21/10/2016 - 15:05

Công nghệ làm thay đổi ngành chăm sóc sức khỏe như thế nào?

Hơn 20 năm qua, lĩnh vực chăm sóc sức khỏe đã có nhiều tiến bộ vượt bậc mà công nghệ được xem là động lực to lớn đằng sau hầu hết những tiến bộ đó. Dựa trên một tài liệu biên soạn chuyên ngành, báo Huffington Post của Mỹ đã giới thiệu 6 cách mà công nghệ làm thay đổi diện mạo ngành y thế kỷ 21.

Ứng dụng robot

Không chỉ phổ biến trong lĩnh vực công nghiệp, cứu hộ hay giúp việc nhà, robot ngày nay còn được ứng dụng rộng rãi trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe. Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) gần đây đã cho phép lưu hành loại robot có khả năng tuần tra hành lang bệnh viện, trông coi bệnh nhân ở các phòng khác nhau, quản lý bệnh án và theo dõi dấu hiệu sinh tồn của bệnh nhân mà không cần bác sĩ thăm khám trực tiếp.

Trong khi đó, robot phẫu thuật được xem là bước tiến nhảy vọt trong ứng dụng công nghệ vào chăm sóc sức khỏe. Một nghiên cứu gần đây của Trung tâm Y tế Nhi đồng Quốc gia tại Washington cho thấy robot tự hành có thể thực hiện phẫu thuật mô mềm tốt hơn so với bác sĩ phẫu thuật.

HeroSurg – robot phẫu thuật có phản ứng xúc giác đầu tiên trên thế giới. Ảnh: Deakin University

Điều trị nhiều loại cơn nghiện

Nhờ tính tương tác và phổ biến của Internet, công nghệ đang thay đổi cách thức điều trị các cơn nghiện khác nhau đơn giản bằng cách sao chép và nhân rộng phương pháp điều trị đã được chứng minh hiệu quả.

Chẳng hạn, phương pháp TAC (Technology Assisted Care) bao gồm sử dụng các thiết bị công nghệ để tiến hành một số biện pháp điều trị rối loạn tâm lý/hành vi trực tiếp cho người bệnh thông qua việc tương tác với chương trình trên mạng. Tương tự, một số biện pháp can thiệp bằng công nghệ cũng được chứng minh là rất hiệu quả trong điều trị rối loạn do sử dụng chất gây nghiện (SUD), như liệu pháp can thiệp tâm lý TES (Therapeutic Education System) hay chương trình cai thuốc lá Project Quit, cũng đều dựa vào web.

Mô hình chăm sóc lấy người bệnh làm trung tâm

Nghiên cứu của Đại học John Hopkins (Mỹ) cho thấy, kết hợp nguyên tắc chăm sóc lấy người bệnh làm trung tâm (Patient-Centered Care – PCC) với công nghệ thông tin ngành y giúp cải thiện đáng kể hiệu quả chăm sóc sức khỏe toàn diện.

Một trong những hình thức PCC phổ biến là phát triển các cổng thông tin mà qua đó, bệnh nhân có thể cập nhật tình hình sức khỏe, thông tin cá nhân, đặt lịch khám, nhận kết quả xét nghiệm và trao đổi với bác sĩ qua tin nhắn. Không chỉ tăng hiệu quả giao tiếp, công nghệ còn cho phép các bác sĩ dành thời gian nhiều hơn cho bệnh nhân. Theo chuyên gia da liễu ở Florida - Tiến sĩ Jon Ward, nhiều bệnh viện Mỹ đang cải tiến qui trình làm việc của họ dựa trên nguyên tắc PCC này.

Viên thuốc thông minh PillCam giúp kiểm tra sức khỏe đường tiêu hóa. Ảnh: marsdd.com

Các hệ thống kích thích thần kinh và viên thuốc thông minh

Các bác sĩ đã xác định các dạng đau đầu mãn tính có liên quan đến hạch mũi sphenopalatine (SPG) – nhóm dây thần kinh nằm sau mũi, nhưng đến nay vẫn chưa tìm ra cách điều trị hiệu quả lâu dài. Do đó, công nghệ kích thích thần kinh SPG được xem là lựa chọn hữu hiệu để đẩy lùi và kiểm soát chứng đau đầu này. Nó hoạt động bằng cách phát ra xung điện nhỏ trực tiếp ở vùng SPG để ngăn chặn cơn đau ngay khi tín hiệu đầu tiên xuất hiện. Trong khi đó, những viên thuốc thông minh – tức các cảm biến có thể nuốt được, sẽ giúp bác sĩ theo dõi sức khỏe từ bên trong cơ thể bệnh nhân, thông qua hình ảnh thu được bởi camera siêu nhỏ tích hợp sẵn.

Phòng chống dịch bệnh

Y học hiện đại cũng ghi nhận vai trò quan trọng của công nghệ trong cuộc chiến chống dịch bệnh truyền nhiễm, điển hình như đại dịch Ebola vừa qua. Vào thời điểm bùng phát dịch, các thiết bị kỹ thuật cao đã được khai thác triệt để nhằm chẩn đoán sớm, phát thông tin cảnh báo sớm cho cộng đồng, tập huấn công tác chống dịch và chia sẻ dữ liệu qua Internet, cũng như nghiên cứu và giám sát nguồn dịch theo thời gian thực. Điển hình tại Mỹ, việc ứng dụng nhiệt kế hồng ngoại và robot diệt vi-rút đã giúp ngăn ngừa hiệu quả sự lây lan dịch bệnh ở nước này. Điều thú vị là loại nhiệt kế này đang ngày càng phổ biến và dễ dàng sử dụng tại nhà.

Ứng dụng công nghệ laser

Việc áp dụng laser trong điều trị bệnh cũng là một trong những cách mà công nghệ giúp thay đổi đáng kể hệ thống chăm sóc sức khỏe. Công nghệ laser hiện có thể ứng dụng để điều trị một loạt vấn đề sức khỏe từ nhẹ như rụng tóc, nấm móng đến nặng như ung thư.

ĐƯỜNG THẤT (Theo Huffington Post)

Chia sẻ bài viết