25/03/2019 - 08:01

Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019

Cơ sở hoạch định chiến lược phát triển đất nước 

Vào ngày 1-4 sắp tới, cả nước sẽ bước vào cuộc Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019 (gọi tắt là Tổng Ðiều tra). Ðây là cuộc Tổng Ðiều tra có quy mô lớn, ý nghĩa quan trọng và có nhiều điểm mới so với trước đây, đặc biệt là ứng dụng công nghệ thông tin trong quá trình thực hiện. Vì vậy, công tác chuẩn bị cho cuộc Tổng Ðiều tra được các Bộ, ngành, địa phương khẩn trương thực hiện trong thời gian qua.

Tình hình lao động việc làm là một trong những nội dung được tập trung điều tra, đánh giá, thống kê trong cuộc Tổng Điều tra lần này.

Phó Thủ tướng Chính phủ - Trưởng ban Ban Chỉ đạo Tổng Điều tra Trung ương Vương Đình Huệ nhấn mạnh: Kết quả Tổng Điều tra sẽ là cơ sở để Đảng, Nhà nước đánh giá, quyết định đúng các kế hoạch, chiến lược quốc gia. Vì vậy, dữ liệu đầu ra phải đầy đủ, chính xác nhất, thời gian ngắn gọn nhất và tiết kiệm chi phí. Kết quả Tổng Điều tra không chỉ dừng ở những con số, mà sản phẩm cuối cùng là các báo cáo chuyên đề kèm theo hệ thống bảng số liệu để cung cấp cho chính quyền địa phương các cấp và Trung ương trong xây dựng, hoạch định chiến lược phát triển kinh tế, xã hội…

Tổng Điều tra được tiến hành trên quy mô toàn quốc gồm 63 tỉnh, thành trực thuộc Trung ương và 3 Bộ (Bộ Công an, Bộ Ngoại giao và Bộ Quốc phòng). Lực lượng tham gia Tổng Điều tra gồm: khoảng 9.300 giám sát viên các cấp, khoảng 110.000 điều tra viên thống kê và tổ trưởng điều tra (không bao gồm người tham gia lập bảng kê hộ). Tổng Điều tra sẽ bắt đầu từ lúc 0 giờ ngày 1-4-2019; thực hiện từ ngày 1 đến ngày 25-4-2019. Kết quả sơ bộ của Tổng Điều tra sẽ được công bố vào tháng 7-2019, kết quả điều tra mẫu vào quý IV-2019,  kết quả điều tra toàn bộ vào quý II-2020 và các báo cáo phân tích chuyên đề vào quý IV-2020. Tổng Điều tra nhằm thu thập thông tin về dân số và nhà ở cả nước, đáp ứng yêu cầu thông tin về dân số và nhà ở, phục vụ đánh giá kết quả thực hiện các kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2020; xây dựng chiến lược và các kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2030; phục vụ công tác giám sát thực hiện Nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về công tác dân số trong tình hình mới; phân tích và dự báo tình hình phát triển dân số và nhà ở trên phạm vi cả nước và từng địa phương…

Theo ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, ngay khi có Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về triển khai Tổng Điều tra vào giữa năm 2018, các địa phương và 3 Bộ liên quan đã thành lập các ban chỉ đạo. Đồng thời, triển khai các hội nghị tập huấn về công tác phân chia địa bàn điều tra và vẽ sơ đồ nền xã/phường/thị trấn, công tác quản lý và lập bảng kê hộ, nghiệp vụ và ứng dụng công nghệ thông tin. Về phiếu hỏi Tổng Điều tra, các nội dung điều tra đã được Tổng cục làm riêng với từng bộ, ngành và tham khảo chuyên gia quốc tế nhằm bảo đảm cung cấp đầy đủ, chính xác các nội dung, chỉ số thống kê.

Thời gian qua, công tác chuẩn bị cho Tổng Điều tra được các đơn vị từ Trung ương đến địa phương triển khai rất khẩn trương. Cụ thể, Ban Chỉ đạo Tổng Điều tra các cấp tổ chức hơn 4.100 hội tập huấn các cấp về công tác quản lý, lập bảng kê hộ; gần 2.600 hội nghị tập huấn nghiệp vụ và ứng dụng công nghệ thông tin cho lực lượng tham gia Tổng Điều tra. Ban Chỉ đạo Tổng Điều tra Trung ương đã hoàn thiện 2 phiếu hỏi Tổng Điều tra: Phiếu điều tra toàn bộ gồm 22 câu hỏi (sử dụng để hỏi toàn bộ dân số) và Phiếu điều tra mẫu gồm 65 câu hỏi (sử dụng để hỏi bổ sung thông tin phiếu điều tra toàn bộ tại các hộ mẫu được chọn). Đồng thời, biên soạn 11 loại tài liệu, hoàn thiện kịch bản phim hướng dẫn nghiệp vụ gửi đến các địa phương phục vụ công tác tập huấn.

Đến ngày 20-1-2019, công tác thiết lập mạng lưới điều tra và bảng kê hộ dân, danh sách địa bàn điều tra, sơ đồ nền xã, phường, thị trấn thực hiện trên Trang Thông tin điều hành tác nghiệp Tổng Điều tra đã hoàn thành. Lực lượng tham gia Tổng điều tra từ Trung ương đến cấp tỉnh, huyện và xã đang tiếp tục được thiết lập, tạo nên cơ sở dữ liệu thống nhất trên trang Thông tin điều hành tác nghiệp Tổng Điều tra. Công tác lập bảng kê hộ đã hoàn thành, tổng số có 217.586 địa bàn điều tra, trong đó: 196.717 địa bàn điều tra thường và 20.869 địa bàn đặc thù) với 26,2 triệu hộ dân cư và trên 94 triệu người (không bao gồm những người đang làm việc trong ngành Công an, Quân đội, người làm việc tại các cơ quan đại diện của Việt Nam tại nước ngoài). Tổng số hộ đăng ký tự cung cấp thông tin trên internet là 68.990 hộ, chiếm 0,26%.

Bên cạnh đó, Tổng cục Thống kê đã nâng cấp máy chủ phục vụ Tổng Điều tra nhằm đảm bảo việc sao lưu và xử lý số liệu điều tra trực tuyến và phiếu điện tử. Nhằm phục vụ việc đón dữ liệu đồng thời từ hơn 200.000 địa bàn trong quá trình điều tra thực địa, Ban Chỉ đạo Tổng điều tra Trung ương đã lựa chọn được nhà thầu là Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) cung cấp hệ thống máy chủ để đón dữ liệu Tổng Điều tra. Đồng thời, đã làm việc với Bộ Thông tin và Truyền thông và Bộ Công an về thẩm định hệ thống hạ tầng và các phần mềm Tổng Điều tra để sẵn sàng cho việc thu thập thông tin. Riêng 3 Bộ Công an, Ngoại giao và Quốc phòng đã xây dựng kế hoạch riêng về Tổng Điều tra trong phạm vi quản lý của các Bộ theo phân công của Ban Chỉ đạo Trung ương.

Tại TP Cần Thơ, công tác chuẩn bị Tổng Điều tra được tích cực triển khai thực hiện trong suốt thời gian qua. Ông Lê Ngọc Bảy, Cục trưởng Cục Thống kê TP Cần Thơ, cho biết:  Thành ủy Cần Thơ ban hành Công văn số 1237/CV-TU và UBND TP Cần Thơ ban hành Chỉ thị số 09/CT-UBND về tổ chức thực hiện Tổng Điều tra trên địa bàn thành phố. Trong đó, nhấn mạnh công tác tuyên truyền của Tổng Điều tra và công tác phối hợp, nhiệm vụ của các cấp, ngành quyết định đến thành công của Tổng Điều tra. Thành phố đã tổ chức tập huấn nghiệp vụ, tăng cường tuyên truyền...; đến nay, công tác chuẩn bị Tổng Điều tra trên địa bàn cơ bản hoàn thành.

Để đảm bảo cuộc Tổng Điều tra thắng lợi, ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, cho biết: Ban Chỉ đạo Tổng Điều tra các cấp tiếp tục thực hiện tuyên truyền bằng nhiều hình thức huy động hiệu quả sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, các cấp chính quyền, đoàn thể và toàn thể nhân dân. Đồng thời, rà soát lại các địa bàn, thông tin tới các hộ và hẹn ngày phỏng vấn, đảm bảo an toàn trong thời gian thực hiện Tổng Điều tra…

Bài, ảnh: T. Trinh

Chia sẻ bài viết