16/04/2024 - 08:44

Công nghiệp văn hóa Hàn Quốc tạo nên nhiều xu hướng toàn cầu 

Phim ảnh và âm nhạc góp phần quan trọng cho sự phát triển vượt bậc của ngành công nghiệp văn hóa Hàn Quốc, tạo ra nhiều xu hướng ảnh hưởng đến giới trẻ toàn cầu. Bên cạnh những thành công và lợi ích, thì ngành công nghiệp này vẫn bộc lộ những mặt tối.

Cho đến nay “Squid Game” (ảnh) phát sóng trên Netfix vào năm 2021 vẫn còn sức hút dù đã 3 năm trôi qua. Đây vẫn là chương trình được xem nhiều nhất từ ​​trước đến nay của Netflix. Vì thành công của “Squid Game”, Netflix đã quyết định đầu tư 2,5 tỉ USD  vào các nội dung Hàn Quốc trong 4 năm tới. Disney và Apple TV+ cũng tích cực phát sóng nhiều chương trình Hàn Quốc. Ngay cả BBC cũng vào cuộc, khi ra mắt “Gangnam Project”, một sê-ri vén màn hậu trường về các ngôi sao Kpop. Bà Sarah Muller, người đứng đầu bộ phận vận hành và mua lại các chương trình dành cho trẻ trong độ tuổi 7-12 của BBC, nói: “Hàn Quốc đang là trung tâm hiện đại của thế giới sáng tạo”.

Một giám đốc điều hành của Disney chia sẻ rằng trước đây văn hóa Hàn Quốc lan tỏa chỉ ở châu Á nhưng giờ đang trở thành làn sóng mới trên toàn thế giới. Trong đó, sức hút của phim ảnh và âm nhạc đang kéo theo nhiều xu thế khác trong thời trang, ẩm thực, văn học và cả mỹ phẩm. Chẳng hạn như xúc xích tẩm bột ngô của Hàn Quốc đã trở thành một trong những món ăn đường phố được săn lùng nhiều nhất ở Mỹ những năm qua. Trong khi đó, siêu thị ở Anh thường xuyên dự trữ kim chi, hay các đầu bếp nêm nếm hương vị món ăn bằng gochujang (tương ớt truyền thống Hàn Quốc). Một số khác thì say mê soju, loại rượu được chưng cất từ ngũ cốc lên men đặc trưng của Hàn Quốc. Làn sóng Hàn Quốc còn kéo theo sự quan tâm ngày càng tăng của bạn bè quốc tế trong việc học tiếng Hàn.

Ngành công nghiệp văn hóa Hàn Quốc đã được xuất khẩu thành công khi mang về nhiều lợi ích kinh tế cho quốc gia này ở nhiều lĩnh vực, ngành nghề khác. Cụ thể, nhóm nhạc BTS có thể mang về 3,67 tỉ USD cho nền kinh tế Hàn Quốc mỗi năm về xuất khẩu, tiêu dùng và du lịch nội địa thông qua người hâm mộ yêu thích nhóm nhạc. Theo đó, ngành công nghiệp văn hóa được xem là một trong những ngành xuất khẩu quan trọng được Hàn Quốc chú trọng đầu tư.

Tuy nhiên, sự phát triển toàn cầu đó kéo theo nhiều hệ lụy, đơn cử như để dễ dàng thâm nhập nhiều thị trường, bản sắc Hàn Quốc đang dần mất đi. John Lie, Giáo sư Xã hội học tại Đại học California (Mỹ), đồng thời là tác giả cuốn sách “K-pop: Economic Innovation”, cho biết: “Kpop có sự phân công lao động rộng rãi toàn cầu, từ các nhà soạn nhạc Thụy Điển, nhà thiết kế thời trang người Ý cho đến biên đạo múa người Mỹ”. Một ban nhạc Kpop không chỉ toàn là người Hàn Quốc, ví như NTC có 6 thành viên người Nhật, hay WayV có các thành viên là người Trung Quốc, Thái Lan. Ngành công nghiệp này còn sử dụng các thể loại âm nhạc quốc tế dễ nhận biết, như R&B, hip-hop… vốn mang đặc trưng của phương Tây nhiều hơn. Trong khi đó, nội dung sáng tạo của Hàn cũng đang dần đuối sức khi đề cập quá nhiều về các chủ đề bạo lực, tình dục… tạo nên những tác động tiêu cực.

Ái Lam

 

Chia sẻ bài viết