06/02/2023 - 09:48

Giáo sư Hà Thanh Toàn, Hiệu trưởng Trường Đại học Cần Thơ:

Cơ chế tự chủ tạo động lực thúc đẩy trường đại học phát triển 

B.NGỌC (Thực hiện)
Trường Đại học Cần Thơ (ĐHCT) thời gian qua đã thực hiện cơ chế tự chủ đại học (TCĐH) đạt hiệu quả tích cực, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ. Giáo sư Hà Thanh Toàn, Hiệu trưởng Trường ĐHCT, cho biết:

- Trường ĐHCT đang thực hiện lộ trình tự chủ mức 2 - thực hiện tự chủ tài chính, tự đảm bảo kinh phí chi thường xuyên hoàn toàn - từ năm 2020. Trong quá trình đó, trường vẫn đảm bảo kinh phí hoạt động thường xuyên và một phần tích lũy đầu tư phát triển. Trường cũng tự chủ về chuyên môn học thuật, công tác đào tạo đại học được phát triển theo hướng đa ngành, đa lĩnh vực. Trường đã ban hành và tổ chức thực hiện các quy định về hoạt động tuyển sinh, đào tạo. Năng lực nghiên cứu khoa học của trường ổn định và ngày được nâng cao. Qua từng năm, số lượng đề tài nghiên cứu các cấp tăng, đặc biệt các nhiệm vụ khoa học cấp Nhà nước đã tăng đáng kể, đồng thời đã tiếp cận được quỹ nghiên cứu khoa học của doanh nghiệp và hoạt động tư vấn và chuyển giao công nghệ, tham gia các sự kiện khoa học và công nghệ tiếp tục phát triển. Hợp tác trong nước và quốc tế phù hợp với quy định của pháp luật.

Về công tác tổ chức và đội ngũ nhân sự, trường vẫn đang thực hiện quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế và tài chính theo quy định tại Nghị định số 43/2006/NĐ-CP. Nhìn chung, bộ máy của trường hiện nay đảm bảo thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của trường, đặc biệt là trong bối cảnh thực hiện quyền tự chủ và trách nhiệm giải trình theo quy định của pháp luật.

* Thưa Giáo sư, trường gặp những khó khăn nào trong bước đầu thực hiện tự chủ?

- Vấn đề lớn nhất là tự chủ tài chính lệ thuộc nhiều vào nguồn thu học phí. Vì dịch COVID-19, nên trong năm 2020 và năm 2021 nhà trường duy trì mức học phí của năm 2019, như vậy nguồn thu học phí chưa thể đáp ứng các yêu cầu tự chủ được thực hiện từ năm 2020. Lại thêm hoạt động dịch vụ toàn trường trong thời gian này gần như tạm ngừng, không tiếp đón đoàn quốc tế, không tổ chức triển khai đề tài nghiên cứu… nên trường gặp nhiều khó khăn.  

Một khó khăn nữa là trong bối cảnh hiện nay việc thực hiện tự chủ tài chính trong các trường đại học chưa được thực hiện đồng bộ. Chính phủ giao quyền tự chủ về các trường, nhưng nhiều văn bản quy định pháp luật làm cho tự chủ không thể được triển khai một cách thuận lợi, thống nhất. Ví dụ như Cục Thuế TP Cần Thơ đã ban hành Quyết định 41/QĐ-CT về việc công bố công khai kết luận thanh tra thuế giai đoạn 2017 đến 2019. Theo kết luận thì Trường ĐHCT phải thực hiện nộp thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung 2% trên doanh thu các khoản thu học phí (chính quy và ngoài chính quy), trong khi đó hầu hết các trường đại học trên cả nước không đóng khoản thuế này. Trường ĐHCT đã kiến nghị Chính phủ sớm điều chỉnh các quy định của pháp luật để đồng bộ; cần có khái niệm riêng cho lĩnh vực giáo dục - đào tạo vì đây là “đơn vị sự nghiệp công lập đặc thù”, nếu gộp chung khái niệm “đơn vị sự nghiệp công lập” thì các văn bản quy định chung sẽ còn nhiều vướng mắc trong lĩnh vực giáo dục - đào tạo. Một ví dụ khác là Luật Ngân sách nhà nước, Luật Viên chức cũng không cho phép trường trả gấp 3 lần lương quy định nhà nước. Nền kinh tế đất nước hiện nay phát triển, rất nhiều doanh nghiệp lớn đến và thu hút nguồn nhân lực của trường bằng cách trả lương cao. Do đó, việc giữ đội ngũ cán bộ có trình độ của trường cũng là vấn đề khó khăn nếu như trường trả lương theo quy định Luật Viên chức hiện nay. Vì vậy, rất nhiều quy định cần đồng bộ, đảm bảo công bằng trong quá trình triển khai TCĐH cho các trường.

Một buổi học của sinh viên Trường Công nghệ Thông tin và Truyền thông, thuộc Trường ĐHCT.

Một buổi học của sinh viên Trường Công nghệ Thông tin và Truyền thông, thuộc Trường ĐHCT.

* Trường đã có giải pháp nào để vượt qua những thách thức đó, thưa giáo sư?

- Giải pháp của trường là tất cả quy định của Nhà nước được triển khai và thực hiện thông qua Hội đồng trường bàn bạc, quyết định cả về nguồn nhân sự, chi tài chính, đầu tư cơ sở vật chất, tuyển sinh… Trên cơ sở đồng thuận đó, trường sẽ báo cáo Bộ Giáo dục và Đào tạo. Để từ đó mọi vấn đề đều được giải quyết công khai minh bạch. Trường cũng tranh thủ sự ủng hộ của bộ ngành Trung ương, tổ chức quốc tế, doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp liên kết với trường trong đào tạo, tiếp nhận sinh viên, đóng góp cho Quỹ học bổng của trường… Từ đó, giúp trường duy trì hoạt động tối thiểu về đầu tư cơ sở vật chất, đảm bảo phòng học và nghiên cứu, chi định biên thường xuyên cho đội ngũ, có học bổng để đảm bảo điều kiện học tập và giảng dạy tốt nhất cho sinh viên cũng như giảng viên.

* Theo Giáo sư, thực hiện cơ chế tự chủ đã góp phần đổi mới, thúc đẩy sự phát triển của trường như thế nào?

 - Trong xu thế hội nhập quốc tế, tự chủ là công tác bắt buộc đối với các cơ sở giáo dục đại học. Tự chủ không chỉ về tài chính mà cả học thuật, quản trị đại học. Chính việc giao quyền tự chủ cho trường nhiều hơn sẽ tạo cơ chế cho trường tự quyết định, tự chịu trách nhiệm giải trình trước xã hội. Đây là những điều mà các cơ sở giáo dục đại học tiên tiến trên thế giới thực hiện TCĐH để đảm bảo thực thi trong đào tạo, nghiên cứu khoa học và chuyển giao khoa học công nghệ. Ví dụ điển hình, từ sau khi tự chủ, Trường ĐHCT thành lập và giao quyền cho các trường thành viên, các khoa, viện… qua đó giúp tiết kiệm rất nhiều trong ra quyết định về thời gian, nguồn nhân lực con người. Tự chủ tạo luồng gió mới để đảm bảo cho các trường thực thi nhiệm vụ, tối ưu hóa hoạt động của trường một cách thuận lợi, với mục đích lớn nhất là tạo điều kiện cho thầy trò có điều kiện dạy và học tốt nhất.

* Xin Giáo sư cho biết định hướng của Trường ĐHCT, cũng như đề xuất để trường nói riêng, các trường đại học nói chung thực hiện tự chủ đạt hiệu quả? 

- Hiện nay, Trường ĐHCT có chiến lược nâng cấp thành ĐHCT, với mô hình của trường đại học quốc gia có các trường chuyên môn, các khoa, các viện nghiên cứu. Tháng 10-2022, trường công bố quyết định thành lập 4 trường chuyên môn, gồm: Trường Kinh tế, Trường Bách khoa, Trường Công nghệ Thông tin và Truyền thông, Trường Nông nghiệp; thành lập Viện Công nghệ sinh học và Thực phẩm, Khoa Giáo dục thể chất. Mới đây, ngày 30-12-2022, trường thành lập Trường Thủy sản. Lãnh đạo Trường ĐHCT đảm bảo tất cả các đơn vị này hoạt động một cách tối ưu về bộ máy quản lý, con người. Trường ĐHCT sẽ thành đại học của khu vực và sẽ thành lập 2 phân hiệu Trường ĐHCT tại Sóc Trăng và tỉnh Hậu Giang để đảm bảo trách nhiệm của trường là đào tạo nguồn nhân lực cho 2 tỉnh này, đây là hai địa phương ở vùng ĐBSCL chưa có trường đại học.

Từ kinh nghiệm phát triển giáo dục đại học của các nước trên thế giới cho thấy, các nước luôn có chính sách hỗ trợ cho các trường đại học bằng cách đầu tư cơ sở vật chất ban đầu. Trên cơ sở đó, các trường phát huy quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm trước xã hội để đảm bảo hoạt động thường xuyên. Có thể nói rằng, sự đầu tư cơ bản ban đầu, cơ chế chính sách phù hợp, sự nối kết giữa các bộ ngành Trung ương và địa phương, cũng như sự hợp tác trong nước và ngoài nước và giữa các trường đại học với nhau... sẽ tạo cơ chế đảm bảo tự chủ của các trường đại học ở Việt Nam. Từ đó hội nhập cùng xu hướng tự chủ của các trường đại học hàng đầu thế giới.

* Xin cảm ơn Giáo sư!

Chia sẻ bài viết