Trong bối cảnh suy giảm kinh tế toàn cầu do tác động từ đại dịch COVID-19, căng thẳng địa chính trị, lạm phát tăng, các nền kinh tế thắt chặt tài chính… đã ảnh hưởng đến khả năng phục hồi sản xuất kinh doanh, giảm sút niềm tin đầu tư và cũng làm giảm đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) toàn cầu. Các dự báo của các tổ chức quốc tế đều nhận định rằng, dòng đầu tư FDI sẽ sụt giảm do sự phục hồi chậm của các nền kinh tế phát triển; một số nền kinh tế mới nổi và đang phát triển phục hồi tốt hơn, nhờ dòng đầu tư FDI vào các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo để tạo ra các động lực tăng trưởng mới. Tại khu vực Đông Nam Á, các dự báo của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Ngân hàng Thế giới (WB), Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF)… đều nhận định rằng, nền kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng nhanh nhất trong khu vực và tiếp tục là điểm đến hấp dẫn, an toàn cho các nhà đầu tư nước ngoài.
Năm 2022, tổng vốn FDI đầu tư vào Việt Nam đạt gần 28 tỉ USD, bằng 89% so với năm 2021, nhưng giải ngân vốn FDI đạt khoảng 22,4 tỉ USD, tăng 13,5% so với năm 2021. Điều này phản ánh sự phục hồi của nền kinh tế Việt Nam đã tạo niềm tin kinh doanh tốt cho các doanh nghiệp FDI mở rộng đầu tư. Theo dự báo năm 2023 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, thu hút FDI vào Việt Nam có thể đạt mức 36-38 tỉ USD. Tính đến ngày 20-7-2023, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần, mua phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài đạt gần 16,24 tỉ USD (vốn cấp mới hơn 7,93 tỉ USD; vốn điều chỉnh 4,15 tỉ USD…), tăng 4,5% so với cùng kỳ năm 2022. Ước giải ngân vốn FDI trong 7 tháng đạt khoảng 11,58 tỉ USD, tăng 0,8% so với cùng kỳ năm 2022. Đây là tín hiệu tích cực cho thấy nền kinh tế Việt Nam vẫn duy trì đà phục hồi và phát triển, tạo niềm tin kinh doanh cho khối doanh nghiệp FDI.
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong 18 ngành kinh tế quốc dân thu hút vốn FDI trong 7 tháng đầu năm nay thì ngành công nghiệp chế biến, chế tạo dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đạt hơn 10,93 tỉ USD, chiếm hơn 67,3% tổng vốn đăng ký và tăng 9,3% so với cùng kỳ. Tiếp theo là ngành kinh doanh bất động sản, với hơn 11,61 tỉ USD; tài chính ngân hàng, khoa học công nghệ vốn lần lượt hơn 1,53 tỉ USD (gấp gần 63,9 lần) và gần 737,6 triệu USD (tăng 40,2% so cùng kỳ). Bên cạnh đó, về dự án mới, ngành công nghiệp chế biến chế tạo vẫn là ngành dẫn đầu (chiếm 31,1% số dự án mới) và điều chỉnh vốn (chiếm 55% tổng vốn điều chỉnh).
Trong nhiều năm qua, khu vực đầu tư nước ngoài đã có những đóng góp rất lớn vào tăng trưởng kinh tế Việt Nam. Môi trường kinh doanh của Việt Nam cũng được cải thiện đáng kể để thu hút vốn FDI. Hiện khu vực FDI chiếm tỷ trọng lớn trong tổng kim ngạch xuất nhập khẩu quốc gia. Trong 7 tháng đầu năm nay, khu vực FDI xuất siêu hơn 25,6 tỉ USD (không kể dầu thô), trong khi khu vực trong nước nhập siêu gần 13,7 tỉ USD. Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, kim ngạch xuất khẩu (kể cả dầu thô) của khu vực FDI trong 7 tháng năm 2023 ước đạt gần 143,83 tỉ USD, chiếm 73,7% tổng kim ngạch xuất khẩu. Kim ngạch nhập khẩu của khu vực FDI đạt hơn 117,1 tỉ và chiếm 64,3% kim ngạch nhập khẩu cả nước. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến chế tạo chiếm tỷ trọng chi phối và trong ngắn hạn, đây là ngành tiếp tục có lợi thế trong hút dòng vốn FDI.
SONG NGUYÊN