20/06/2008 - 21:35

Đồng chí Trần Ngọc Nga, Phó Giám đốc Sở Văn hóa – thể thao và du lịch TP Cần Thơ:

Công tác đổi giấy phép karaoke cần phải thận trọng

 

Giữa tháng 6-2008, Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch TP Cần Thơ tiến thành đợt thẩm định đầu tiên để đổi giấy phép cho các cơ sở kinh doanh karaoke theo “Quy hoạch karaoke – vũ trường giai đoạn 2007-2010 và định hướng đến 2020” (đã được UBND TP Cần Thơ phê duyệt từ cuối tháng 12-2007). Phóng viên Báo Cần Thơ đã có cuộc trao đổi với đồng chí Trần Ngọc Nga, Phó Giám đốc Sở, xoay quanh công tác khá nhạy cảm này.

* Xin đồng chí vui lòng cho biết việc thẩm định đổi giấy phép kinh doanh karaoke được tổ chức tiến hành ra sao?

- Sau khi UBND thành phố phê duyệt “Quy hoạch karaoke – vũ trường giai đoạn 2007-2010 và định hướng đến 2020”, Sở đã tổ chức triển khai quy hoạch đến các cơ sở kinh doanh karaoke trên toàn địa bàn.

Căn cứ trên kết quả khảo sát các cơ sở kinh doanh karaoke trước khi lập quy hoạch, Sở ước tính sẽ có 86/122 cơ sở karaoke và 2/3 vũ trường đủ điều kiện hoạt động theo Nghị định 11/2006/NĐ-CP (ngày 18-1-2006 của Thủ tướng Chính phủ) và Thông tư 69/2006/TT-BVHTT (ngày 28-8-2006 của Bộ Văn hóa Thông tin (cũ)) được đổi giấy phép. Các cơ sở kinh doanh karaoke được đổi giấy phép đợt này phải đáp ứng nhiều điều kiện mới: tọa lạc trên tuyến đường hoặc hẻm rộng từ 4 mét trở lên; cách xa các bệnh viện, trường học, cơ quan, cơ sở tôn giáo 200 mét trở lên; nếu điểm kinh doanh nằm trong khu dân cư thì phải được sự đồng ý của các hộ liền kề; diện tích phòng karaoke phải từ 20 mét vuông trở lên - không kể công trình phụ...

Sau khi thông báo rộng rãi, Sở đã bắt đầu nhận hồ sơ. Đến nay chúng tôi đã tiến hành thẩm định được 91/99 hồ sơ. Công tác thẩm định được giao cho Tổ thẩm định gồm đại diện các cơ quan hữu quan - trực tiếp đến các cơ sở để đánh giá thực tế. Căn cứ trên kết quả của lực lượng chuyên môn, Ban Giám đốc Sở vừa họp giữa tháng 6-2008 quyết định sẽ đổi giấy phép cho 36/91 hồ sơ đã được thẩm định và đạt yêu cầu. Sở sẽ nhanh chóng thông báo kết quả đợt thẩm định đầu tiên đến các cơ sở. Các hồ sơ chưa đạt yêu cầu đều được chỉ rõ những điểm còn khiếm khuyết để cơ sở khắc phục, nếu không làm được thì không đổi giấy phép.

* Căn cứ theo quy hoạch, số lượng cơ sở kinh doanh karaoke trên địa bàn TP Cần Thơ sẽ giảm đáng kể. Sở có lo ngại những phản ứng tiêu cực từ các cơ sở chưa đạt những yêu cầu mới không?

- Ngay trong thẩm định, chúng tôi đã rút ngay giấy phép hành nghề (cũ) đối với các cơ sở kinh doanh karaoke chưa đạt các tiêu chí mới. Nhưng để không đẩy các cơ sở vào tình thế buộc phải hoạt động “chui”, Sở yêu cầu các cơ sở này khắc phục những điểm chưa đúng quy định trong vòng ba tháng. Với những cơ sở vướng phải quy định về địa điểm, tức là nằm trong hẻm chỉ rộng từ 2-3 mét hoặc gần trường học, bệnh viện, công sở... nếu chủ cơ sở tìm được địa điểm mới để tiếp tục hoạt động, họ cũng sẽ được đổi giấy phép. Phần lớn cơ sở không đáp ứng các tiêu chuẩn về diện tích phòng, điều kiện cách âm và ánh sáng... thì dễ khắc phục hơn.

* Thưa đồng chí, vậy việc thực hiện “Quy hoạch karaoke – vũ trường giai đoạn 2007-2010 và định hướng đến 2020” của TP Cần Thơ lẽ nào chỉ xoay quanh chuyện đổi giấy phép? Có ý kiến cho rằng thành phố đã tiến hành công tác này khá chậm?

- Thực hiện chỉ đạo của Bộ Văn hóa Thông tin (cũ) về công tác lập quy hoạch karaoke - vũ trường, Sở cũng đã vạch ra lộ trình phát triển loại hình dịch vụ này trên địa bàn TP Cần Thơ, chẳng hạn như đến năm 2010 sẽ có 359 cơ sở karaoke, 13 vũ trường. Tuy nhiên, đó chỉ là quy hoạch đón đầu và phải chờ chủ trương thực hiện của Chính phủ. Hiện nay, TP Cần Thơ vẫn thực hiện nghiêm Chỉ thị 17/2005/CT-CP của Chính phủ về việc ngưng cấp phép mới đối với hoạt động karaoke – vũ trường. Vì vậy, việc thực hiện quy hoạch của TP Cần Thơ trước mắt chỉ là công tác thẩm định và đổi giấy phép cho các cơ sở kinh doanh karaoke đủ điều kiện.

Nghị định 11/2006/CP và Thông tư 69/2006/TT-BVHTT đặt ra nhiều điều kiện kinh doanh mới đối với các cơ sở kinh doanh karaoke, vũ trường và đòi hỏi các cán bộ trực tiếp làm công tác quản lý tại cơ sở phải hiểu rõ từng yêu cầu để thuận lợi triển khai đến các hộ kinh doanh, vận động họ tự giác thực hiện các quy định mới. Vì nếu tiến hành hấp tấp, dễ xảy ra phản ứng tiêu cực từ các cơ sở, gây thêm khó khăn cho công tác quản lý. Cho nên, dù hai văn bản này ra đời từ năm 2006, nhưng trong năm 2007 Thanh tra Bộ vẫn liên tục tổ chức khá nhiều buổi hướng dẫn triển khai thực hiện cho lực lượng thanh tra và cán bộ nghiệp vụ các địa phương. Từ cuối năm 2007 đến nay, việc sáp nhập 3 Sở Văn hóa Thông tin, Thể dục Thể thao và Du lịch của TP Cần Thơ cũng khiến một số công tác bị chững lại. Tuy nhiên, Tổ thẩm định cũng vẫn chủ động phối hợp cùng Phòng Văn hóa các quận huyện tiến hành thẩm định, giúp Sở tổ chức thực hiện tốt công tác này.

Công tác này tuy có tiến hành chậm, nhưng đây là việc nhạy cảm, cần được tiến hành thận trọng, nhằm đảm bảo không để xảy ra tiêu cực hoặc mua bán giấy phép.

* Xin cảm ơn đồng chí!

XUÂN VIÊN (thực hiện)

Chia sẻ bài viết