01/11/2010 - 21:32

Có nên mở căng tin ở trường tiểu học ?

Nhiều năm qua, theo chỉ đạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Sở Giáo dục và Đào tạo TP Cần Thơ không cho phép các trường tiểu học mở căng tin trong trường học. Cách làm này nhận được sự đồng tình của phụ huynh học sinh. Thế nhưng, cũng có không ít ý kiến phản hồi cho rằng việc không tổ chức căng tin vừa gây thiệt thòi cho học sinh vừa lãng phí nguồn thu cho trường… Vậy có nên mở căng tin trong trường học?

Nhu cầu của học sinh tiểu học...

Giờ ra chơi, em Nguyễn Quốc A., học sinh Trường Tiểu học thị trấn Phong Điền, huyện Phong Điền đứng nhìn các bạn mua quà vặt trước cổng trường với ánh mắt ganh tị. Quốc A. nói: “Con muốn mua bánh ở ngoài cổng trường ăn như các bạn nhưng ba mẹ không cho”. Giải thích nguyên nhân “khắt khe” với con trai, chị Hồ Hoàng Hà nói: “Không phải vợ chồng tôi không có vài ngàn cho con đi học để mua hàng rong như các bạn. Nhưng vì tôi không an tâm về vệ sinh an toàn thực phẩm đối với những quầy hàng ngoài cổng trường không được che đậy cẩn thận, xe cộ thì chạy qua, chạy lại tấp nập”. Trường hợp của Quốc A. là không ít vì nhiều phụ huynh không muốn con ăn quà vặt nên không cho tiền khi đến trường. Nhiều người mua bánh, nước cho con mang theo nhưng các cháu thường quên, thậm chí không chịu mang theo vì sợ quê với các bạn. Hơn nữa, những loại bánh của gia đình mang theo lại không giống với các loại bánh, cóc, ổi... ở hàng rong thường bán rất bắt mắt và thu hút các em.

 Học sinh mua quà vặt trước cổng Trường Tiểu học Lộ Vòng Cung, huyện Phong Điền.

Bên cạnh đó, nhiều học sinh tiểu học, học buổi sáng dậy muộn nên không kịp ăn sáng trước khi đến trường. Vào trường không có gì bán nên phải nhịn đói suốt buổi. Thầy Võ Hồng Hà, Chủ tịch Công đoàn Trường Tiểu học Nguyễn Hiền, quận Ô Môn, nói: “Nhiều học sinh không kịp ăn khi vào trường. Học buổi chiều thì cần ăn giặm vào khoảng 15-16 giờ chiều nhưng các em không biết mua bánh, nước ở đâu”. Mặt khác, việc phải đến trường thật sớm làm cho nhiều học sinh không thể ăn sáng nổi khi vừa thức dậy. Anh Nguyễn Hoàng Nhân, nhà ở Phong Điền, nói: “Vợ chồng tôi dậy sớm đi làm ở tận khu công nghiệp Trà Nóc. Bắt con ăn sáng tại nhà thì sớm quá cháu không dậy nổi, ăn cũng không vô nên cho một ít tiền cháu đến cổng trường ăn. Biết là không hợp vệ sinh lắm nhưng còn hơn để cháu nhịn đói”. Chính vì vậy ở nhiều cổng trường, buổi sáng học sinh xúm vào những xe bánh mì, bánh tiêu... Một cán bộ Phòng Giáo dục và Đào tạo ở một huyện vùng ven than: “Biết là thức ăn buôn bán ở bên ngoài không đảm bảo vệ sinh, an toàn thực phẩm, gây mất trật tự nhưng mình không thể làm khác được vì họ bán bên ngoài. Không cho học sinh mua thì các em sẽ bị đói, ảnh hưởng đến sức khỏe...”.

Mở ở căng tin như thế nào cho hợp lý?

Ông Lê Thành Bé, Quyền Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo quận Ô Môn, cho biết: “Trước đây, Trường Tiểu học Trần Hưng Đạo (Tiểu học số 2 phường Châu Văn Liêm) có tổ chức căng tin trong trường. Chúng tôi yêu cầu căng tin phải đảm bảo các tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm, nguồn gốc sản phẩm phải được cán bộ chuyên ngành kiểm tra có mã vạch... Người bán phải là công nhân viên của trường mặc đồng phục, có kiểm tra sức khỏe hàng tháng và được hướng dẫn các lớp vệ sinh an toàn thực phẩm... Do áp lực công tác chuyên môn, công tác bán trú... trường không đảm đương nổi nên một thời gian sau thì tự xóa căng tin”. Nhiều cán bộ quản lý các trường tiểu học cho rằng việc mở căng tin sẽ giúp cho các trường quản lý tốt hơn nguồn thực phẩm mà học sinh ăn hàng ngày bằng cách hợp đồng với các cơ sở bán bánh, bán nước để biết nguồn thực phẩm cung cấp từ đâu... Ông Lê Thành Bé cũng cho rằng ngành giáo dục quận Ô Môn không cấm các trường tổ chức căng tin trong trường học nếu bản thân các trường tự tổ chức được căng tin đảm bảo sạch, an toàn bởi vì đây là những yêu cầu cần thiết để đảm bảo an toàn cho học sinh.

Thực tế, hầu hết các căng tin trong trường học được các trường cho đấu thầu và người bỏ thầu sẽ là giáo viên trong trường hoặc các cá nhân bên ngoài. Tuy nhiên, sau một thời gian mua bán, do sự cạnh tranh của các căng tin và các gánh hàng rong bên ngoài nên nhiều căng tin đã giảm dần chất lượng các sản phẩm. Nhiều trường ngại va chạm, không kiểm tra thường xuyên mà chỉ nhắc nhở qua loa. Vì vậy, chất lượng các sản phẩm bán từ căng tin cũng không hơn các gánh hàng rong bên ngoài cổng trường. Nhiều người bán căng tin đôi lúc lại “quên” kiểm tra sức khỏe định kỳ...

Ông Võ Hồng Hà, Chủ tịch Công đoàn Trường Tiểu học Nguyễn Hiền, quận Ô Môn, nói: “Trước thực trạng trên, Trường Tiểu học Nguyễn Hiền đã tổ chức tham quan mô hình căng tin theo hướng văn minh, thân thiện, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm tại Trường Tiểu học Lương Thế Vinh, quận Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh và đang trong quá trình lên kế hoạch để đề nghị được thực hiện”. Theo đó, căng tin được thực hiện theo mô hình mới trên cơ sở phối hợp với ngành y tế tại địa phương sẽ đảm bảo các tiêu chí về chuẩn đúng qui định của bếp một chiều, thoáng mát, lịch sự... trên tinh thần trách nhiệm và ý thức tự giác của từng thành viên trong trường và sự hỗ trợ của phụ huynh học sinh. Việc thực hiện căng tin theo mô hình này còn nhằm rèn luyện thói quen xếp hàng khi mua quà tại căng tin, nhắc nhở các em bỏ rác đúng nơi qui định. Đặc biệt, căng tin sẽ tạo điều kiện để học sinh rèn luyện kỹ năng sống, biết sử dụng tiền đúng mục đích...

Không thể phủ nhận tính chất cần thiết của căng tin trong các trường tiểu học. Tuy nhiên, việc triển khai như thế nào để vừa đảm bảo được quyền lợi của nhà trường và an toàn cho học sinh là điều cần phải suy nghĩ cẩn thận trước khi các trường thực hiện.

Bài, ảnh: HÀ THANH

Chia sẻ bài viết