15/12/2012 - 17:08

Cơ chế “mềm” cho các khu kinh tế, khu công nghiệp

Sản xuất tại Công ty TNHH Công nghiệp Thủy sản Miền Nam, Khu Công nghiệp Trà Nóc 2. Ảnh: ANH KHOA

Hiện nay, chính sách ưu đãi về thuế cho các doanh nghiệp (DN) đầu tư hạ tầng khu công nghiệp (KCN) cũng như DN thứ cấp đều không còn. Điều này gây khó khăn không nhỏ cho các địa phương trong mời gọi đầu tư hạ tầng KCN, thu hút DN vào hoạt động sản xuất, kinh doanh. Trong tình hình kinh tế khó khăn, các địa phương đang cần cơ chế thoáng của Trung ương để tạo động lực phát triển công nghiệp- thương mại- dịch vụ.

Vướng đầu tư hạ tầng

Theo ông Phan Thành Phi, Trưởng ban Quản lý (BQL) Khu kinh tế tỉnh Long An, từ năm 2008 đến nay, thu hút đầu tư vào các KCN tỉnh gặp nhiều khó khăn. Thực hiện thắt chặt đầu tư công theo Nghị quyết 11/NQ-CP (ngày 24-2-2011) của Chính phủ khiến các DN đầu tư xây dựng hạ tầng KCN vay vốn khó và một số KCN đang xây dựng dở dang phải tạm ngưng hoặc giãn tiến độ thi công. Chính sách cắt giảm các ưu đãi về thuế thu nhập DN, giá điện, nguyên liệu đầu vào tăng… cũng ảnh hưởng nhất định đến DN. Công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng (GPMB) KCN giậm chân tại chỗ khi thực hiện khung giá bồi hoàn theo Nghị định 69/2009/NĐ-CP (ngày 13-8-2009) của Chính phủ; giá quá cao, nên đến nay chưa KCN nào của tỉnh thực hiện. "Các chính sách ưu đãi về thuế cho DN đầu tư hạ tầng, DN thứ cấp trong KCN hiện không còn. Trong khi khung giá bồi thường theo Nghị định 69 quá cao, DN khó tiếp cận vốn; thị trường cạnh tranh gay gắt gây không ít khó khăn cho DN"- ông Phi nói.

Long An hiện có 30 KCN nằm trong quy hoạch phát triển KCN cả nước đến năm 2015 và định hướng 2020 với tổng diện tích trên 10.904ha. Hiện có 54 dự án đầu tư hạ tầng KCN (kể cả các KCN mở rộng) và 46 chủ đầu tư; trong đó, 5 KCN chủ đầu tư hạ tầng là DN vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Trong tổng số 30 KCN được quy hoạch có 23 KCN được cấp Giấy chứng nhận đầu tư, diện tích hơn 6.806 ha. Tổng vốn đầu tư phát triển hạ tầng tại các KCN đăng ký trên 77 triệu USD và 21.420 tỉ đồng; nếu tính riêng 16 KCN đang hoạt động thì tỷ lệ lấp đầy diện tích đất công nghiệp khoảng 41,1%. Các KCN này đang thu hút 701 dự án đầu tư (gồm 226 dự án FDI, vốn 1,53 tỉ USD; 475 dự án trong nước, vốn đầu tư 25.421,6 tỉ đồng); hiện 299 DN đã hoạt động (119 DN FDI), giải quyết việc làm cho 68.000 lao động. Theo BQL Khu kinh tế tỉnh Long An, năm 2012, có 7 DN trong KCN giải thể, chấm dứt hoạt động, 5 DN tạm ngưng hoạt động và 12 DN thu hẹp sản xuất khiến 3.412 lao động bị mất việc làm.

Còn theo BQL các KCN tỉnh Hậu Giang, tỉnh có 2 KCN nhưng thu hút đầu tư giảm, thiếu quỹ đất sạch nên KCN không đáp ứng nhu cầu nhà đầu tư; giá đền bù, chi phí san lấp lớn làm giảm sự hấp dẫn của các KCN trên địa bàn. Hơn nữa, hạ tầng cơ sở vào KCN chưa đầu tư đồng bộ, nguồn vốn địa phương hạn chế, trong khi chính sách ưu đãi không nhiều. Lãnh đạo BQL Khu kinh tế tỉnh Cà Mau thì cho rằng, thách thức lớn nhất của tỉnh là kết cấu hạ tầng quá kém, việc mời gọi nhà đầu tư hạ tầng đầy gian nan, suất đầu tư hạ tầng cao do phải xây dựng trên nền đất yếu, chi phí vận chuyển cao. Chính sách khuyến khích đầu tư vào KCN, khu kinh tế chưa có gì khác biệt so với chính sách chung cho các DN, nhất là về thuế, nên các nhà đầu tư không mặn mà. Ngay cả TP Cần Thơ, hạ tầng giao thông tương đối thuận lợi so với các địa phương khác trong khu vực ĐBSCL, thành phố hiện có 8 KCN tập trung, nhưng mới có KCN Trà Nóc 1, Trà Nóc 2 lấp đầy diện tích đất công nghiệp, KCN Hưng Phú (I, 2A, 2B) thi công hạ tầng ì ạch do vướng khâu GPMB, giá bồi hoàn. Hiện suất đầu tư hạ tầng của KCN Hưng Phú ước tính trên 60USD/m2 đất công nghiệp đây là thách thức cho các DN đầu tư hạ tầng KCN khi cho thuê lại đất. Bởi nếu giá thuê đất cao, không có chính sách ưu đãi, các nhà đầu tư sẽ đầu tư vào KCN các tỉnh lân cận thành phố…

Tìm lối ra

Trong 10 năm qua, các tỉnh, thành vùng ĐBSCL đều đề ra chiến lược phát triển công nghiệp, giảm tỷ trọng nông nghiệp trong cơ cấu GDP và hàng loạt KCN ra đời để phục vụ mục tiêu trên. Tuy nhiên, các KCN, khu kinh tế của vùng tỷ lệ lấp đầy thấp, có KCN chỉ lấp đầy 10% diện tích đất và một số tỉnh trong vùng đã ban hành chủ trương thu hồi KCN giao đất lại cho dân canh tác nông nghiệp như tỉnh Long An. Theo nhận định của những cán bộ làm công tác xúc tiến đầu tư thì hạ tầng KCN hoàn chỉnh, các dịch vụ hậu cần KCN phát triển, vị trí địa lý, kinh tế là chìa khóa cho các KCN, khu kinh tế phát triển bền vững. Tuy nhiên, đa phần các KCN, khu kinh tế ở ĐBSCL quỹ đất lấy chủ yếu từ đất sản xuất nông nghiệp, nền đất yếu, hạ tầng giao thông kém, ngân sách địa phương không kham nổi vốn cho đầu tư hạ tầng.

Trong 8 KCN tập trung của TP Cần Thơ hiện có 205 dự án còn hiệu lực, thuê lại hơn 561 ha đất công nghiệp, vốn đầu tư đăng ký hơn 1,6 tỉ USD. Theo một vị lãnh đạo BQL Các khu chế xuất và công nghiệp Cần Thơ, một vài KCN của thành phố đang vướng công tác GPMB, thành phố đã nhiều lần làm việc với chủ đầu tư yêu cầu đẩy nhanh tiến độ dự án, nhà đầu tư có cam kết đảm bảo tiến độ. Song, quỹ "đất sạch" phục vụ công tác xúc tiến đầu tư lại không tăng theo những gì mà nhà đầu tư hạ tầng đã hứa. Là đô thị loại I trực thuộc Trung ương, dù nhiều lợi thế so với các địa phương khác trong vùng, nhưng giá đất cao, khiến việc áp dụng Nghị định 69 càng khó, xác định giá đất theo thị trường sẽ "trói chân" nhà đầu tư hạ tầng. Nhất là trong tình hình hiện nay, nền kinh tế vĩ mô còn biến động, tiềm ẩn nhiều rủi ro, khó tiếp cận vốn vay, lãi suất vay ngân hàng cao, khiến nhà đầu tư lâm vào cảnh tiến thoái lưỡng nan.

Theo chỉ đạo của Chính phủ, các địa phương không mở thêm KCN, khu kinh tế khi chưa lấp đầy cái cũ. Hiện nay, các địa phương trong vùng đã thực hiện rà soát, kiểm tra năng lực tài chính của nhà đầu tư, kiên quyết thu hồi dự án, buộc nhà đầu tư phải ký quỹ nếu muốn đầu tư dự án. Đây là giải pháp để hạn chế tình trạng "xí phần" đất. Tuy nhiên, các địa phương cho rằng, cần cơ chế "mềm" cho các KCN, khu kinh tế để tăng tốc đầu tư. Ông Lê Tấn Lực, Trưởng BQL Khu kinh tế tỉnh Trà Vinh, nói: "Nguồn kinh phí được cấp hằng năm cho đầu tư cơ sở hạ tầng còn hạn chế, làm ảnh hưởng đến khả năng mời gọi đầu tư. Do vậy, rất cần cơ chế ưu đãi đối với các dự án đầu tư xây dựng công trình hạ tầng thiết yếu tại KCN, khu kinh tế theo hình thức BT, BOT… Bên cạnh đó, rất cần các bộ, ngành Trung ương quan tâm hỗ trợ cho các địa phương vùng ĐBSCL xúc tiến đầu tư ra nước ngoài, tìm nhà đầu tư có năng lực thật sự để vực dậy các KCN, khu kinh tế". Ông Phan Thành Phi, Trưởng BQL Khu kinh tế tỉnh Long An thì cho rằng, ngoài cơ chế ưu đãi đầu tư hạ tầng thì Chính phủ, các bộ ngành cần cân nhắc ưu đãi đặc biệt (nhất là thuế thu nhập DN) cho tỉnh vùng sâu, vùng xa; mở rộng ưu đãi trong lĩnh vực công nghệ cao. Giải quyết những bất cập trong đầu tư, phát triển các KCN, khu kinh tế của vùng ĐBSCL cần một cơ chế cụ thể và thỏa đáng để tránh tình trạng lãng phí tài nguyên là điều mà các địa phương đang mong mỏi.

SONG NGUYÊN

Chia sẻ bài viết