04/02/2024 - 13:26

Còn má, Tết đẹp biết chừng nào! 

Mấy bữa nữa thôi đã là cuối Chạp. Mỗi chuyến đi công tác của tôi như chừng đong đầy hơn. Tôi gặp một bà má ở miệt vườn Bình Thủy cặm cụi lặt kiệu mần dưa, một bà má ở Cái Răng chao đường nhận khạp dưa cải... Và còn những người giặt đôi chiếu dưới mé kinh, chăm chút cho hàng bông vạn thọ trước nhà, đi chợ sắm sửa cho thêm đủ đầy ba ngày Tết. Có bà má ở miệt Phong Ðiền, vừa rải lúa cho đàn gà, vừa kể với tôi: “Ðặng sắp nhỏ về Tết có ăn”.

Má phơi chuối khô làm mứt. Ảnh: DUY KHÔI

Nhìn những bà má đó, tôi lại nhớ tới má tôi. Mới hay, bao bà má trên đời đều như vậy, vun vén cho cái Tết nhà mình được vẹn tròn, ấm cúng. Còn má, Tết đẹp biết chừng nào!

Kể mấy dòng này, tôi không nghĩ chỉ kể về má tôi, mà là hình ảnh của một bà má Nam Bộ chắt chiu, tận tụy, vun vén cho chồng, cho con, cho Tết gia đình.

Trên đường quê ngày giáp Tết, tôi thấy cảnh một người mẹ trẻ đầu đội nón lá, đạp xe chở cậu con trai nhỏ. Cậu bé ngồi sau, tay ôm một cành mai làm bằng vải, miệng cười tươi rói, nói chuyện huyên thuyên. Chiếc xe đạp chở lỉnh kỉnh đồ đạc, và chở một tình thương mênh mang của hai mẹ con. Tôi lại nhớ hình ảnh của hơn 30 năm trước, má bơi xuồng chở tôi đi chợ Tết. Tôi nằm giữa xuồng, chặt đọt lá dừa nước che để ngủ, ngủ dậy thì kể chuyện cho má vui. Má bơi tới hơn hai tiếng đồng hồ mới tới chợ. Má dẫn tôi đi hớt tóc, lựa cho tôi đôi dép mới, mấy bộ đồ đẹp. Má sắm cho ba đôi dép Long Thành, cho chế Ba, chế Tư, chế Năm mỗi người mấy bộ đồ... Má lựa mớ cải tùa xại, ít kiệu mần dưa... Vậy là hết bữa chợ, má dẫn tôi xuống bến, tháo dây xuồng, móc lái bơi về mái nhà trong con kinh nhỏ. Giờ nhớ lại, má có mua gì cho má đâu.

Má chuẩn bị Tết hồi mới đầu tháng Chạp, khi lúa vừa cúi đầu. Má quét tước nhà cửa, cho bộ cột nhà uống dầu, rồi chuẩn bị giặt mùng mền chiếu gối, giặt bộ cửa buồng, giãy lại cái nền nhà... Dĩ nhiên, có anh Hai, mấy chế mần phụ. Rồi giáp Tết, má sên mứt dừa, ngào mứt khóm, đổ bánh bông lan... Khạp dưa cải má làm, tới 30 Tết là vừa ăn, mâm cơm cúng rước ông bà thêm hương vị từ bàn tay của má. Hình ảnh má ngâm nếp nước tro, đãi đậu, chuẩn bị lá chuối, dây lác, rồi ngồi gói mấy chục đòn bánh tét là hình ảnh đẹp nhất, với tôi.

Trong ngôi nhà nhỏ, má là linh hồn của Tết, là bông hoa đẹp nhất của mùa xuân, tôi luôn nghĩ vậy. Năm nay má đau nhiều, có lần phải mổ tim, hơi thở chừng như nặng nhọc, bước đi chừng như chậm chạp, nhưng cứ qua Chạp là má lại tất bật với mớ công việc không tên. Ba thấy xót, tới đổ quạu: “Cái bà, nói hoài không nghe!”, nhưng má thì hiền khô: “Mần cho tụi nhỏ nó về có ăn, ông ơi!”.

Mới qua tháng Chạp, má mua cá về xẻ khô, sạ thêm liếp cải xanh, cải bẹ dún. Má dặn ba tưới sáng tưới chiều cho cải vừa ăn mấy ngày Tết. Gọi điện thoại, nói chuyện gì thì má cũng không quên kể một loạt món đã chuẩn bị rồi hỏi thêm: “Con muốn ăn gì nữa không, má mần?”.

Qua hai mươi tháng Chạp, ngày nào má cũng kêu ba: “Ðâu ông bấm gọi tụi nhỏ coi chừng nào về Tết”. Ba cằn nhằn: “Cái bà, mới hỏi hôm qua, tụi nó nói hai bảy, hai tám về!”. Má không chịu: “Thì đâu, ông gọi thử coi, coi nó có về sớm hơn được không?”. Ba má cứ sần rần những ngày cuối năm như vậy, tưởng nghịch hướng nhưng cùng một ý nghĩ: mong con về!

Chiều hai mươi lăm Tết, nấu mâm cơm đạm bạc cúng nhà cửa, đất đai. Sáng mai, tôi về quê ăn Tết. Một năm trôi qua nhanh, vui có, buồn có; thành có, bại có... Vậy rồi cũng hết một năm, cũng thêm một tuổi. Cứ nghĩ, năm nào cũng được về quê ăn Tết là hạnh phúc lớn. Về để nghe, để nhìn bà con rôm rả đi chợ Tết, gói bánh tét, gánh nước đầy lu, chà gạo đầy khạp... Về để nhìn cách má chăm chút cho nhà mình ăn Tết. Vậy mà, bà xã cứ thì thầm: Giờ này, ở dưới, chắc má đang gom củi nấu bánh rồi! Giờ này, ở dưới, chắc má nhận dưa cải rồi!...

Ừ, giờ này, có một gia đình nhỏ nhớ quê!

Hồi nhỏ, mừng sự gì quá đỗi là y như có người hỏi: “Làm cái gì mà mừng như mừng má đi chợ Tết về vậy?”. Bây giờ cũng vậy, tôi thấy hoài cảnh mấy đứa nhỏ chạy siết xuống đầu bến, mừng: “A, má đi chợ về!”. Ba má chúng thủng thẳng bước từ vỏ lên, đưa cho cô gái nhỏ cái áo, dặn: “Ðâu, con thử coi vừa không?”; đưa đôi dép cho cậu con trai: “Má mua số ba mươi bảy, chắc vừa chân con. Mau lớn quá, gần bằng chân ba bây rồi”. Rồi còn có mấy cái bánh cam, bánh còng, má mua cho từng đứa. Cái Tết thiệt đề huề hết biết.

Luân vũ thời gian, không vì bất cứ điều gì mà dừng lại. Những đứa trẻ rồi sẽ lớn, như tôi, rồi cũng đã lớn, đã có tuổi sau những tháng cùng năm. Ðã không còn cảnh tôi mừng má đi chợ Tết về mà là hình ảnh má bồn chồn, vào trông ra đợi, khi hay tin “sáng nay tụi nhỏ về”. Má mừng con của má như má mừng mùa xuân vậy. Chợ Tết quê không còn cảnh má bơi xuồng chở con đi chợ Tết, mà con chở má đi chở mùa xuân về nhà mình. Bởi vậy, tánh hay cà rỡn, ba ghẹo má hoài: “Cái bà, già mà còn ham Tết!”. Má ham Tết vì có con, cháu về, có tiếng cười rộn rã đoàn viên, để má thấy con của má, cháu của má, mạnh giỏi, bình an. Tết với má chỉ có vậy!

Má chân chất mà cũng tinh tế lắm. Con má về, má đợi phải lúc, má hỏi riêng từng đứa một: “Sao con, năm nay làm đủ ăn không con, nói má mừng?”. Nhưng con má ai cũng biết, nói đủ thì má mừng mà nói thiếu thì tự động trong một ngày nào đó của Tết, má len lén lòn túi đưa thêm: “Má còn một ít, con lấy lo cho tụi nhỏ nghe”. Ðủ thì má mừng mà dư, có cho, má cũng không lấy: “Thôi con, bây một thằng bươi mà năm bảy thằng mổ, cất lo cho tụi nhỏ đi”.

Tôi nhớ hoài hồi năm dịch COVID-19 hoành hành, tưởng chừng năm đó đã hết ăn Tết rồi. Tôi đâu hay rằng, dù mình có buồn tới mấy thì Tết cũng về, mùa xuân cũng tới. Mấy hàng bông vạn thọ ba trồng cũng lú nhú trổ nụ. Cây mai, dưới tán có bàn thờ ông thiên, chiều nào má cũng ra đốt nhang, vái van ông bà phù hộ dịch bệnh tiêu tan, cho con cháu má đừng có chuyện gì! Tía má buồn, chiều chiều lại ra ngồi ở bộ ván ngoài hàng ba, ngóng con. Có con gà, tía tính bắt đem bán, lấy tiền mua hột cải về sạ, mà má cản: “Thôi ông! Ðể dành, Tết con nó có về mần nấu cháo cho tụi nó ăn”. Tía gật đầu, buông tay thả con gà.

May sao, Tết năm đó, sắp nhỏ của ba má về được, về đủ, về trong an vui. Nhìn con gà, má nhìn ba mỉm mỉm: “Ông thấy chưa!”.

Vậy đó, trong lòng má, những đứa con như bầy chim, hễ mạnh dạn thì bay đi, mỗi người mỗi ngã kiếm ăn, chớ đâu có ở đời với má được. Nhưng má cũng dặn hoài: “Rảnh thì về chơi với ba má”, “Tết thì về quê ăn Tết nhà mình”. Nghe lời má, đi đâu thì đi, làm gì thì làm, sương gió đường đời muôn dặm trùng khơi, mà hễ Tết, được về với má, với ba, về với nhà mình, là được rồi.

Tết năm nay, tôi lại về với má, về với nhà mình. Trong vạt nắng chiều cuối năm xiên qua hàng bình bát sau hè, má lụi hụi gom củi cho ba bưng vô nhà. Ba má nói cười, liêu xiêu chạng vạng những cuối ngày, cuối tháng, cuối năm. Lưng ai cũng còng, bóng đổ dài trên đất. Ba má mình già quá rồi...

Giáp Tết Giáp Thìn.

Ký: ÐĂNG HUỲNH

 

Chia sẻ bài viết