17/08/2014 - 20:33

Con mò cắn: chớ xem thường!

Trong điều kiện thời tiết bất thường, các bệnh viện đang gia tăng số lượng bệnh nhân cảm cúm do nhiễm siêu vi. Riêng BVĐK Hoàn Mỹ Cửu Long vừa điều trị khỏi cho 2 bệnh nhân bị sốt mò (do con mò cắn), chuyển sang nhiễm trùng huyết, có nguy cơ tử vong vì nhập viện trễ. Sốt mò là bệnh lây truyền qua côn trùng thường xảy ra vào mùa mưa. Đối với người có cơ địa dị ứng, chớ nên xem thường!

Không tìm hiểu bệnh sử

Vết ve mò cắn trên người bệnh nhân P.V.P (ở Hậu Giang) đã bị nhiễm độc do y tế cơ sở chẩn đoán không đúng. 

Trường hợp thứ nhất là bệnh nhân P.V.P., sinh năm 1968, ở ấp Bình Thạnh, xã Long Bình, huyện Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang. Nhập viện ngày 22-7-2014 trong tình trạng sốt cao, lạnh run, có vết loét do côn trùng đốt ở vùng trên xương mu đã bị nhiễm trùng, nhiễm độc. Bệnh nhân cho biết, từ 10 ngày trước đã lên cơn sốt, sau khi đi phát quang bụi rậm tại vườn nhà. Bệnh nhân P. điều trị tại bệnh viện ở địa phương và được chẩn đoán bị viêm não Nhật Bản. Do có biểu hiện mất tri giác nên bệnh nhân P. tự ý xuất viện. Các xét nghiệm tại BVĐK Hoàn Mỹ Cửu Long đều cho thấy bệnh nhân P. bị nhiễm trùng huyết nặng.

Trường hợp thứ hai là bệnh nhân H.T.K.A., sinh năm 1970, ở phường 8, thị xã Sóc Trăng. Nhập viện ngày 4-7-2014 trong tình trạng lơ mơ, mất tri giác, sốt cao và có vết côn trùng đốt mặt trong đùi phải. BVĐK Hoàn Mỹ Cửu Long phải đưa bệnh nhân vào điều trị ở Khoa Hồi sức tích cực và Chống độc (ICU). Thân nhân bệnh nhân A. cho biết: “Bệnh nhân A. đã điều trị tại bệnh viện địa phương và chẩn đoán A. đang bị sốt siêu vi”.

Hai bệnh nhân P. và A. được điều trị khỏi sau 5 ngày nằm viện. BS.CKI. Trần Thanh Truyền, Khoa Nội B, BVĐK Hoàn Mỹ Cửu Long, cho biết: “Hai bệnh nhân này đều nhiễm Rickettsia do côn trùng đốt, biểu hiện là sốt kéo dài. Do nơi tiếp nhận ban đầu không khai thác bệnh sử nên không xử lý đúng bệnh. Nếu bị nhiễm trùng huyết kéo dài, bệnh nhân có thể nguy hiểm tính mạng”.

Cách xử lý

Theo BS.CKI. Trần Thanh Truyền: Sốt ve mò là sốt phát ban truyền nhiễm do vi rút Rickettsia tsuisugamushi gây ra, lây truyền qua vết đốt của ấu trùng loại tiết túc 6 chân (gọi là con ve hoặc mò). Bệnh nhân nhiễm Rickettsia được theo dõi điều trị bằng kháng sinh đặc hiệu (Doxycilline). Bệnh sốt ve mò từ thú vật lây truyền cho người, có đặc điểm lâm sàng là sốt kéo dài, có vết loét chỗ côn trùng đốt, phát ban sẩn và viêm hạch. Diễn tiến của bệnh thay đổi từ những thể nhẹ đến những trường hợp nặng, gây tử vong. Bệnh thường lưu hành ở vùng nông thôn, nơi có ổ dịch thiên nhiên và có tính cách nghề nghiệp như: người làm ruộng, làm rẫy, khai hoang. Ở ĐBSCL bệnh bộc phát nhiều vào mùa mưa, tại những nơi cây cối rậm rạp, có nhiều cỏ dại, đất mùn ẩm ướt. Con mò cũng sống ký sinh trên động vật như chó, chuột.  

Những điều cần lưu ý để tránh bị ve mò cắn:

* Xử lý ổ dịch thiên nhiên: phát quang khu vực xung quanh nhà ở, dọn sạch cỏ dại, mùn rác. Sử dụng các thuốc diệt côn trùng, diệt chuột và các loại gặm nhấm.

* Bảo vệ cá nhân tránh bị ấu trùng mò đốt: Không được nằm trên bãi cỏ vùng đất ẩm, không phơi quần áo trên bãi cỏ; khi đi ruộng, rẫy phải thắt chặt ống quần, ống tay áo hoặc mang giày cao cổ, sử dụng các thuốc xua đuổi côn trùng.

Nốt đốt của ấu trùng mò thường ở nơi da mềm, kín đáo lại không đau nên khó phát hiện. Lúc đầu, đây là nốt sẩn đỏ, ở giữa có mọng nước nhỏ. Mọng nước sẽ vỡ ra để lại một vết loét nổi gờ trên mặt da có viền đỏ và có dịch xuất tiết. Đối với người có cơ địa dị ứng với các dị nguyên, sẽ diễn tiến nặng qua các bước: Viêm hạch khu vực: vị trí hạch thường ở nách, bẹn, gần nơi vết mò đốt, đến giai đoạn toàn phát sẽ có biểu hiện sưng hạch toàn thân, hạch hơi cứng, ấn đau, đường kính 2 - 4 cm, di động được, hạch không nung mủ và nhỏ dần khi bệnh nhân hồi phục. Sốt cao có thể kèm rét run hoặc ớn lạnh. Dấu hiệu nhiễm độc như: bệnh nhân nhức đầu, chóng mặt, đau mình, mất ngủ, môi khô, lưỡi dơ, táo bón, tiêu phân lỏng... Diễn tiến nặng nhất là: viêm phế quản, viêm phổi, lơ mơ, hôn mê, kích động, tụt huyết áp.

Để chẩn đoán đúng bệnh nhân bị ve mò cắn, bệnh viện sẽ dùng phương pháp xét nghiệm bệnh phẩm (máu, da). Ở nơi cơ sở y tế chưa đầu tư thiết bị xét nghiệm, bác sĩ có thể chẩn đoán trên cơ sở quan sát nốt ve mò đốt và tìm hiểu bệnh sử bệnh nhân.

Bài, ảnh: ĐÌNH KHÔI

Chia sẻ bài viết