15/07/2009 - 21:36

Con chết, sản phụ hôn mê, bảo sanh tư bị khiếu kiện

Đầu tháng 7, Báo Cần Thơ nhận đơn của anh Dương Toàn Đăng Khoa (SN 1987), ở P. Hưng Phú, Q. Cái Răng, TP Cần Thơ, phản ánh tình trạng chị Nguyễn Thị Bích Thủy (vợ anh Khoa) bị cơn đau đẻ kéo dài, nhưng Nhà bảo sanh Bảy Thuần (ở đường 30-4, P. An Lạc, Q. Ninh Kiều, TP Cần Thơ) không cho vợ anh chuyển viện, dẫn đến hậu quả con anh bị tử vong, vợ anh hôn mê, phải sống đời sống thực vật hơn hai tháng qua.
Sự thật ra sao?

Trong đơn phản ánh anh Đăng Khoa nêu: Vào khoảng 10 giờ 30 phút ngày 25-4-2009, sản phụ Nguyễn Thị Bích Thủy được gia đình đưa đến Nhà bảo sanh Bảy Thuần để sanh con thứ ba. Y sĩ Trần Xuân Diệu đã nhận 500.000 đồng, thăm khám, chích một mũi thuốc cho mau sanh, kêu chị Thủy ra băng ghế ngồi chờ sanh. Đến khoảng hơn 12 giờ, gia đình thấy chị Thủy bị ra máu nhiều nên xin bà Diệu cho chuyển vào Bệnh viện Đa khoa Trung ương (BVĐKTƯ) Cần Thơ để sanh, bà Diệu nói: “Sanh tới nơi còn đi đâu!”. Đến 15 giờ 30 phút thì chị Thủy ngã ra bất tỉnh, tim ngừng đập. Bà Diệu đến cấp cứu, cho chị Thủy thở ôxy, nhưng chị Thủy đã trong trạng thái nguy kịch, thở ngáp cá. Nhà bảo sanh Bảy Thuần gọi cấp cứu 115, khoảng 16 giờ 30 phút xe cấp cứu của BVĐKTƯ Cần Thơ đến đưa chị Thủy vào bệnh viện.

Sản phụ Bích Thủy hôn mê, đang được mẹ là bà Nguyễn Thị Thành chăm sóc. Ảnh chụp sáng 7-7-2009, tại phòng cấp cứu của khoa Phổi thận BVĐKTƯ Cần Thơ. 

Anh Dương Toàn Đăng Khoa trình bày thêm: “Vào bệnh viện, vợ tôi sanh được con trai, nhưng con tôi chết từ trong bụng mẹ. Từ đó đến nay, vợ tôi sống đời sống thực vật, người ốm sát giường, tôi và mẹ vợ tôi bỏ việc làm ăn để túc trực ở bệnh viện phòng khi chuyện không hay xảy ra với vợ tôi. Tiền thuốc cho vợ tôi tốn gần 200 triệu đồng, tôi đã cầm cố 3 sổ đỏ, ngoài sổ đỏ của tôi, tôi còn mượn của mẹ vợ, anh vợ. Mấy ngày nay, quá túng quẫn, mẹ vợ tôi có đến chỗ bà Diệu để hỏi mượn tiền lo thuốc men cho vợ tôi, nhưng bà Diệu không cho mượn, còn thách thức gia đình tôi cứ thưa ra tòa”.

Đã xảy ra chuyện cãi vã to tiếng giữa anh Khoa và bà Diệu dẫn đến việc công an và Ban Tư pháp phường phải đứng ra hòa giải. Song việc thương lượng mức hỗ trợ tiền thuốc men cho nạn nhân giữa hai bên bất thành.

*

* *

Sản phụ Nguyễn Thị Bích Thủy được đưa vào khoa Hồi sức tích cực của BVĐKTƯ Cần Thơ lúc 16 giờ 30 ngày 25-4-2009, trong tình trạng: ngưng tim, ngưng thở, chẩn đoán “thuyên tắc phổi do nước ối”, được cấp cứu mở nội khí quản cho thở máy và sanh thường bằng phương pháp giác hút. Bác sĩ La Văn Phương, Phó Giám đốc BVĐKTƯ Cần Thơ, nói: “Thuyên tắc phổi do nước ối là bệnh lý rất hiếm gặp, tỷ lệ tử vong cao, bệnh viện đã điều trị cho chị Thủy theo tinh thần “còn nước - còn tát”, gia đình rất tốn kém vì phải dùng thuốc đặc trị”.

Do phải thở máy nhiều ngày nên chị Thủy thêm căn bệnh viêm phổi, đang nằm tại phòng cấp cứu của khoa Phổi thận. Trao đổi với phóng viên vào sáng 7-7-2009, bác sĩ Nguyễn Văn Thành, Trưởng khoa Phổi thận, cho biết: “Rất khó tiên liệu được tình trạng của sản phụ, vì ngày 4-7-2009, sản phụ có biểu hiện phục hồi (hết sốt, không cần phải thở ôxy), chúng tôi cho xe chuyển đến Bệnh viện Y học dân tộc để được điều trị bệnh, kết hợp vật lý trị liệu phục hồi chức năng nhận biết. Tuy nhiên, khi đến Bệnh viện Y học dân tộc thì diễn biến sức khỏe của chị Thủy lại xấu đi, chúng tôi phải đưa chị trở về. Kết quả kiểm tra sáng này, lượng ôxy máu của chị Thủy còn dưới 90% (thở 4 lít ôxy/phút, người bình thường phải trên 95%) chúng tôi đã liên hệ với khoa Hồi sức cấp cứu để khoa chuẩn bị, tình huống nguy cấp thì chuyển chị Thủy trở lại khoa để được thở máy”.

Theo bác sĩ Nguyễn Văn Thành, hơn 2 tháng điều trị tại BVĐKTƯ Cần Thơ, chị Thủy đã có 4 lần nguy kịch phải thở máy, phải chuyển từ khoa Phổi thận sang khoa Hồi sức cấp cứu. Trong những lần như vậy, bà Nguyễn Thị Thành (mẹ của chị Thủy) và anh Khoa luôn tỏ ra bình tĩnh, tích cực phối hợp với y, bác sĩ để cứu chữa cho chị Thủy. Bác sĩ Lý Thị Mỹ Linh, Phó khoa Khám bệnh của Bệnh viện Y học dân tộc (người phụ trách công tác khám ban đầu, để tiếp nhận chị Thủy), nói: “Lúc đến đây, bệnh nhân Thủy trong trạng thái gồng cứng, nhịp thở 48 lần/phút, nhịp tim 128 lần/phút, huyết áp 13/10 cmHg, người bình thường nhịp thở chỉ 16-18 lần/phút, nhịp tim từ 60-80 lần/phút, huyết áp 13/8. Tôi đã mời bác sĩ khoa Tim mạch để hội chẩn và có kết luận: “Tình trạng này vượt khả năng điều trị của bệnh viện”.

* * *

Nhà bảo sanh Bảy Thuần do bà Đặng Lý Thuần, 73 tuổi, đăng ký kinh doanh theo hình thức hộ kinh doanh cá thể, về chuyên môn được Giám đốc Sở Y tế TP Cần Thơ cấp giấy chứng nhận đăng ký hành nghề y tư nhân số 02/GCNĐKHN-NHS (giấy chứng nhận ghi là Nhà hộ sinh Bảy Thuần), thời gian hoạt động trong 5 năm (từ ngày 23-4-2009 đến ngày 23-4-2014). Trên thực tế, do bà Bảy Thuần tuổi cao nên nhiều năm qua người thực hiện các dịch vụ sinh đẻ, kế hoạch hóa gia đình tại nhà bảo sanh này là y sĩ Trần Xuân Diệu (SN 1959), con gái của bà Bảy Thuần. Bà Diệu được Giám đốc Sở Y tế TP Cần Thơ cấp giấy chứng nhận hành nghề “Phụ việc nhà hộ sinh tư nhân”, thời gian hành nghề trùng với thời gian trong giấy phép hoạt động của bà Đặng Lý Thuần, nhưng không ghi cơ sở hành nghề là Nhà hộ sinh Bảy Thuần. Việc này không phù hợp với quy định về chứng nhận hành nghề y tư nhân (quy định tại Thông tư số 07/2007/TT-BYT của Bộ Y tế ban hành ngày 25-5-2007 về hướng dẫn hành nghề y, y học cổ truyền và trang thiết bị y tế tư nhân- Gọi tắt là Thông tư 07). Thông tư 07 quy định người được cấp chứng nhận hành nghề nhà bảo sanh tư là người đứng đầu cơ sở để chịu trách nhiệm về chuyên môn. Đồng thời, nhà bảo sanh tư phải có bác sĩ chuyên khoa phụ sản thì mới được đặt vòng, đỡ đẻ khó, hút thai.

Trên thực tế, cơ sở vật chất của Nhà bảo sanh tư nhân Bảy Thuần hoạt động theo hình thức “3 trong 1”, tức phần mặt tiền là phòng khám bệnh và siêu âm ngoài giờ của hai vị bác sĩ, phần dành cho nhà bảo sanh nằm bên trong chật hẹp và thiếu ánh sáng, chỉ một phòng khoảng 12m2 làm phòng sinh đẻ và kế hoạch hóa gia đình. Như thế là không đúng quy định theo Thông tư 07 quy định về cơ sở vật chất của nhà bảo sanh tư (phải có ít nhất 6 buồng, gồm: buồng khám thai, khám phụ khoa, buồng đẻ có diện tích trên 16m2, buồng sản phụ nằm chờ đẻ, sau đẻ, sau hút thai, buồng hoặc góc truyền thông tư vấn).

Ông Trần Hữu Bình, Chánh thanh tra Sở Y tế, cho biết: “Thanh tra Sở đã nhận được đơn thưa của ông Khoa và đã báo cáo vụ việc với lãnh đạo Sở. Lãnh đạo Sở sẽ thành lập đoàn thanh tra để xác minh và giải quyết vụ việc theo luật định”.

Thiết nghĩ, gia đình sản phụ Nguyễn Thị Bích Thủy chọn nơi sanh tại Nhà bảo sanh Bảy Thuần, khi xảy ra sự cố nghiêm trọng trên, dù chưa có kết luận của cơ quan chức năng, nhưng rõ ràng đã gây ra tình trạng phức tạp dẫn đến tranh chấp, khiếu kiện. Qua đây cho thấy, cơ quan chức năng cần quan tâm hơn nữa đến việc kiểm tra và việc cấp phép hoạt động cho các cơ sở y tế tư nhân, để đảm bảo an toàn sức khỏe cho người dân, nhất là các cơ sở chăm sóc sức khỏe sinh sản của phụ nữ.

Bài, ảnh: NGỌC PHÚC

Chia sẻ bài viết