26/05/2024 - 21:01

Công dân Việt Nam cư trú ở nước ngoài có thêm cơ hội nhận chuyển nhượng đất 

So với Luật Đất đai năm 2013, Luật Đất đai năm 2024 đã sửa đổi nhiều quy định, góp phần tháo gỡ khó khăn, bất cập về đất đai phát sinh trong thực tiễn thời gian qua. Trong đó, quy định mở rộng quyền nhận chuyển nhượng đất của công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài (Việt kiều) được đông đảo người dân đồng tình, ủng hộ.

Hội đồng Phối hợp phổ biến giáo dục pháp luật TP Cần Thơ triển khai, phổ biến các quy định mới của Luật Đất đai năm 2024.

Hơn 5 năm nay, bà Hà Thị H.T ở phường Thới Long, quận Ô Môn được anh ruột - ông Nguyễn Thanh C, Việt kiều Mỹ, thỏa thuận nhờ đứng tên trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Bà H.T cho biết: “Theo Luật Đất đai hiện hành, anh tôi không được đứng tên trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Vì thế, anh tôi nhờ tôi đứng tên hộ”. Thời gian qua, trường hợp Việt kiều nhờ người thân đứng tên trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất không hiếm. Việc này dễ dẫn đến phát sinh tranh chấp, khiếu kiện, ảnh hưởng đến an ninh trật tự ở địa phương...

Điều 3, Luật Quốc tịch Việt Nam 2008, quy định người Việt Nam định cư ở nước ngoài gồm 2 đối tượng: công dân Việt Nam (đây là những cá nhân vẫn còn quốc tịch Việt Nam và hiện đang cư trú ở nước ngoài) và người gốc Việt Nam cư trú, sinh sống lâu dài ở nước ngoài (đây là những người Việt Nam đã từng có quốc tịch Việt Nam mà khi sinh ra, quốc tịch của họ được xác định theo nguyên tắc huyết thống và con, cháu của họ đang cư trú, sinh sống lâu dài ở nước ngoài). 

Các quy định về Luật Đất đai năm 2013 và Luật Nhà ở năm 2014 đều sử dụng chung cụm từ “người Việt Nam định cư ở nước ngoài”. Theo đó, người Việt Nam định cư ở nước ngoài thuộc diện được sở hữu nhà ở tại Việt Nam theo quy định của pháp luật về nhà ở được nhận chuyển quyền sử dụng đất ở thông qua hình thức mua, thuê mua, nhận thừa kế, nhận tặng cho nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất ở hoặc được nhận quyền sử dụng đất ở trong các dự án phát triển nhà ở.

Căn cứ quy định của Luật Đất đai 2013 về Quyền và nghĩa vụ về sử dụng đất ở của người Việt Nam định cư ở nước ngoài được sở hữu nhà ở tại Việt Nam và căn cứ Luật Nhà ở năm 2014, người Việt Nam định cư ở nước ngoài chỉ có thể được nhận chuyển nhượng trực tiếp quyền sử dụng đất trong các dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại được phép bán nền để tự tổ chức xây dựng nhà ở theo quy định của pháp luật. Đối với các trường hợp khác, pháp luật chỉ cho phép người Việt Nam định cư ở nước ngoài nhận chuyển quyền sử dụng đất ở thông qua hình thức mua, thuê mua, nhận thừa kế, nhận tặng cho nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất ở, tức nhận chuyển quyền sử dụng đất phải gắn liền với nhà ở. Trong cả hai trường hợp nêu trên, người Việt Nam định cư ở nước ngoài bắt buộc phải đáp ứng điều kiện được phép nhập cảnh vào Việt Nam.

Luật Đất đai năm 2024 chỉ hạn chế quyền nhận chuyển nhượng đất của người gốc Việt Nam định cư ở nước ngoài, còn người Việt Nam định cư ở nước ngoài có quốc tịch Việt Nam, có quyền, nghĩa vụ sử dụng đất như cá nhân trong nước. Như vậy, người Việt Nam định cư ở nước ngoài là công dân Việt Nam hoàn toàn có thể được nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất, được trực tiếp tham gia giao dịch bất động sản trong nước mà không bị giới hạn về quyền thực hiện giao dịch chuyển nhượng. Điều này đã giải quyết được vấn đề bất cập trước đây là khi muốn sử dụng đất trong nước, người Việt Nam định cư ở nước ngoài là công dân Việt Nam phải nhờ người thân trong nước đứng tên thực hiện giao dịch chuyển nhượng, dễ phát sinh tranh chấp...

Luật Đất đai năm 2024 vẫn giữ nguyên quy định liên quan đến tổ chức có vốn đầu tư nước ngoài và người gốc Việt Nam định cư ở nước ngoài nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất trong các khu công nghiệp, cụm công nghiệp và khu công nghệ cao (Điều 28, Luật Đất đai 2024). Ngoài ra, Điều 28, Luật Đất đai năm 2024 cũng quy định người gốc Việt Nam định cư ở nước ngoài được phép nhập cảnh vào Việt Nam, được Nhà nước giao đất để thực hiện các dự án đầu tư xây dựng nhà ở để bán hoặc để bán kết hợp cho thuê đất.

Bài, ảnh: Hiển Dương

Chia sẻ bài viết