27/02/2012 - 21:19

TUYỂN SINH NĂM 2012

Cơ hội ngày càng rộng mở với thí sinh

Nhiều học sinh tìm hiểu thông tin tuyển sinh tại Ngày hội Tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp 2012, tại Trường Đại học Cần Thơ. Ảnh: B.NG

Hiện nay, các trường đại học (ĐH), cao đẳng (CĐ) trên địa bàn TP Cần Thơ đã, đang khởi động tuyển sinh năm 2012. Theo nhận định của lãnh đạo các trường, thí sinh sẽ có nhiều cơ hội học tập hơn, bởi phần lớn các trường đều tăng chỉ tiêu, thêm ngành học mới, đi đôi với việc đầu tư nguồn lực, nhằm nâng cao chất lượng đào tạo...

* Tăng chỉ tiêu, thêm ngành học mới

Đến thời điểm này, hầu như các trường ĐH, CĐ trên địa bàn TP Cần Thơ đã có dự kiến chỉ tiêu tuyển sinh năm 2012. So với năm 2011, chỉ tiêu tuyển sinh ở các trường đều tăng từ 5%-20%. Chẳng hạn như, Trường ĐH Cần Thơ dự kiến tuyển 7.200 sinh viên cho các ngành đào tạo ĐH hệ chính qui và một ngành CĐ Công nghệ thông tin (tăng 700 sinh viên). Tương tự, năm nay Trường ĐH Y Dược Cần Thơ dự kiến tuyển 1.100 sinh viên cho 7 ngành đào tạo ĐH (tăng 200 sinh viên). Không chỉ các trường ĐH, các trường CĐ trên địa bàn TP cũng tăng chỉ tiêu so với năm 2011, như: CĐ Kinh tế - Kỹ thuật Cần Thơ (tăng 80 sinh viên), Trường CĐ Y tế Cần Thơ (tăng 400 sinh viên)...

Song song với việc tăng chỉ tiêu, các trường đã mở thêm nhiều ngành học mới. Năm nay, Trường ĐH Cần Thơ mở thêm 2 chuyên ngành mới tại khu Hòa An, tỉnh Hậu Giang (cơ sở 2 của trường), gồm: Khuyến nông, Kỹ thuật nông nghiệp. Theo đó, Khuyến nông là một chuyên ngành mới của ngành Phát triển nông thôn, còn Kỹ thuật nông nghiệp là một chuyên ngành mới của ngành Nông học; Trường CĐ Kinh tế - Kỹ thuật Cần Thơ (1 chuyên ngành kinh tế tài nguyên môi trường); CĐ Cơ điện và Nông nghiệp Nam bộ (5 nghề); CĐ Y tế Cần Thơ (2 ngành Dược, Hộ sinh)... Theo ông Trần Ngọc Hùng, Phó Hiệu trưởng Trường CĐ Y tế Cần Thơ, việc mở mới 2 ngành của trường nhằm đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực chất lượng ở lĩnh vực y tế cho TP Cần Thơ nói riêng, ĐBSCL nói chung. Để mở thêm ngành mới, lãnh đạo trường căn cứ vào nhu cầu xã hội, năng lực và chiến lược phát triển đào tạo của trường. Thực tế cho thấy, nhu cầu xã hội đối với nguồn nhân lực được đào tạo chuyên sâu ngày càng cao. Đào tạo chuyên sâu giúp nhà tuyển dụng thuận lợi trong việc tuyển chọn nhân viên. Ông Trần Thanh Liêm, Phó Hiệu trưởng Trường CĐ Kinh tế - Kỹ thuật Cần Thơ, cho rằng: “Môi trường, biến đổi khí hậu đang là vấn đề “nóng”, rất cần nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ cho lĩnh vực này. Thế nên, cán bộ kinh tế chuyên nghiên cứu về vấn đề môi trường rất cần thiết. Do vậy, khi học chuyên ngành Kinh tế tài nguyên môi trường, sau khi ra trường, sinh viên có khả năng làm việc tại các đơn vị, cơ quan, công ty trong và ngoài nhà nước ở lĩnh vực kinh tế môi trường”.

* Nhóm ngành nghề nào dẫn đầu?

Dù đã được gia đình khuyên rất nhiều lần nhưng Bùi Hoàng Hải (cựu học sinh Trường THPT Hà Huy Giáp, huyện Cờ Đỏ) vẫn quyết tâm “dùi mài kinh sử” gần 2 năm qua để thi vào ngành Tài chính - Ngân hàng của Trường ĐH Cần Thơ. Bạn Hải cho rằng: “Nếu chọn ngành nghề mà mình không yêu thích thì học sẽ không đạt kết quả cao. Vả lại, tôi chọn học kinh tế, sau này có điều kiện kinh tế lo cho gia đình”.

Tại Ngày hội Tư vấn tuyển sinh- hướng nghiệp 2012 do Báo Tuổi trẻ, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) phối hợp với Trường ĐH Cần Thơ, Sở GD&ĐT TP Cần Thơ tổ chức vào ngày18 và 19-2, có nhiều học sinh cũng quan tâm khối ngành y- dược, kỹ thuật, khoa học, quân đội... nhưng phần lớn “vênh” nhiều ở khối ngành kinh tế. Bạn Thanh Long, học sinh Trường THPT Chuyên Nguyễn Thị Minh Khai (tỉnh Sóc Trăng), dù vẫn băn khoăn sau 4 năm học ra trường, xã hội không có nhu cầu nhiều về ngành Quản trị kinh doanh nhưng Long vẫn quyết tâm thi học ngành này.

Thực tế cho thấy, 3 năm trở lại đây, tuyển sinh khối ngành kinh tế luôn có “lực hút” nhất đối với thí sinh, kế đó là khối y- dược và công nghệ thông tin. Theo thống kê của Bộ GD&ĐT, kỳ tuyển sinh năm 2011, cả nước có 416 trường ĐH, CĐ thì có 248 trường tuyển sinh 1 trong 4 ngành: Kinh tế, Quản trị kinh doanh, Tài chính - Ngân hàng, Kế toán (chiếm gần 60% số trường). Riêng các trường ĐH, CĐ ở Cần Thơ, hằng năm, khối ngành kinh tế có “3 điểm nhất” về: số lượng thí sinh dự thi-tỷ lệ chọi-điểm chuẩn. Đơn cử như Trường ĐH Cần Thơ, năm 2009, ngành Quản trị kinh doanh có tỷ lệ chọi là 1-22, ngành Kế toán (1-18); năm 2010, ngành Quản trị kinh doanh (1-22), ngành Kế toán (1-16); năm 2011, ngành Quản trị kinh doanh có tỷ lệ chọi cao nhất trường (1-38), ngành Kế toán, Khoa học môi trường tỷ lệ chọi là 1-26, Tài chính (1-24);... Còn với Trường CĐ Kinh tế- Kỹ thuật Cần Thơ, ngành có điểm trúng tuyển nguyện vọng 1 cao nhất ở ngành Quản trị kinh doanh (26,5 điểm)... Theo ông Trần Thanh Liêm, Phó Hiệu trưởng Trường CĐ KT-KT Cần Thơ, xu hướng chọn ngành của thí sinh cũng phân hóa khá rõ theo những ngành nghề xã hội đang có nhu cầu tuyển dụng cao, như: khối ngành kinh tế, công nghệ chế biến thủy sản...; trong đó khối ngành kinh tế vẫn là khối mà học sinh quan tâm nhiều nhất.

Tuy chưa phải là nhóm ngành ở “tốp” đầu nhưng khối ngành y- dược cũng được xem ngành đang “hot”. Bởi lẽ, ĐBSCL tuy nổi tiếng là vựa trái cây, vựa lúa lớn nhất cả nước nhưng lại là “vùng trũng” về giáo dục, y tế. Ông Trần Ngọc Hùng, Phó Hiệu trưởng Trường CĐ Y tế Cần Thơ cho biết: “Trường mở mới mã ngành này vì nhu cầu cán bộ y tế nói chung, ngành Dược, Hộ sinh nói riêng đều đang rất cần. Sinh viên ra trường có thể làm việc ở các bệnh viện, đơn vị trong và ngoài TP Cần Thơ”. Xuất phát từ nhu cầu xã hội mà năm nay, một số trường ĐH ngoài công lập như: Tây Đô đã mở thêm ngành Dược đại học, Võ Trường Toản mở thêm ngành Y đa khoa; còn với Trường ĐH Y Dược Cần Thơ, 2 năm gần đây đã mở đào tạo một số ngành y- dược trung cấp. Thế nhưng, theo thống kê của Trường ĐH Y Dược Cần Thơ, hằng năm có khoảng 9.000-10.000 thí sinh dự thi nhưng trường chỉ tuyển khoảng 10% tổng số thí sinh dự thi. Điểm chuẩn của khối ngành này ở trường năm 2011 cũng khá cao, tùy từng ngành cụ thể mà điểm chuẩn trúng tuyển từ 15,5-23 điểm.

*****

Rõ ràng, khi kinh tế của toàn vùng ĐBSCL phát triển theo hướng tăng tỷ trọng cơ cấu công nghiệp và dịch vụ thì tất yếu việc chọn ngành nghề của học sinh, phụ huynh sẽ có sự phân hóa rõ rệt. Xu hướng chọn ngành năm nay của học sinh vẫn “nóng” ở khối A và đặc biệt là nhóm ngành kinh tế. Xét ở khía cạnh khác, việc đa dạng hóa ngành nghề đào tạo, tăng chỉ tiêu ở các trường ĐH, CĐ trên địa bàn TP đã “rộng cửa” đón thí sinh. Vấn đề quan trọng là sự chọn lựa ngành nghề phù hợp của chính mỗi người.

ĐẶNG NGỌC

Chia sẻ bài viết