trợ hộ kinh doanh cá thể chuyển đổi sang loại hình hoạt động DN; cải cách hành chính, hỗ trợ về môi trường pháp lý; bồi dưỡng kiến thức về hoạt động, quản lý và chính sách hỗ trợ DN; tăng cường chính sách hỗ trợ đối với lĩnh vực công nghiệp, thương mại…

Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Võ Thành Thống nhấn mạnh: Thành phố mong muốn DN phát triển ổn định, không ngừng mở rộng hoạt động sản xuất, kinh doanh. Do đó, trong năm 2019 và những năm tiếp theo thành phố xác định luôn sẵn sàng đồng hành cùng DN trong giải quyết mọi khó khăn, vướng mắc để đảm bảo sản xuất kinh doanh hiệu quả, bền vững. Hội nhập kinh tế quốc tế diễn ra sâu rộng, do đó, bản thân DN phải củng cố nội lực, tăng khả năng cạnh tranh để mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm và khẳng định vị thế trên trường quốc tế.

Về phía các DN cũng vạch lộ trình và đề ra nhiều giải pháp cho chặng đường phát triển sắp tới. Ông Nguyễn Hoàng Cung, Giám đốc Công ty TNHH Nông sản sạch Đại Thuận Thiên, cho biết: “Nhận thấy nhu cầu từ thị trường, công ty quyết tâm theo đuổi sản xuất các dòng sản phẩm nông nghiệp sạch, an toàn. Hiện tại, công ty có kế hoạch bao tiêu trái cây tại huyện Phong Điền. Tuy nhiên, chúng tôi mong muốn Nhà nước làm đầu mối kết nối “4 nhà” để tăng tính ràng buộc giữa các bên”. Theo ông Nguyễn Vũ Lộc, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Chế biến thực phẩm xuất khẩu miền Tây, tại các vùng nguyên liệu (trái cây) do diện tích sản xuất manh mún nên việc kiểm soát sử dụng thuốc bảo vệ thực vật; vấn đề tiêu thoát nước, thủy lợi gặp khó khăn. Do vậy, công ty đề xuất thành phố tạo điều kiện để tiếp cận đất đai mở rộng vùng nguyên liệu, đảm bảo kiểm soát chặt chẽ “đầu vào”, “đầu ra”. Đồng thời, đề nghị thành phố có chỉ đạo để nông dân tiếp cận vốn dễ hơn và tạo điều kiện cho liên kết phát triển.

Ông Trương Quốc Trạng, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố, cho biết: Năm 2019, bên cạnh việc duy trì đường dây nóng để hỗ trợ DN qua số điện thoại: 0888.773.666, thành phố triển khai thực hiện Nghị quyết số 07/2018/NQ-HĐND của HĐND TP Cần Thơ về việc Quy định chính sách hỗ trợ đầu tư các dự án ngoài ngân sách nhà nước; chính sách hỗ trợ DN vừa và nhỏ. Đồng thời, hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi để các nhà đầu tư tìm hiểu cơ hội và tham gia đầu tư các dự án mới vào TP Cần Thơ. Qua đó, tạo bước đột phá, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội theo các mục tiêu, chỉ tiêu thành phố đề ra.

Bài, ảnh: MỸ THANH

Chia sẻ bài viết
Từ khóa
doanh nghiệp