Chụp cộng hưởng từ (MRI) toàn thân là một kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh hiện đại, có độ chính xác cao và chi tiết, có thể phát hiện bệnh và những bất thường trong cơ thể ở giai đoạn sớm nhất. Song, liệu chúng ta có nên dùng kỹ thuật này để tầm soát cả những bệnh lý nghi ngờ hay không?
Chụp MRI giúp cung cấp hình ảnh giải phẫu tốt về cơ thể bệnh nhân. Ảnh: Science Friday
Chụp MRI là kỹ thuật tạo ra hình ảnh giải phẫu chi tiết 3D của hầu hết mọi cấu trúc bên trong cơ thể người, bao gồm nội tạng, xương, cơ và mạch máu. Máy quét MRI tạo ra hình ảnh cơ thể bằng cách sử dụng nam châm lớn và sóng vô tuyến. Do đó, chụp MRI khác các phương pháp chẩn đoán hình ảnh sử dụng bức xạ ion hóa như chụp X-quang hay chụp cắt lớp vi tính (chụp CT), vốn có thể làm tăng nguy cơ ung thư nếu phơi nhiễm bức xạ ion hóa kéo dài.
Theo các chuyên gia, mặc dù chụp MRI toàn thân cung cấp cái nhìn tổng quan cơ bản tốt về khía cạnh giải phẫu học của cơ thể, nhưng kỹ thuật này không tối ưu hóa góc nhìn của từng cơ quan hoặc hệ thống bên trong. Ngoài ra, bất kỳ bất thường nào được phát hiện trong cơ thể cũng cần được kiểm tra thêm bằng các lần chụp MRI chuyên biệt, như những bất thường ở tim và tuyến tiền liệt. Lý do là máy quét MRI cần được điều chỉnh các thông số khác nhau để cho ra hình ảnh chính xác nhất của các cơ quan và hệ thống khác nhau.
Các chuyên gia còn nhấn mạnh rằng phương pháp chụp MRI không thể phát hiện hầu hết các bệnh lý có thể phòng ngừa được như bệnh tim, huyết áp cao, cholesterol cao và tiểu đường. Bởi kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh này chỉ cho thấy một số thay đổi về cấu trúc cơ thể, trong khi các triệu chứng khác có thể đã xuất hiện trước, nghĩa là bệnh nhân có thể được chẩn đoán trước khi chụp MRI.
Trên thực tế, chụp MRI toàn thân có thể giúp phát hiện những bất thường trong cơ thể gọi là “u ngẫu nhiên”, thường được phát hiện ngẫu nhiên trong quá trình bệnh nhân được cho chụp ảnh để kiểm tra triệu chứng khác. Như trong một nghiên cứu phân tích hơn 16.000 lần chụp MRI bộ não của các tình nguyện viên, các chuyên gia phát hiện có chưa đến 4% trong số họ có những bất thường trong não cần phải kiểm tra thêm.
Ngoài não, cột sống là một vùng cơ thể khác mà phương pháp chụp MRI có thể tình cờ phát hiện bất thường. Ngày càng có nhiều bệnh nhân đau lưng sử dụng phương pháp chụp MRI, bởi kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh này có thể giúp phát hiện các khối u tiềm ẩn, bao gồm khối u xương vô hại và u máu, khối u nhỏ của các mạch máu nằm trên hoặc trong cột sống.
Chụp MRI cũng hỗ trợ tầm soát bệnh nang Tarlov (những cấu trúc nang chứa đầy dịch quanh rễ thần kinh, thường gặp nhiều ở vùng xương cùng, cuối cột sống), xuất hiện trong khoảng 4% dân số và hầu hết bệnh nhân không có triệu chứng.
Trong một phân tích quy mô lớn, có kết hợp dữ liệu từ nhiều nghiên cứu, các chuyên gia chỉ ra rằng tỷ lệ phát hiện tình cờ các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng thông qua các lần quét MRI là 1,4% đối với não, 1,3% đối với ngực và 1,9% đối với bụng. Nhưng cũng có khả năng các lần quét MRI có thể đưa ra kết quả dương tính giả - tức cho kết quả trông giống như bệnh nhưng không phải. Hai bộ phận đặc biệt dễ cho ra kết quả dương tính giả gồm vú (97 kết quả dương tính giả/1.000 lần chụp) và tuyến tiền liệt (29 kết quả dương tính giả/100 lần chụp).
AN NHIÊN (Theo The Conversation)