04/12/2021 - 10:01

Coi chừng là “chốt thí”!

Mấy ngày qua, dư luận xôn xao về phát ngôn của một chàng trai trong chương trình “Hành lý tình yêu”, phát trên kênh VTV3. Một chàng trai tuổi đời còn trẻ, dáng vẻ hiện đại nhưng đưa ra thông điệp rằng: “Chúng ta sẽ ly hôn nếu em không sinh được con trai” và con gái là mặc định phải ăn mâm dưới, ở nhà sau.

Nhiều người, nhất là người dân Thừa Thiên Huế, kịch liệt phản đối quan niệm này, đặc biệt là khi cách thể hiện của chương trình và phát ngôn của chàng “chỉ đích danh” đó là quan niệm của xứ Cố Ðô. Dư luận cho rằng, đó là sự xúc phạm nhân phẩm người Thừa Thiên Huế và xúc phạm truyền thống văn hóa xứ Huế một cách thiên lệch. Bí thư Thành ủy Huế cũng bức xúc viết trên trang facebook cá nhân rằng: “Phần lớn người Huế xem clip này sẽ cảm thấy văn hóa Huế đang bị xúc phạm vì sự non nớt về văn hóa và thủ thuật cường điệu đã bị lạm dụng quá đáng”.

Thật ra, đây không phải là lần đầu những phát ngôn của người tham gia các chương trình truyền hình gây hiệu ứng tiêu cực với dư luận xã hội. Những chàng trai, cô gái từng bị phản ứng khi tham gia các chương trình se duyên lại đặt tiêu chí như bạn gái phải còn trinh tiết, hay bản thân sẽ chẳng phải làm gì mà trông chờ vào bạn trai chu cấp nuôi dưỡng, hoặc đòi hỏi bạn trai phải tài trợ đi du lịch châu Âu, Mỹ... Ngay cả những người được mời làm diễn giả trong một số chương trình cũng có phát ngôn gây sốc. Nổi bật nhất là đạo diễn Lê Hoàng, với hàng loạt quan điểm về ngoại hình, tri thức của phụ nữ hay tiêu chí về hạnh phúc gia đình, cách ứng xử với đổ vỡ hôn nhân... bị dư luận phản đối.

Trong bài viết này, chúng tôi không bình luận về quan điểm, quan niệm của một cá nhân là người chơi, hay diễn giả là đúng hay sai. Mỗi người đều có suy nghĩ riêng của mình, và “đâu ai uốn câu cho vừa miệng cá”. Nhưng khi đã lên sóng truyền hình, phương tiện thông tin đại chúng thì đó lại là một chuyện hoàn toàn khác, sẽ có những phản ứng tiêu cực, tác động xấu.

Ðể xảy ra những vụ việc này, đáng trách nhất là nhà sản xuất và nhà đài. Người chơi có quyền có ý kiến cá nhân, nhưng phát sóng hay không là quyền của nhà đài. Thử hỏi, những phát ngôn mang tính định kiến ấy có phải là phổ biến, là mẫu số chung hay không để mang ra “mổ xẻ” theo kiểu “càng bôi càng đen”. Nhiều người đồng tình rằng, những vụ việc này đều có dấu tay của nhà sản xuất khi cố tình khai thác những vấn đề nhạy cảm ấy để “câu khách”.

Vị Bí thư Thành ủy Huế khi bàn về chương trình “Hành lý tình yêu” đề cập đến văn hóa Huế vừa qua, rất hay khi cho rằng: “Ðây không phải là một chương trình truyền hình trực tiếp. Nếu giả sử có một chàng trai Huế tư duy ấu trĩ như trong chương trình thì ông đạo diễn và ê-kíp kia, thay vì giãy đành đạch phản đối chàng trai, cần phải giãy để chương trình này đừng lên sóng”. Vị này còn phân tích rất hay: Hội nghị văn hóa toàn quốc vừa diễn ra với thông điệp được nhấn mạnh: “Văn hóa soi đường cho quốc dân đi”. Ðể soi đường cho quốc dân gìn giữ và xây dựng một nền văn hóa tốt đẹp, văn minh cần phải loại bỏ khỏi xã hội những chương trình nhân danh văn hóa để làm những điều vô văn hóa, cần lên án những kẻ nhân danh là người làm văn hóa để “làm tiền” văn hóa.

Hậu quả của những vụ việc này không chỉ tác động tiêu cực đến đời sống xã hội mà ngay chính người phát ngôn cũng gánh chịu hậu quả. Những người bị đem ra làm “chốt thí” đều bị cộng đồng mạng “ném đá”, tấn công không thương tiếc. Và thực tế là, con số bị “ném đá” ấy lại tỷ lệ thuận với lượng thu hút khán giả của chương trình. Ðáng không?!

ÐĂNG HUỲNH

Chia sẻ bài viết