04/01/2010 - 21:08

Cô sinh viên Khmer nghèo với ước mơ trở thành bác sĩ

Thạch Thị Thúy Loan cùng với mẹ.

Sống trong cảnh nghèo, không có sự đùm bọc và tình yêu thương của cha, thế nhưng Thạch Thị Thúy Loan đã vượt qua mọi khó khăn trở thành con ngoan, trò giỏi, bước vào giảng đường đại học. Bây giờ, cô sinh viên ở vùng quê Trà Mòn, xã Tân Mỹ, huyện Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long, vẫn đang tiếp tục vượt khó để phấn đấu trở thành một bác sĩ...

Nhà của Thúy Loan nghèo, không có ruộng đất, mẹ lại bị tật ở đôi chân, trong khi cha lại bỏ nhà đi từ lúc em còn nằm trong bụng mẹ. Vì vậy, tuổi thơ của Thúy Loan là những ngày tháng cơ cực, lam lũ. Em đã lớn lên trong tình thương của mẹ và sự đùm bọc của bà con hàng xóm. Dù phải chạy ăn từng bữa nhưng Thúy Loan luôn được mẹ tạo mọi điều kiện để đến trường. Với giọng đầy xúc động, Thúy Loan kể: “Chỉ có hai mẹ con nên mọi tình thương mẹ dồn hết cho em. Không có tiền mua quần áo mới, mẹ đi xin quần áo cũ của hàng xóm về giặt, ủi lại để em mặc đi học...”.

Học lớp 3, cô bé Thúy Loan đã biết phụ giúp việc nhà. Do đôi chân của mẹ tật nguyền nên Loan luôn ý thức giúp mẹ quán xuyến công việc gia đình. Hằng ngày, trước khi đi học, em đều chuẩn bị sẵn các thứ để trước nhà cho mẹ chiên chuối bán. Tan học về thì cô bé đội xịa chuối chiên đi bán khắp phum, sóc. Tuy bận rộn với công việc, nhưng Thúy Loan rất siêng năng học tập. Vào dịp nghỉ hè, trong khi các bạn cùng lớp rủ nhau đi học thêm thì Thúy Loan lại cùng với bà con trong xóm đi cắt lúa mướn ở các tỉnh Sóc Trăng, Kiên Giang... để kiếm tiền lo việc học. Sống trong cảnh con nhà nghèo, vừa đi học, vừa làm thuê, nhưng trong suốt 7 năm học cấp 2 và cấp 3, em đều đạt danh hiệu học sinh giỏi của trường.

Năm 2008, sự nỗ lực của cô học trò nghèo đã được đáp lại bằng giấy báo trúng tuyển vào Trường Đại học Y Dược Cần Thơ. Thúy Loan rất vui, nhưng niềm vui ấy liền kề với nỗi lo khôn xiết vì không biết mẹ kiếm đâu ra tiền để lo cho em ăn học. Thúy Loan cho biết: “Ngày em nhập học, mẹ phải đi mượn bà con khắp xóm mới được 800.000 đồng. Cầm số tiền trong tay mà lòng em quặn thắt vì nhớ đến cảnh mẹ sẽ phải đi cắt cỏ, chặt củi... để kiếm tiền trả nợ. Đáp lại tình yêu thương của mẹ, em chỉ biết nguyện với lòng là sẽ cố gắng vượt khó học hành cho thật giỏi”.

Với quyết tâm đó, ngay từ khi bước chân vào giảng đường đại học, Thúy Loan đã kiếm việc làm thêm tại Doanh nghiệp tư nhân Phúc Thịnh, chuyên mua bán văn phòng phẩm. Thấy Thúy Loan ngoan hiền, siêng năng làm việc nên chủ doanh nghiệp là chị Trần Thị Phước đã cho em ở trong gia đình. Thúy Loan cho biết: “Gần 1 năm nay, được chị Trần Thị Phước giúp đỡ nên em giảm được chi phí thuê nhà, phí sinh hoạt. Bây giờ, em đi làm chủ yếu kiếm tiền mua sách. Những năm cuối sẽ rất vất vả vì phải học lý thuyết song song với thực tập, em không biết có còn thời gian để kiếm tiền học tiếp hay không? Nhưng cực khổ vốn đã quen rồi nên bất cứ giá nào em cũng phải cố gắng học để trở thành bác sĩ...”.

Hôm tôi đến Trường Đại học Y Dược Cần Thơ cũng là lúc Thúy Loan tan trường. Rời giảng đường là Thúy Loan hối hả chạy về để làm việc. Dáng người nhỏ nhắn, giọng nói nhỏ nhẹ nên Thúy Loan được bạn bè, khách hàng ai ai cũng quý mến. Vừa photo văn bản cho khách hàng, Thúy Loan vừa tâm sự với tôi: “Trước đây, em ước ao mình được vào đại học thì nay đã toại nguyện, nhưng vẫn còn nhiều thử thách đang ở phía trước. Em đang cố gắng lo khoản tiền hơn một triệu đồng để mua sách cho năm học 2009 - 2010, nên phải tranh thủ đi làm”.

Con đường học tập của cô sinh viên nghèo Thạch Thị Thúy Loan đang đối mặt với nhiều khó khăn, thử thách. Với ý chí, nghị lực và quyết tâm vượt khó học tập, tôi tin Thúy Loan sẽ vượt qua tất cả để trở thành một bác sĩ người dân tộc Khmer đầu tiên của vùng quê Tân Mỹ.

DUY ANH

Chia sẻ bài viết