22/12/2018 - 23:11

Cô đơn làm giảm tuổi thọ nhưng sự khôn ngoan có thể giúp ích 

Những năm gần đây, giới chức y tế bắt đầu cảnh báo về sự gia tăng của “dịch bệnh” cô đơn, với tỷ lệ được ghi nhận là đã tăng gấp đôi trong 50 năm qua. Nghiên cứu mới đây của các nhà khoa học Mỹ còn phát hiện sự cô đơn mức độ từ vừa đến nặng luôn xuất hiện trong nhiều giai đoạn cuộc đời, nhưng sự khôn ngoan có thể đảo ngược tác hại của nó.

Cô đơn là dù ở giữa đám đông nhưng người ta vẫn cảm thấy lẻ loi, cô độc. Ảnh:superhero-therapy.com
Cô đơn là dù ở giữa đám đông nhưng người ta vẫn cảm thấy lẻ loi, cô độc. Ảnh:superhero-therapy.com

Giáo sư Tâm thần và Thần kinh học Dilip Jeste - Giám đốc Trung tâm Lão hóa Khỏe mạnh tại Đại học California-San Diego dẫn một nghiên cứu trước đây cho biết cô đơn làm giảm tuổi thọ tương đương hút 15 điếu thuốc mỗi ngày. Nhưng vì một số nghiên cứu cho thấy cô đơn chỉ có ở tuổi già, trong khi số khác nói rằng nó phổ biến trong giới trẻ, nên ông và các cộng sự muốn làm rõ. Nghiên cứu được tiến hành trên đối tượng từ 27 đến 101 tuổi, không mắc bệnh tâm lý hoặc thể chất nghiêm trọng, từng tham gia vào 1 trong 3 nghiên cứu về lão hóa và sức khỏe tâm thần.

3 phát hiện bất ngờ về sự cô đơn

Dựa trên giả định thông thường là “khi già đi, người ta thường trở nên cô độc hơn”, nhóm nghiên cứu do Giáo sư Jeste dẫn đầu cho rằng những người lớn tuổi sẽ báo cáo mức độ cô đơn nhiều hơn. Tuy nhiên, họ vô cùng ngạc nhiên khi phát hiện cô đơn xuất hiện trong nhiều giai đoạn cuộc đời: cuối những năm 20 tuổi, giữa những năm 50 tuổi và cuối những năm 80 tuổi – theo báo cáo công bố trên tạp chí International Psychogeriatrics.

Giáo sư Jeste giải thích rằng những năm cuối độ tuổi 20 thường là giai đoạn ra quyết định quan trọng, khiến bạn thấy rất căng thẳng vì cho rằng bạn bè cùng lứa đưa ra quyết định tốt hơn mình, và hay tự vấn tại sao mình lại làm điều này hay điều nọ. Đó là một giai đoạn căng thẳng và làm tăng cảm giác cô đơn. Trong khi đó, những năm giữa độ tuổi 50 là thời kỳ khủng hoảng giữa cuộc đời, sức khỏe bắt đầu suy giảm, với chứng tiền tiểu đường hoặc bệnh tim chẳng hạn. “Khi thấy vài người bạn sắp chết, đó là lúc họ bắt đầu nhận ra cuộc sống không kéo dài mãi mãi”, ông nói thêm. Còn với những cụ sắp vượt qua tuổi bát tuần, nếu may mắn còn sống thì mọi thứ cũng trở nên tồi tệ. Ngoài sức khỏe yếu, họ có thể gặp các vấn đề tài chính và chứng kiến cái chết của người phối ngẫu hoặc bạn bè, cảm giác ngày càng cô độc.

Một phát hiện bất ngờ khác là có 76% số người tham gia cảm thấy cô đơn mức độ từ trung bình vừa đến nặng, đàn ông và phụ nữ đều cảm thấy cô đơn như nhau. Theo nhóm nghiên cứu, cô đơn không phải là sự cô lập xã hội bởi một người có thể ở một mình mà không thấy lẻ loi, trong khi người khác có thể ở giữa đám đông nhưng vẫn thấy cô đơn. Tình trạng này không chỉ làm sa sút sức khỏe tinh thần, suy giảm nhận thức, mà còn làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch, huyết áp cao, tàn tật, mất ngủ và trầm cảm.

Tin vui là nghiên cứu còn phát hiện ra mối quan hệ nghịch đảo giữa cô đơn và sự khôn ngoan. Theo đó, những người khôn ngoan ít cảm thấy cô đơn hơn. Điều này được lý giải là vì những hành vi liên quan đến các yếu tố định hình sự khôn ngoan – gồm kiến ​​thức chung về cuộc sống, quản lý cảm xúc, sự cảm thông, lòng trắc ẩn, tính vị tha và ý thức về sự công bằng, cái nhìn sâu sắc, chấp nhận các giá trị khác nhau, sự quyết đoán – thực sự giúp chống lại hoặc ngăn chặn cảm giác cô đơn. 

Nhìn chung, nghiên cứu của các nhà khoa học Mỹ phát hiện điều tiêu cực lẫn tích cực. Về mặt tiêu cực, tình trạng cô đơn phổ biến hơn ta nghĩ, còn về mặt tích cực, sự khôn ngoan có thể đẩy lùi hoặc ngăn chặn cô đơn. Theo Anthony Ong, Giáo sư ngành nghiên cứu lão khoa tại Đại học Cornell, mối quan hệ nghịch đảo này “chứng tỏ vai trò của tính cách đối với sự phát triển và hình thành cô đơn theo thời gian”. “Chúng ta cần tìm giải pháp can thiệp để kết nối mọi người và giúp họ trở nên khôn ngoan hơn. Một xã hội khôn ngoan hơn sẽ là một xã hội hạnh phúc, gắn kết và ít cô đơn hơn – Giáo sư Jeste kết luận.

HOÀNG ĐIỂU (Theo CNN, Science Daily)

Chia sẻ bài viết
Từ khóa
Cô đơn