05/03/2010 - 08:51

Giới thiệu Chính sách - Pháp luật

Công chức gồm những đối tượng nào?

Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 06/2010/NĐ-CP ngày 25-1-2010 về việc quy định những người là công chức. Theo Nghị định, Công chức là công dân Việt Nam được tuyển dụng, bổ nhiệm vào ngạch, chức vụ, chức danh, trong biên chế, hưởng lương từ ngân sách nhà nước hoặc được đảm bảo từ quỹ lương của đơn vị sự nghiệp công lập. Nghị định quy định cụ thể về các nhóm đối tượng công chức gồm:

Công chức trong cơ quan của Đảng cộng sản Việt Nam

Đối với cơ quan của Đảng Cộng sản Việt Nam ở Trung ương, công chức gồm người giữ chức vụ, chức danh cấp phó, trợ lý, thư ký của người đứng đầu và người làm việc trong văn phòng, cục, vụ, cơ quan thường trực tại thành phố Hồ Chí Minh, thành phố Đà Nẵng của Văn phòng Trung ương Đảng, cơ quan Ủy ban Kiểm tra Trung ương và các Ban Đảng ở Trung ương; người giữ chức vụ, chức danh đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu làm việc trong các văn phòng, cơ quan ủy ban kiểm tra... trực thuộc Ban Chấp hành Trung ương Đảng; người làm việc trong bộ phận giúp việc của cơ quan, tổ chức do Bộ Chính trị, Ban Bí thư... quyết định thành lập. Tương tự với cơ quan của Đảng Cộng sản Việt Nam ở cấp tỉnh. Còn với cơ quan của Đảng Cộng sản Việt Nam ở cấp huyện thì công chức là người đứng đầu và cấp phó của họ, người làm việc trong văn phòng, cơ quan Ủy ban Kiểm tra thuộc huyện ủy, quận ủy, thị ủy, thành ủy thuộc tỉnh.

Công chức trong các cơ quan Nhà nước

Công chức bao gồm Phó Chủ nhiệm của Văn phòng Chủ tịch nước, Văn phòng Quốc hội; Phó Tổng kiểm toán Nhà nước và những người giữ chức vụ cấp trưởng, cấp phó, người làm việc trong các tổ chức không phải là đơn vị công lập thuộc các cơ quan nói trên.

Đối với các Bộ, cơ quan ngang Bộ và các tổ chức khác do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thành lập thì công chức là những người giữ chức vụ Thứ trưởng và người giữ chức danh, chức vụ tương đương; Tổng cục trưởng và tương đương, Phó Tổng cục trưởng và tương đương; Cục trưởng, Phó Cục trưởng; người đứng đầu, cấp phó của họ và người làm việc trong các tổ chức không phải là đơn vị sự nghiệp công lập.

Tương tự đối với cấp tỉnh, công chức là những người giữ chức vụ Chánh văn phòng, Phó Chánh văn phòng của HĐND, UBND tỉnh; người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu và những người làm việc tại các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh; Trưởng ban, Phó Trưởng ban và người làm việc trong các tổ chức không phải đơn vị sự nghiệp công lập thuộc tỉnh.

Đối với cấp huyện, công chức là Chánh văn phòng, Phó Chánh văn phòng, Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND huyện và người giữ chức vụ cấp trưởng, phó và người làm việc trong cơ quan chuyên môn thuộc UBND huyện.

Công chức trong hệ thống Tòa án - Viện Kiểm sát

Là những người giữ chức vụ Phó Chánh án Tòa án nhân dân tối cao; Chánh án, Phó Chánh án các tòa và tòa chuyên trách; thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao; các Chánh án, Phó Chánh án Tòa án nhân dân cấp tỉnh, huyện, người làm việc trong các Tòa chuyên trách...

Trong hệ thống Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, công chức là các Phó Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Viện trưởng, Phó Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân cấp tỉnh, huyện...

Nghị định cũng quy định rõ công chức trong cơ quan của tổ chức chính trị - xã hội từ Trung ương tới cấp tỉnh, huyện gồm Chánh văn phòng, Phó Chánh văn phòng, Trưởng ban, Phó trưởng ban... và người làm việc trong bộ phận giúp việc của Ủy ban thuộc tổ chức chính trị - xã hội có vị trí tương đương cấp Trung ương - tỉnh - huyện.

Ngoài ra, công chức còn là người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Văn phòng Chủ tịch nước, Kiểm toán Nhà nước...

Cũng theo Nghị định này, công chức được cấp có thẩm quyền của Đảng, Nhà nước luân chuyển giữ các chức vụ chủ chốt tại tổ chức chính trị - xã hội nghề nghiệp... do các tổ chức đó trả lương. Nghị định có hiệu lực thi hành từ ngày 15 tháng 3 năm 2010.

NG.B (thực hiện)

Chia sẻ bài viết