30/06/2010 - 21:15

QUY ĐỊNH VỀ CHỨC NĂNG CỦA BAN QUẢN LÝ CÁC KHU CHẾ XUẤT VÀ CÔNG NGHIỆP TRONG KIỂM TRA, XỬ PHẠT HÀNH CHÍNH CÁC VI PHẠM VỀ MÔI TRƯỜNG

Còn chồng chéo, khó thực hiện

Cán bộ bộ phận tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả của Ban Quản lý các Khu Chế xuất và công nghiệp Cần Thơ (bên trái) hướng dẫn hồ sơ cho doanh nghiệp.

Theo Quyết định số 33/2009/QĐ-UBND (QĐ 33), quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ban Quản lý các Khu Chế xuất và Công nghiệp Cần Thơ (BQL KCX&CN), do UBND thành phố ban hành ngày 14-5-2009, UBND thành phố phân cấp cho BQL KCX&CN thực hiện nhiều hoạt động quản lý nhà nước về môi trường, như thẩm định phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường, xác nhận bản cam kết bảo vệ môi trường và kiểm tra, thanh tra việc thực hiện cam kết… của các dự án đầu tư thuộc thẩm quyền quyết định của UBND thành phố trong khu công nghiệp, khu chế xuất trên địa bàn TP Cần Thơ. Tuy nhiên, quá trình thực hiện các nhiệm vụ này cho thấy, bên cạnh những thuận lợi, BQL KCX&CN cũng gặp nhiều khó khăn do chồng chéo nhiệm vụ giữa các cơ quan quản lý Nhà nước…

Nỗ lực tạo thuận lợi cho doanh nghiệp

Theo ông Huỳnh Việt Dũng, Phó Trưởng BQL KCX&CN Cần Thơ, trước đây, việc tổ chức thực hiện thẩm định, phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường, xác nhận bản cam kết bảo vệ môi trường của các dự án đầu tư thuộc thẩm quyền quyết định của UBND thành phố trong khu công nghiệp, khu chế xuất do Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố thực hiện. Theo quy định, thời gian thực hiện thủ tục này là 35 ngày kể từ ngày nhận hồ sơ của doanh nghiệp. Do khối lượng công việc nhiều nên việc thẩm định phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường của doanh nghiệp đôi lúc còn chậm so với yêu cầu, có phần ảnh hưởng đến tiến độ triển khai dự án đầu tư xây dựng của doanh nghiệp. Từ khi UBND thành phố ủy quyền cho BQL các KCX&CN Cần Thơ thực hiện nhiệm vụ này, đơn vị đã thực hiện với thời gian rút ngắn chỉ còn 25 ngày.

Ông Nguyễn Văn Bích, Phó Giám đốc Công ty Lương thực Sông Hậu, nhận xét: “BQL KCX&CN Cần Thơ vừa chủ trì thẩm định và phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường của các dự án đầu tư xây dựng cảng 10.000 DWT, dự án đầu tư xây dựng silo chứa xi măng 300 tấn; dự án đầu tư xây dựng 3 kho chứa lương thực của Công ty Lương thực Sông Hậu. Cán bộ ở bộ phận tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả của BQL KCX&CN Cần Thơ tận tình hướng dẫn các thủ tục để doanh nghiệp thực hiện đúng theo yêu cầu, không phải mất thời gian đi lại nhiều lần. Tôi thấy việc UBND thành phố ủy quyền cho BQL KCX&CN Cần Thơ thực hiện công tác này là hợp lý, nhằm chia sẻ công việc với Sở Tài nguyên và Môi trường và cũng tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp hơn. Việc phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường nhanh sẽ tạo điều kiện cho doanh nghiệp sớm hoàn tất các thủ tục để bắt tay vào đầu tư xây dựng mà không ảnh hưởng đến kế hoạch sản xuất kinh doanh của đơn vị”.

Vẫn còn chồng chéo...

Bên cạnh những thuận lợi trên, theo lãnh đạo BQL KCX&CN Cần Thơ, tuy BQL KCX&CN được phân cấp thực hiện nhiều hoạt động quản lý nhà nước về môi trường, như thẩm định phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường, xác nhận bản cam kết bảo vệ môi trường và kiểm tra, thanh tra... các dự án đầu tư thuộc thẩm quyền quyết định của UBND thành phố trong khu công nghiệp, khu chế xuất, những việc kiểm tra, xử phạt hành chính các vi phạm về môi trường của Ban Quản lý các Khu Chế xuất và Công nghiệp Cần Thơ vẫn gặp khó khăn, lúng túng do có sự chồng chéo ở một số quy định do các cấp có thẩm quyền đã ban hành. Lãnh đạo BQL KCX&CN Cần Thơ phân tích: Theo khoản 2 Điều 37 của Nghị định số 29/2008/NĐ-CP ngày 14-3-2008 của Chính phủ quy định về khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế và QĐ 33 của UBND thành phố, BQL KCX&CN Cần Thơ có nhiệm vụ “Chủ trì, phối hợp kiểm tra, thanh tra việc thực hiện các điều khoản cam kết đối với các dự án được hưởng ưu đãi đầu tư và việc chấp hành pháp luật về xây dựng, lao động, tiền công, bảo hiểm xã hội đối với người lao động, bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người lao động và người sử dụng lao động, hoạt động của các tổ chức chính trị - xã hội, phòng chống cháy nổ, an ninh - trật tự, bảo vệ môi trường sinh thái đối với các dự án tại khu công nghiệp, khu chế xuất...”. Thế nhưng, Thông tư số 08/2009/TT-BTNMT ngày 15-7-2009 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường “Quy định quản lý và bảo vệ môi trường khu kinh tế, khu công nghệ cao, khu công nghiệp và cụm công nghiệp” thì trách nhiệm này lại thuộc về Sở Tài nguyên và Môi trường. Chính sự “chồng chéo” trong quy định về chức năng này khiến BQL KCX&CN lúng túng trong việc thực hiện nhiệm vụ. Bên cạnh đó, theo Luật Bảo vệ môi trường, mỗi năm, số lần kiểm tra, thanh tra về bảo vệ môi trường nhiều nhất chỉ là hai lần đối với một cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, trừ trường hợp cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ đó bị tố cáo là đã vi phạm hoặc có dấu hiệu vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường, việc chồng chéo về chức năng còn khiến không ít doanh nghiệp bức xúc vì phải “tiếp” quá nhiều đoàn kiểm tra cùng một nội dung. Ông Lê Văn Cam, Tổng Giám đốc Công ty Thép Tây Đô, nêu ý kiến: “Việc các cơ quan chức năng đến kiểm tra, thanh tra ở các doanh nghiệp là nhằm giúp các doanh nghiệp thực hiện tốt công tác bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, việc phải tiếp nhiều đoàn đến kiểm tra, thanh tra cũng làm ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh của đơn vị. Tôi đề nghị các cơ quan quản lý Nhà nước nên phối hợp thành lập đoàn có đầy đủ các thành phần để không chồng chéo nội dung kiểm tra, thanh tra mà cũng tạo điều kiện thuận lợi, không ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp”. Đồng tình với quan điểm này, ông Huỳnh Việt Dũng, Phó Trưởng BQL KCX&CN Cần Thơ, kiến nghị UBND thành phố cần có chỉ đạo thống nhất giao cho BQL KCX&CN Cần Thơ thực hiện đúng chức năng nhiệm vụ được giao là chủ trì, phối hợp cùng với các ngành hữu quan thành lập đoàn việc kiểm tra, thanh tra về thực hiện bảo vệ môi trường trong các khu chế xuất và công nghiệp. Đoàn gồm nhiều thành phần sẽ xây dựng kế hoạch làm việc khoa học, không trùng lắp nội dung, chuyên sâu hơn và các thành viên trong đoàn có thể hỗ trợ lẫn nhau trong phân tích, đánh giá tình hình, nhằm cùng nhau thực hiện tốt công tác bảo vệ môi trường.

Ngoài ra, theo ông Dũng, QĐ33 của UBND thành phố ủy quyền cho BQL KCX&CN Cần Thơ thực hiện nhiệm vụ là “Quyết định xử phạt vi phạm hành chính theo quy định đối với các trường hợp vi phạm về các lĩnh vực thuộc thẩm quyền...”. Tuy nhiên, do trong văn bản này không quy định rõ “thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính về bảo vệ môi trường của BQL KCX&CN” cụ thể trong những trường hợp nào, vì thế từ khi QĐ33 có hiệu lực đến nay BQL các KCX&CN Cần Thơ cũng chưa lần nào thực hiện xử phạt hành chính đối với các doanh nghiệp vi phạm mà chỉ dừng lại ở việc nhắc nhở và cho thời gian doanh nghiệp tự khắc phục.

***

Phân cấp quản lý là một việc làm rất cần thiết, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ quan quản lý nhà nước chia sẻ công việc, quản lý chuyên sâu trên từng lĩnh vực, qua đó đưa công tác cải cách hành chính đi vào nề nếp, giảm bớt phiền hà cho nhân dân. Tuy nhiên, các cơ quan chức năng cũng cần nghiên cứu có sự phối hợp trong thực hiện nhiệm vụ để công tác quản lý các khu chế xuất và công nghiệp chặt chẽ, hiệu quả hơn.

Bài, ảnh: NHẬT MY

Chia sẻ bài viết