02/03/2008 - 09:22

Công nhân dưới gánh nặng giá cả

Theo dự đoán của nhiều chuyên gia, giá cả sẽ tiếp tục tăng cao trong thời gian tới. Điều đáng lo ngại cùng với các mặt hàng tăng giá như vật liệu xây dựng, vật tư nông nghiệp, xăng, dầu thì nhóm hàng thực phẩm cũng tăng vùn vụt. Giá cả tăng cao làm ảnh hưởng rất lớn đối với đời sống của người có thu nhập thấp, nhất là giới công nhân ở TP Cần Thơ.

* Hụt hơi với giá

Cuối tháng 2, chúng tôi đến các khu công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn TP Cần Thơ để tìm hiểu đời sống của công nhân trong thời điểm giá cả tăng cao. Tiếp xúc với nhiều công nhân, người lao động nghèo mới thấy hết cảnh khó khăn của họ khi đối mặt với giá cả tăng như hiện nay.

Huyện Thốt Nốt, TP Cần Thơ có trên 7.000 công nhân làm việc ở Chợ chuyên doanh lúa gạo và các công ty. Trong số này, không ít công nhân lao động thời vụ, chủ yếu làm nghề bốc vác.

Ở trong khu nhà trọ “ổ chuột” (xã Thới Thuận, huyện Thốt Nốt) anh Đặng Văn Tuấn (quê huyện Cờ Đỏ, TP Cần Thơ) có thâm niên gần 10 năm làm nghề bốc vác than thở: “Tiền phòng trọ, gạo thóc, tiêu, hành, tỏi... đều tăng! Tôi đi bốc vác suốt ngày, trung bình 40.000 đồng/ngày, vợ tôi lội bộ vài chục cây số bán vé số, vậy mà số tiền kiếm được cũng không đủ để chi cho các khoản sinh hoạt hàng ngày”. Quá khó khăn, gần đây, đứa con trai thứ 2 của anh Tuấn đang học lớp 7 phải bỏ học nửa chừng để đi bán vé số, kiếm tiền phụ giúp gia đình. Anh Tuấn ngậm ngùi nói: “Nhìn con nghỉ học đi bán vé số, tôi đau lòng lắm. Nhưng tình cảnh gia đình như hiện giờ cũng đành chịu. Năm sau, nếu thu nhập khá hơn, mới tính đến chuyện cho nó đi học trở lại”. Nhiều gia đình công nhân, lao động thời vụ khác cũng có hoàn cảnh tương tự như anh Tuấn.

Giá cả tăng cao đời sống công nhân gặp nhiều khó khăn. Ảnh: VÂN LÂM 

Chúng tôi đến Khu công nghiệp Trà Nóc I (quận Bình Thủy, TP Cần Thơ) vừa lúc công nhân tan tầm cuối ngày. Trời sắp tối, nhưng có rất đông công nhân đi mua lương thực và thực phẩm ở chợ Trà Nóc và chợ “chồm hổm” gần cầu Sang Trắng. Thông thường, chợ chỉ họp đông vào những giờ cao điểm nhưng nay thì khác, nhiều công nhân chỉ đi chợ vào thời điểm trời sắp tối. Lý do khá đơn giản: đó thời điểm cuối ngày, công nhân hy vọng sẽ mua được hàng giá “mềm”.

Chị Trần Thị Loan... Công nhân của một công ty chế biến thủy sản lần lượt bỏ 2 con cá bạc má ươn vào giá cân, rồi bỏ lại thau cá, sau đó chị lại để 2 con cá lên giá cân... Lưỡng lự giây lát, sau một hồi “cò kè bớt một thêm hai” với người bán cá, chị Loan mới quyết định mua 2 con cá này. Đi lại mấy bận ở chợ, chị Loan ra về cầm trên tay túi ni-lông lép xẹp. Chỉ vào bọc đồ chị than thở: “Thấy vậy chớ đã tiêu gần 15 ngàn đồng chớ ít sao. Mà có đáng gì đâu, hai con cá ươn 6 ngàn đồng; bó rau muống 3 ngàn đồng, trái bí đao 2 ngàn đồng; me, ớt 1 ngàn đồng, chưa tính các thứ lặt vặt khác như muối, bột ngọt, đường, dầu lửa, gạo, hai bữa cơm cho một ngày gần hết 20 ngàn đồng. Công nhân chúng tôi phải nhịn ăn, nhịn mặc mới mong có dư tiền chút đỉnh gởi về nhà. Giá cả tăng thế này đành chịu!”. Để giảm bớt tiền chi tiêu hàng ngày, nhiều gia đình công nhân phải “ăn chay trường” để có tiền dôi ra lo cho con đi học. Theo nhiều tiểu thương ở chợ Trà Nóc và chợ Sang Trắng, sau Tết, mặt hàng thịt, cá bán rất chậm, nhưng các mặt hàng khác như rau, củ, tương, chao, tàu hủ lại bán nhanh.

Đến khu vực Thới Đông (phường Phước Thới, quận Ô Môn, TP Cần Thơ) chúng tôi ghé vào một xóm nhà trọ với những căn phòng nhỏ xíu, chật hẹp, chen chúc nhiều người ở. Quan sát bữa cơm của nhiều gia đình công nhân, chúng tôi thấy chỉ toàn là rau, tương chao và tàu hủ. Trò chuyện về tiền lương, giá cả nhiều công nhân cho biết: “Sau Tết đến nay, họ phải “kiêng” thịt, cá và chỉ ăn cơm với rau, tương, chao, tàu hủ đồng thời tăng ca liên tục mới hy vọng dư một hai trăm ngàn gởi về quê cho gia đình”. Chị Ngô Thị Đào, công nhân may mặc thở dài nói: “Tôi làm công nhân đã hơn 3 năm nay mà lương tăng không được 2 trăm ngàn đồng, trong khi đó giá nhà trọ, gạo, dầu lửa, nước mắm... tăng chóng mặt. Mong sau thời gian tới giá cả rẻ hơn, công nhân như tụi tôi mới cầm cự nổi”.

Anh Lê Văn Thình quê ở tỉnh Hậu Giang làm công nhân cho một công ty sản xuất vật liệu xây dựng ở KCN Trà Nóc I nhưng phải thuê nhà trọ ở tận phường Thới An Đông (quận Bình Thủy, TP Cần Thơ) vì tiền thuê phòng trọ ở đây rẻ. Hai vợ chồng anh Thình làm công nhân hơn 4 năm, dành dụm được ít vốn vợ chồng anh mua chiếc xe gắn máy đi làm. Thế nhưng, nay chiếc xe phải trùm mền vì giá xăng quá đắt. Không chỉ có thế, đứa con thứ 2 của anh chưa đầy 4 tháng tuổi phải ngưng uống sữa cũng chỉ vì giá sữa quá cao. Anh Thình nói: “Giá xăng và nhiều mặt hàng sinh hoạt tăng vùn vụt, vợ chồng tôi phải đi làm bằng xe đạp, nhịn ăn và làm tăng ca liên tục nhưng vẫn “hụt hơi” cho các chi phí của gia đình”.

* Cần tiếp sức cho công nhân

Theo số liệu từ Ban quản lý các Khu chế xuất và Công nghiệp TP Cần Thơ, thành phố có khoảng 36.000 công nhân, trong đó số lao động thời vụ gần 2.000 người. Qua khảo sát mới đây của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP Cần Thơ, thu nhập của công nhân ở các công ty, doanh nghiệp dao động trung bình khoảng 1,2 triệu đồng/tháng. Một chuyên viên của sở này cho biết: “Đây chỉ là mức lương trung bình chứ thực tế rất nhiều công nhân thu nhập không tới con số này, nhất là công nhân lao động thời vụ. Để cải thiện đời sống của người lao động, ngoài những chính sách kiềm chế tăng giá, Nhà nước cần quan tâm hơn nữa việc đào tạo nghề vì người công nhân được đào tạo bài bản qua trường lớp thu nhập sẽ cao hơn lao động phổ thông”.

Sau Tết Nguyên đán Mậu Tý 2008, không ít công ty ở Cần Thơ rơi vào cảnh thiếu hụt công nhân sản xuất nghiêm trọng, cho dù các công ty này cố gắng tìm nguồn lao động bằng nhiều hình thức. Giải thích vấn đề này, một số đơn vị làm công tác giới thiệu việc làm cho rằng: Lương và chế độ an sinh thấp là nguyên nhân chính dẫn đến người lao động “chê” làm việc ở Cần Thơ và đổ xô đến các tỉnh như Bình Dương, Đồng Nai, TP Hồ Chí Minh để tìm việc làm, vì mức lương ở các tỉnh này khá hơn.

Để tiếp sức và giữ chân được người lao động làm việc lâu dài, ông Huỳnh Việt Dũng, Phó Ban quản lý các khu chế xuất- khu công nghiệp TP Cần Thơ, đề nghị: Thành phố cần nhanh chóng thực hiện đề án xây dựng nhà ở cho công nhân và người có thu nhập thấp để giảm bớt chi phí nhà ở cho họ. Bên cạnh đó, công ty, doanh nghiệp cần mạnh dạn thực hiện các chính sách an sinh như người sử dụng lao động chủ động tăng lương; tiền thưởng cho công nhân làm việc đạt năng suất cao, hỗ trợ tiền nhà trọ, ăn trưa, tổ chức đưa rước công nhân... Có như vậy, người lao động mới an tâm sản xuất.

Phóng sự m VÂN LÂM

Chia sẻ bài viết