04/09/2011 - 17:36

Thị trường Mỹ

Cơ hội rộng mở cho doanh nghiệp Việt Nam

Những năm gần đây, kim ngạch thương mại 2 chiều giữa Việt Nam và Mỹ liên tục tăng mạnh. Tuy nhiên, tỷ trọng xuất nhập khẩu giữa 2 nước còn hạn chế và chưa tương xứng với tiềm năng. Tại Hội thảo “Thị trường Hoa Kỳ và cơ hội cho các doanh nghiệp ĐBSCL” trong khuôn khổ Hội chợ Thương mại Quốc tế năm 2011 diễn ra tại TP Cần Thơ (từ 30-8 đến 5-9- 2011) nhiều chuyên gia kinh tế nhận định: Thị trường Mỹ còn rất tiềm năng, các doanh nghiệp (DN) Việt Nam cần quan tâm khai thác để đẩy mạnh các hoạt động giao thương…

Hành trình giao thương!

DN Việt Nam có thể tăng hiệu quả sản xuất nhờ nhập khẩu nguồn nguyên liệu vải sợi từ Mỹ để gia công các sản phẩm dệt may xuất khẩu. 

Theo ông Nguyễn Khánh Tùng, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư-Thương mại - Du lịch TP Cần Thơ, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của TP Cần Thơ và các tỉnh ĐBSCL vào thị trường Mỹ những năm gần đây liên tục tăng. Nếu năm 2005, kim ngạch xuất khẩu chỉ đạt khoảng 2,9 tỉ USD thì năm 2010 đã lên ở mức 6,4 tỉ USD. Có thể nói, Mỹ hiện là thị trường xuất khẩu đầy tiềm năng đối với các DN ở ĐBSCL nói riêng và Việt Nam nói chung.

Theo Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TP Hồ Chí Minh, từ khi Mỹ bình thường hóa quan hệ với Việt Nam đến nay, thương mại song phương giữa hai nước phát triển rất nhanh và mở ra nhiều cơ hội làm ăn cho DN 2 nước. Tháng 7-1993, Mỹ bỏ lệnh cấm các khoản vay song phương và đa phương dành cho Việt Nam, “mở đường” cho Việt Nam tiếp cận các khoản vay tài chính nước ngoài. Tháng 2-1994, sau khi được Thượng viện Mỹ thông qua, Tổng thống Mỹ tuyên bố bỏ lệnh cấm vận thương mại kéo dài nhiều năm đối với Việt Nam. Gần 1 năm sau, hai nước bắt đầu mở văn phòng liên lạc trước khi đi đến chính thức bình thường hóa quan hệ và mở đại sứ quán tại mỗi nước. Ngày 12-7-1995, Việt Nam và Mỹ chính thức tuyên bố bình thường hóa quan hệ ngoại giao. Năm 1995, kim ngạch thương mại song phương mới chỉ đạt 450 triệu USD, nhưng đến năm 2000, con số này đã tăng lên gần 1,2 tỉ USD. Đặc biệt, từ năm 2001, khi Hiệp định thương mại song phương (BTA) được thông qua và có hiệu lực, kim ngạch thương mại 2 nước tăng rất nhanh. Mỹ đã nhanh chóng trở thành thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam và là đối tác thương mại lớn thứ 3 tính theo tổng giá trị giao dịch. Năm 2009, Mỹ trở thành nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất tại Việt Nam. Năm 2010, kim ngạch thương mại hai nước đạt trên 18,2 tỉ USD, cao hơn 11 lần so với năm 2001... Hiện nay, Mỹ là một trong những thị trường xuất siêu rất mạnh của Việt Nam. Năm 2010, Việt Nam xuất khẩu sang Hoa Kỳ lượng hàng hóa trị giá 14,784 tỉ USD, tăng 20% so với năm trước, trong khi kim ngạch nhập khẩu đạt 3,539 tỉ USD, tăng 7% so với năm trước. Việt Nam giữ vị trí 27/221 nước và vùng lãnh thổ xuất khẩu hàng hóa sang Mỹ. Các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu của Việt Nam vào thị trường Mỹ là dệt may, giày dép, đồ gỗ, thiết bị điện, sản phẩm âm thanh, máy móc, thiết bị cơ khí và phụ tùng, hàng thủy sản... Trong đó, dệt may chiếm kim ngạch xuất khẩu cao nhất (đạt 5,76 tỉ USD năm 2010); kế đến là đồ gỗ 1,82 tỉ USD; giày dép 1,62 tỉ USD; thiết bị điện, sản phẩm âm thanh 778,6 triệu USD; thủy sản: 646,4 triệu USD; máy móc, thiết bị cơ khí và phụ tùng 621,2 triệu USD...

Để đưa hàng vào thị trường Mỹ

Tại Hội thảo “Thị trường Hoa Kỳ và cơ hội cho các doanh nghiệp ĐBSCL” vừa được tổ chức trong khuôn khổ Hội chợ Thương mại Quốc tế năm 2011, nhiều chuyên gia kinh tế, cho rằng: Thời gian qua, xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam vào thị trường Hoa Kỳ còn gặp nhiều trở ngại do gặp phải các hàng rào kỹ thuật hoặc bị áp đặt mức thuế suất cao (mức thuế suất chống bán phá giá)... Nhiều DN Việt Nam cũng gặp khó do hạn chế về năng lực tài chính, các quy định pháp luật, chưa am hiểu về thị trường cũng như tâm lý, xu hướng tiêu dùng của người dân Hoa Kỳ. Ngoài ra, xuất khẩu thông qua trung gian nên nhiều loại hàng hóa của Việt Nam thiếu thương hiệu, giá trị chưa cao...

Ông Từ Minh Thiện, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TP Hồ Chí Minh, cho rằng: “Người tiêu dùng Mỹ tiêu thụ hàng rất mạnh và thích mua hàng hiệu dù phải chấp nhận mua với giá rất cao. Chính vì vậy, để xuất khẩu vào thị trường này, DN Việt Nam cần phải quan tâm xây dựng thương hiệu và có chiến lược tiếp thị tốt”. Theo ông Nguyễn Minh Thiện, sản phẩm mì Hảo Hảo của Việt Nam là một ví dụ. Khi mới xâm nhập vào thị trường Mỹ, mì Hảo Hảo rất ít người mua. Tuy nhiên, nhờ chọn vị trí trưng bày hợp lý trong các siêu thị và có chiến lược tiếp thị tốt, giờ mì Hảo Hảo đã được nhiều người tiêu dùng ở Mỹ biết và tin dùng... Hiện nay, nhiều sản phẩm có xuất xứ từ Việt Nam đã có mặt tại nhiều siêu thị ở Mỹ, nhưng do thiếu đầu tư cho thương hiệu nên sức cạnh tranh và giá bán chưa cao. Mặt khác, do chưa có sự cải tiến bao bì sản phẩm và có chiến lược tiếp thị sản phẩm tốt nên nhiều sản phẩm xuất xứ từ Việt Nam chưa thu hút được người tiêu dùng ở Mỹ. Ông Christopher Trần Phong, Thành viên Công ty Vanco ở Mỹ, người có nhiều năm sống ở Mỹ và am hiểu khá về thị trường này, chia sẻ: “Người dân Mỹ thường tiêu xài nhiều hơn số tiền sẵn có. Nhưng cái họ quan tâm nhất là chất lượng và thương hiệu sản phẩm... Chất lượng chính là “hàng rào” khó nhất cho các DN Việt Nam khi muốn đưa hàng vào thị trường Mỹ. Thời gian qua, không ít DN Việt Nam khi đưa hàng vào thị trường Mỹ được các đối tác chấp nhận. Nhưng sau khi được yêu cầu cung cấp số lượng lớn, DN trong nước chọn cách liên doanh với các DN bạn để có nguồn hàng đáp ứng theo yêu cầu. Vì không kiểm soát được chất lượng nên một số lô hàng của DN đã bị phía đối tác Mỹ trả lại... Vì vậy, muốn xuất khẩu vào thị trường Mỹ, các DN phải có chiến lược bảo đảm chất lượng sản phẩm về lâu dài”. Ngoài ra, theo các chuyên gia, để xuất khẩu hàng hóa vào thị trường Mỹ, các DN phải có chiến lược tiếp thị sản phẩm phù hợp. Đặc biệt, các DN Việt Nam cần chú trọng kênh tiếp thị sản phẩm và xuất khẩu hàng thông qua các DN đầu mối, hệ thống phân phối bán hàng và siêu thị ở thị trường này. Bởi đây là kênh phân phối rất hiệu quả, giúp tiết kiệm nhiều chi phí. Ngoài ra, các DN phải đa dạng hóa các mặt hàng xuất khẩu, không nên tập trung quá nhiều vào một mặt hàng nhằm tránh rủi ro và có thể bị áp thuế chống bán phá giá.

Hiện nay, Chính phủ Mỹ khuyến khích việc xuất khẩu các sản phẩm nông nghiệp trong nước nên đã triển khai Chương trình bảo lãnh tín dụng cho DN nhập khẩu hàng nông sản của Mỹ tại các nước (Chương trình bảo lãnh tín dụng xuất khẩu GSM-102 và GSM-103). Đây là cơ hội tốt cho DN Việt Nam làm ăn với DN Mỹ và tiếp cận các nguồn vốn vay chậm trả với lãi suất ưu đãi. Thông qua đó, các DN trong nước có điều kiện phát triển sản xuất kinh doanh, đẩy mạnh tái xuất khẩu các sản phẩm chế biến từ nguồn nguyên liệu nông sản nhập khẩu của Mỹ... Đây cũng là cơ hội giúp các DN trong nước đa dạng hóa nguồn hàng nhập khẩu với chất lượng và giá cạnh tranh, tránh phụ thuộc quá nhiều vào việc nhập khẩu hàng tại một số nước.

Bài, ảnh: KHÁNH TRUNG

Chia sẻ bài viết