28/03/2009 - 20:40

Truyện ngắn

Cơn áp thấp muộn

 * KIM SƠN

Họp tổ dân phố về đến nhà đã tám giờ rưỡi tối, bà Hà không xem tivi cùng con gái như thường lệ mà vào giường nằm ngay. Càng nghĩ bà càng thắc mắc, ấm ức. Bà gắng tự nhủ lòng rằng phải cân nhắc, tìm hiểu rõ ràng rồi có thái độ thích đáng, bà dần bình tĩnh lại. Lúc đi họp, ông Tư tổ trưởng khu phố trong lúc nghỉ giải lao đã hỏi bà:

- Sao lúc này bệnh tim ông ấy đã khá chưa? Cùng tập thể dục sáng, gần hai tuần nay vắng ông Sinh, cánh già tụi tôi nhớ lắm...

Chuyện này mới lạ! Chồng mình có vắng buổi nào đâu? Sáng nào cũng áo thun, quần soóc, khăn quàng cổ... đỏm dáng rời nhà nhịp nhàng trên đường phố như vận động viên lão tướng thứ thiệt mà? Nghĩ vậy, nhưng vì ở chỗ đông người nên bà cố nén để trả lời cho qua chuyện. Vậy thì ổng nói dối mọi người để đi những đâu mới được chứ? Rón rén bước sang ghé mắt nhìn vào phòng chồng, bà thở dài ngán ngẩm thối lui.

Đập tay xuống giường, bà Hà giật mình khẽ kêu lên “Ờ... đúng rồi! ổng áp dụng kế “Kim thiền thoát xác” qua mặt mình cái vù. Ai ngờ lão già đã lên chức ông ngoại rồi mà còn... linh tinh!”...

Gọi đứa con gái út vào ngủ, bà Hà còn trằn trọc suy nghĩ bâng quơ. Bé Vân sắp mười bảy tuổi, tính ra bà đã “cách ly” với chồng hơn mười năm rồi. Hồi đầu, ổng cực lực phản đối, nhưng bà cương quyết “cấm vận” nên riết rồi coi bộ ổng cũng... quen. Già rồi mà còn nằm chung giường, kỳ cục làm sao ấy !

* * *

... Nhún nhảy làm nóng trước sân nhà độ mươi bận, ông Sinh quấn khăn vào cổ, quay sang vợ thấp giọng:

- Đã dặn bao nhiêu lần, để tôi tự khóa cửa... khỏi phiền bà!

Nhìn con đường vắng hoe trong sương sớm, bà Hà thăm dò:

- Mới hơn bốn giờ sáng, ông không ngủ thêm?

Như sốt ruột, ông Sinh bước ra cổng sau khi buông một câu:

- Chủ nhật các huynh đệ chúng tôi tập thể dục xong rồi uống cà phê luôn thể, nên phải tập trung sớm hơn thường ngày!

Bà Hà ngó theo, cay đắng “Trước sau gì tôi cũng vạch rõ mưu mô, ý đồ của ông cho thiên hạ biết!”. Khoác vội chiếc áo len, bà khóa cửa rồi tất tả ra đường, mắt quan sát quanh quất. Đi lòng vòng các ngả đường nội ô, bà tạo vẻ như người đang thư giãn. Mỏi chân, bà ngồi phệt xuống băng ghế công viên, thất vọng vì không thấy bóng dáng chồng mình trong số người lớn tuổi tập thể dục. Trời mờ sáng, bà Hà thất thểu về nhà trong tâm trạng trống vắng, buồn tủi... Tình cờ gặp Út ba-gác sống cùng khu phố lững thững ngang qua, vung vẩy tay, hít thở phì phì trong lồng ngực xẹp lép, bà hỏi nhỏ:

- Cậu có gặp ông Sinh nhà tôi không ? Ổng thường tập nơi đâu?

Út ba-gác cười cười, nói:

- Lớp đầu bạc mấy ổng tập riêng... cô ơi! Họ thường đi đường Nguyễn Huệ, vòng ao Trường Đua tới chỗ tượng đài nghỉ một lúc, rồi tiếp tục lộ trình cũ. Cô định đi theo chú cho có đôi mà tiện bề... giám sát à?

... Bảy giờ, ông Sinh về nhà với phong thái tươi vui. Nhìn ông đứng trước gương o bế mái tóc bạc quá nửa, thoang thoảng mùi nước hoa, bà buột miệng:

- Lâu nay tập thể dục, ông thấy có khỏe ra không?

Xoa xoa cái cằm nhẳn thín, ông gật gật đầu:

- Ờ... thì cũng khỏe chớ!

- Vậy từ mai ông cho tôi... cùng đi nghen?

Ông khẽ nhíu mày, ngập ngừng trả lời:

- Không được! Bà nên tham gia câu lạc bộ dưỡng sinh của hội Phụ nữ hợp tình hơn. Vả lại, mười năm nay bà có chịu gần gũi, sinh hoạt ngoài xã hội cùng tôi đâu? Tiệc tùng, giỗ chạp... người ta ưu ái mời cả vợ chồng, bà vẫn cứ phân công tôi đi riêng lẻ. Giờ tôi đã quen trở lại nếp sống... độc thân rồi bà ơi!

Bà Hà nghe nghèn nghẹn trong cổ, ca cẩm:

- Sống với ông hơn ba mươi năm, tôi toàn tâm toàn ý lo lắng con cái, việc nhà vuông tròn hết. Ba đứa con thì dựng vợ gả chồng hai đứa, thử hỏi tôi tròn bổn phận gia đình chưa? Từ khi ông nghỉ hưu ra ngoài hưởng vui thú riêng, về nhà thì lạnh lùng, than vãn. Ông... hất hủi tôi quá đáng!

Ngồi xuống bên vợ, ông Sinh bối rối xoa dịu:

- Tôi nói thế thôi chớ sao lại không hiểu bà hết lòng vì chồng con từ trước tới nay. Có điều tôi chẳng biết giải thích sao? Bà hình như ngày càng xa cách tôi... Ngày xưa, lúc mình mới quen rồi hẹn hò nhau...

- Ông làm ơn ngồi xê ra một chút, bỏ tay xuống mau! Vợ chồng lớn tuổi rồi, nào phải tình nhân son trẻ mà chăm sóc vặt vãnh, đi đâu cũng có đôi có cặp... ông hổng sợ thiên hạ cười sao?

Bần thần chụp cái nón lên đầu, ông Sinh vội vàng kết thúc câu chuyện:

- Thiên hạ có khối người, tại sao họ... Thôi, tôi lại chỗ triển lãm hoa kiểng chơi, có khi mua cơm hộp ăn ở đó luôn, bà đừng chờ cơm!

Chồng đi rồi, bà Hà thẫn thờ áp hai tay vào mặt khóc tấm tức, đôi vai run lên từng hồi...

Liên tiếp hai buổi sáng sớm bám sát theo chồng, cuối cùng bà Hà cũng phát hiện ông Sinh chẳng có chút “tinh thần thể dục thể thao” hay cổ vũ “phong trào rèn luyện sức khỏe” như ông thường... bốc phét ! Đi hết đoạn đường rồi chạy lúp xúp thêm chưa được năm chục mét, ông dừng lại gập người thở phì phò, mắt trước mắt sau rồi quẹo trái vào con hẻm nhỏ để lom khom bước vô căn phòng hé cửa trong khu công nhân xí nghiệp. Thói thường, với phụ nữ khác có lẽ đã xông vào làm cho ra chuyện, nhưng bà Hà nín nhịn, tối tăm mặt mày, gắng lắm mới lê chân về được nhà. Rõ mười mươi là ông ấy... ăn vụng! Nghĩ ngợi lung tung chẳng ra cách giải quyết, cho hai đứa con lớn biết thì bà hoàn toàn không muốn. Làm ầm lên thì mất thể diện chồng, xấu chàng hổ thiếp. Người ngoài cuộc chắc sáng ý hơn. Bà Hà đến kể rõ mọi chuyện cho chị Hai, cán bộ Hội phụ nữ và cũng là người bà con thân thiết và từng trải qua những rối rắm tình cảm để tìm lời khuyên tốt. Không chờ lâu nữa, bà Hà đi ngay...

Chăm chú nghe và sau đó hỏi tường tận sự việc, chị Hai trầm ngâm:

- Tôi biết căn phòng đầu dãy cho công nhân xí nghiệp. Ở đó có cô Lệ, góa chồng, chưa con, tuổi đã ngoài bốn mươi. Chỉ dễ nhìn thôi, nhưng ăn nói rất mềm mỏng, dịu dàng. Chị có tiếp xúc mấy lần, thấy tính tình không đến nỗi nào, cũng là người biết chuyện đấy. Nhưng thật đáng ngạc nhiên là dượng Sinh xưa nay sống rất mẫu mực, tại sao bây giờ lại dây dưa với cô Lệ?

Bà Hà gay gắt lên án chồng:

- Đất sanh cỏ, già sanh tật. Từ khi ổng về hưu, em bỏ mặc cho tự do quan hệ bên ngoài. Cứ tưởng đàng hoàng, tử tế theo tuổi tác, nào ngờ... Chị nghĩ coi, mấy lần ông ấy rủ em cùng theo đoàn tham quan, du lịch các nơi, em còn gạt phắt chẳng thèm đi. Đàn bà lo con cái, quán xuyến việc nhà là đủ rồi...

Người chị họ cười trấn an:

- Không sao đâu! Phát hiện sớm thế này có lẽ họ chưa gắn bó sâu đậm với nhau. Đừng nóng nảy khiến chuyện trầm trọng hơn. Để chị gặp ngay cô ta nói tình nói lý, chắc chắn sẽ ổn thỏa. Phần em cũng có chút thiếu sót...

Bà Hà tròn mắt phân trần:

- Em thiếu sót gì chứ? Chung thủy cùng chồng, chăm sóc giáo dục các con khôn lớn, gia đình hòa thuận. Chỉ có lão Sinh...

- Em khoan trách! Đừng tưởng đàn ông tuổi trên sáu mươi là nguội lạnh, chỉ biết chăm sóc cây cảnh, chơi cờ tướng... nói chung là hưởng nhàn theo quan niệm xưa. Trái tim họ vẫn nồng ấm, đập nhịp rộn ràng và rất mong mỏi sự ân cần, chăm chút về tình cảm. Cả chục năm nay em thiếu quan tâm, thậm chí lợt lạt với chồng, đúng không ? Gặp cơ hội và đúng đối tượng biết bù đắp vào khoảng trống đó, người đàn ông có mặc cảm cô đơn dù không chủ tâm vẫn dễ ngã lòng, không sớm thì muộn...

Đàn bà ai lại không ghen khi biết chồng mình nhen nhúm ý định tòm tem với người phụ nữ khác, bà Hà cũng không ngoại lệ. Nhưng qua tâm sự, cởi mở nỗi lòng và nhận được những lời khuyên nhủ chân tình, xác đáng, bà Hà cảm thấy nhẹ nhõm phần nào...

* * *

... Đang làm vài động tác hâm nóng trước sân, thấy vợ tắt đèn, khóa cửa bước ra với trang phục tập dưỡng sinh, ông Sinh sửng sốt:

- Bà... bà định đi đâu? Diễn kịch quần chúng hử?

Với vẻ bình thản, bà Hà nhướng mày đáp gọn:

- Thì... tập thể dục với chị em cùng khu phố...

- Chà... năm nay trời mưa sớm đây! Ở đâu vậy?

- Chỗ bãi đất trống trước... khu nhà công nhân xí nghiệp may! Ông chắc biết rành chỗ đó?...

Chăm chú nhìn vợ, ông Sinh lưỡng lự:

- Sao không tập ở công viên sáng sủa hơn? Bãi đất trống đó là... cứ địa của bầy chó mèo hoang, vừa bẩn vừa...

- Thây kệ! có mấy cô công nhân quen tôi nên rủ lại đấy tập chung rồi chuyện phiếm cho vui. Ông đi được chưa ? À... trưa nay ông lấy xe chở tôi cùng tới đám giỗ nhà chú Bảy nghen!

Ờ... ờ mấy tiếng, ông Sinh khoác tay vợ ra cổng mà tâm trí như mơ hồ, nghi hoặc về sự “chuyển hướng” khá đột ngột của bà vợ lâu nay quen sống khép kín. Ngang trụ đèn sáng, ông trộm nhìn người đầu ấp tay gối với mái tóc búi gọn gàng, vóc dáng đầy đặn rồi bỗng dưng nhận ra cảm giác ấm áp từ lâu thiếu vắng...

Những ngày sau, bà Hà dành nhiều thời gian gần gũi, quan tâm từng sở thích của chồng và hay nhắc nhở đến nhiều kỷ niệm đẹp thuở mới quen nhau... khiến ông Sinh phải nhìn lại bản thân mình. Bài bản “lấy dịu ngọt thắng lạnh lùng” đầy kinh nghiệm do chị Hai truyền thụ từng bước đã có hiệu quả. “Ông ngoại” cảm động, khắn khít với vợ tới nỗi có lần ông Tư tổ trưởng khu phố phải khen:

- Thích “cơm nhà” như ông Sinh thì phở bò, bún giò heo... ế ẩm là cái chắc. Đùa chút thôi, thỉnh thoảng cũng phải họp mặt với anh em chứ !

Cô Lệ được chị Hai ôn tồn phân tích phải quấy đã nhận ra sai lầm của mình, tự nguyện tránh tiếp xúc thân mật với “ông ngoại” Sinh và cô đã giữ đúng lời hứa.

Cơn “áp thấp” muộn đã không chuyển thành bão...

Chia sẻ bài viết