03/12/2022 - 13:15

Cơ hội mới cho trái bưởi da xanh đi Mỹ 

Bài, ảnh: PHƯỚC BÌNH

Bưởi da xanh là một trong các loại trái cây đem lại hiệu quả kinh tế cao ở vùng ÐBSCL, nhờ được tiêu thụ mạnh ở thị trường nội địa và xuất khẩu sang Trung Quốc. Mới đây, lô hàng đầu tiên của tỉnh Bến Tre được xuất khẩu sang thị trường Mỹ, mở ra triển vọng cho bưởi da xanh vươn xa trong thời gian tới…

Công bố xuất khẩu lô bưởi da xanh đầu tiên đi Mỹ.

Triển vọng

Những ngày cuối tháng 11-2022, UBND tỉnh Bến Tre phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tổ chức lễ công bố xuất khẩu lô bưởi da xanh đầu tiên của Việt Nam sang thị trường Mỹ...

Ông Trần Ngọc Tam, Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre, rất vui mừng khi tỉnh nhà là địa phương được chọn để xuất khẩu lô bưởi đầu tiên của Việt Nam sang thị trường Mỹ. "Kết quả này là nhờ vào sự hỗ trợ, giúp đỡ tích cực của các bộ, ngành Trung ương, sự quan tâm, hỗ trợ của các cơ quan ngoại giao, các cơ quan chức năng của nước nhập khẩu; cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước. Bên cạnh đó, có sự nỗ lực của Công ty CP Xuất nhập khẩu trái cây Chánh Thu - đơn vị đã trực tiếp đăng ký và chuẩn bị về mọi mặt để đưa trái bưởi Bến Tre sang thị trường Mỹ. Hiện nay, Bến Tre là địa phương có thế mạnh về sản xuất bưởi da xanh với khoảng 9.400ha. Ðây là loại trái cây cho hiệu quả kinh tế khá cao và đã giúp nhiều hộ nông dân vươn lên khá giả, góp phần tích cực vào việc xây dựng nông thôn mới của địa phương…" - ông Trần Ngọc Tam nói.

Ông Trần Thanh Nam, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT thông tin thêm, bưởi tươi là loại trái cây thứ 7 của nước ta được phép nhập khẩu vào thị trường Mỹ (sau xoài, nhãn, vải, thanh long, chôm chôm và vú sữa). Ðây là kết quả của nỗ lực đàm phán suốt thời gian dài của các cơ quan chuyên môn giữa hai bên và sự đồng hành kiên trì của những người sản xuất và xuất khẩu bưởi Việt Nam. Cả nước ta hiện có 105.400ha bưởi, sản lượng gần 905.000 tấn; với các giống bưởi đa dạng, đặc trưng cho từng vùng miền. Trong đó ở ÐBSCL có khoảng 32.000ha bưởi, với sản lượng khoảng 369.000 tấn... Ðây là dư địa và cơ hội rất lớn cho trái cây Việt Nam nói chung và bưởi tươi nói riêng để tiếp cận thị trường Mỹ - một thị trường tiềm năng có giá bán cao... Chia sẻ tin vui này, bà Ngô Tường Vy, Tổng Giám đốc Công ty CP Xuất nhập khẩu trái cây Chánh Thu, cho biết, thời gian qua Công ty tích cực phối hợp với Cục Bảo vệ thực vật chuẩn bị vùng nguyên liệu, cơ sở đóng gói… nhằm đảm bảo vượt qua sự kiểm tra nghiêm ngặt của cơ quan chức năng Mỹ. "Về cơ bản trái bưởi tươi được họ yêu cầu về kỹ thuật, kiểm soát sinh vật gây hại rất nghiêm khắc. Do đó, chúng tôi luôn hỗ trợ nông dân chuyển đổi quy mô canh tác phù hợp, yêu cầu về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật đúng quy định…" - bà Ngô Tường Vy nói. Theo các cơ quan chuyên môn, khi sản phẩm vào được thị trường Mỹ thì bên cạnh những lợi ích về giá trị thì còn làm tăng uy tín cho các sản phẩm trái cây Việt Nam. Mở rộng cửa thông hành để đưa trái bưởi vào những thị trường khó tính khác như Nhật Bản, Úc, New Zealand…

Đa dạng thị trường tiêu thụ

Sở NN&PTNT tỉnh Bến Tre cho hay, bưởi da xanh được xác định là loại cây thế mạnh của tỉnh từ nhiều năm nay và thực tế nhiều hộ vươn lên khá giả từ canh tác bưởi với thu nhập khoảng 500 triệu đồng/ha/năm. Ông Ðào Văn Minh, ngụ xã Quới Sơn, huyện Châu Thành (tỉnh Bến Tre), bộc bạch: "Sống ở vùng nông thôn, gia đình tôi có 8 công đất chuyên trồng nhãn, dừa, ca cao… nhưng làm mãi mà không khá được bởi giá cả bấp bênh. Khoảng năm 2005, trong lần tình cờ phát hiện ra giống bưởi da xanh có chất lượng ngon, năng suất cao… nên gia đình mạnh dạn chuyển đổi toàn bộ khu vườn sang trồng bưởi da xanh. Sau hơn 3-4 năm chăm sóc, bưởi da xanh bắt đầu cho trái và năng suất tăng dần theo độ lớn của cây, bình quân khoảng 12-14 tấn/ha/năm. Giá bưởi da xanh cũng tăng dần từ 15.000 đồng/kg, rồi 20.000 đồng/kg, có lúc 30.000-40.000 đồng/kg; thậm chí khi hút hàng từ 50.000 đồng/kg trở lên… Nhờ bưởi da xanh được giá nên 8 công vườn cho thu nhập bình quân khoảng 500 triệu đồng mỗi năm, cao gấp nhiều lần so các loại cây khác. Cũng nhờ trúng bưởi da xanh mấy năm mà gia đình vươn lên khấm khá".

Ông Ðặng Văn Nám, ngụ xã Kế Thành, huyện Kế Sách (tỉnh Sóc Trăng) trước đây có khoảng 3,3ha đất chuyên làm lúa, trồng màu… nhưng cũng chỉ đủ ăn. Năm 2009, khi nghe tin ở Bến Tre có bưởi da xanh ngon và bán được giá, ông lặn lội đi tìm cây giống và học hỏi kinh nghiệm trồng bưởi da xanh. Sau thời gian chăm sóc vườn bưởi cho trái và năng suất tăng dần. Những năm bưởi trúng mùa, trúng giá từ 40.000-60.000 đồng/kg giúp gia đình có nguồn thu khoảng 2,5-3 tỉ đồng/năm; nhờ đó mà xây được biệt thự khang trang và đầu tư mở rộng quy mô sản xuất. Thấy ông Nám trồng bưởi da xanh hiệu quả, nhiều nông dân ở huyện Kế Sách làm theo, từ đó hình thành vùng sản xuất bưởi chủ lực của tỉnh.

Ðể trái bưởi da xanh có giá trị như hôm nay người có công lớn nhất là ông Ðàm Văn Hưng, Chủ cơ sở kinh doanh trái cây Hương Miền Tây (tỉnh Bến Tre). Hàng chục năm trước, ông Hưng đi thu mua cam và tình cờ thấy bưởi da xanh trồng rải rác trong các vườn dừa, vườn cam nhưng không ai để ý tới. Thế là ông Hưng lượm những trái bưởi rụng, ăn thử thấy ngon, múi bưởi khô, màu hồng khá đẹp… Ngay lập tức, ông Hưng chuyển sang thu mua bưởi cho bà con, sau đó đưa lên TP Hồ Chí Minh và Hà Nội tiêu thụ. Ban đầu nhiều người chê bởi trái có vỏ xanh lè, sợ bị chua. Ông Hưng kiên trì tiếp thị và cho mọi người ăn thử, dần dần quen khẩu vị; từ đó bưởi da xanh được tiêu thụ rộng rãi hơn, giá cả cũng tăng lên… Hiện nay, Hương Miền Tây được xem là doanh nghiệp thu mua bưởi da xanh hàng đầu ở khu vực ÐBSCL với hơn 15.000 tấn mỗi năm. Ngoài thị trường tiêu thụ chủ lực là TP Hồ Chí Minh, các tỉnh thành phía Bắc, thì bưởi da xanh còn được xuất khẩu sang một số nước châu Âu, châu Á, Úc và Canada; tuy nhiên xuất khẩu phần lớn vẫn là thị trường Trung Quốc. Trước thực trạng trên, mấy năm qua doanh nghiệp Hương Miền Tây nỗ lực tìm thêm những thị trường xuất khẩu mới nhằm giảm phụ thuộc vào Trung Quốc. Và nay khi bưởi da xanh vào thị trường Mỹ đã mở rộng cơ hội mới.

"Việc Mỹ đồng ý cho nhập khẩu bưởi tươi của Việt Nam là tín hiệu tích cực; trong đó bưởi da xanh của ÐBSCL sẽ có cơ hội vươn xa hơn. Từ nay, chúng ta có thể giảm dần phụ thuộc vào một vài thị trường, mà hướng tới sự đa dạng về thị trường xuất khẩu, trong đó có những thị trường lớn với giá trị mang lại cao hơn. Tuy nhiên, để trái bưởi thâm nhập lâu dài vào thị trường khó tính như Mỹ thì không hề đơn giản, mà đòi hỏi nhiều tiêu chuẩn vô cùng khắt khe. Vì vậy, doanh nghiệp Hương Miền Tây đang đầu tư thêm kho lạnh bảo quản đạt tiêu chuẩn; phối hợp với các hợp tác xã quy hoạch vùng trồng bưởi da xanh chất lượng cao; từ chăm sóc, sử dụng phân thuốc, đến thu hoạch… phải đáp ứng các quy định của phía Mỹ. Hiện tại doanh nghiệp chúng tôi sẽ thử nghiệm và đăng ký mã số vùng trồng khoảng hơn 50ha để mời các cơ quan chức năng của Mỹ sang kiểm tra, thẩm định trong thời gian tới. Khi nào đạt yêu cầu thì sẽ mở rộng thêm. Doanh nghiệp chúng tôi xác định đây là cơ hội tốt cần phải nắm bắt, nhưng cách làm phải chặt chẽ, từng bước; chất lượng đặt lên hàng đầu, bởi xuất khẩu là lâu dài nên không thể nóng vội được…" - ông Ðàm Văn Hưng bộc bạch.

Chia sẻ bài viết