20/07/2020 - 09:52

Chuyện thật-giả về giống lúa ngon nhất thế giới 

Sau gần 30 năm miệt mài chọn tạo, phát triển cây lúa thơm, đỉnh điểm các giống ST24, ST25 làm rạng danh hạt gạo Việt ngon nhất thế giới. Anh hùng Lao động - Kỹ sư Hồ Quang Cua, “cha đẻ” giống lúa ST nổi tiếng có những phút trải lòng suốt hành trình dài cùng vấn nạn giống thật - giả làm cản ngại đường lên phía trước...

Kỹ sư Hồ Quang Cua (đứng giữa) tại một điểm bán gạo ST25 ở TP Hồ Chí Minh.

Từ đồng ruộng Bãi Xàu

Tỉnh Sóc Trăng có truyền thống lúa thơm, ngon lâu đời. Kỹ sư Hồ Quang Cua kể: Theo các sách cũ, năm 1914 gạo Bãi Xàu - một địa danh thuộc tỉnh Sóc Trăng ngon nổi tiếng ở thị trường Hong Kong và Âu Châu. Về sau nơi đây chúng tôi đặt trạm nghiên cứu. Với truyền thống đó, từ trước khi tái lập tỉnh Sóc Trăng (1992), tôi đã hợp tác với Trung tâm Lúa Trường Ðại học Cần Thơ trồng khảo nghiệm và trồng so sánh các loại giống lúa thơm ngon. Kết quả giống lúa Khao Dawk Mali 105 được chọn và phát triển từ năm 1992 và phát triển dần lên 7.000ha vào năm 1997. Cây lúa thơm phù hợp ở vùng đất phèn mặn huyện Vĩnh Châu nên năng suất cao hơn hẳn cây lúa mùa “Ba-lê” được chọn từ thời Nam Kỳ còn là thuộc địa Pháp. Từ đó diện tích vùng lúa thơm tăng rất nhanh cho đến khi huyện Vĩnh Châu được chuyển dịch sang nuôi tôm nước mặn vào năm 2001.

Năm 1998, Kỹ sư Hồ Quang Cua chọn được 2 giống lúa mới và xin ý kiến UBND tỉnh lấy tên tỉnh Sóc Trăng viết tắt là ST đặt tên là ST1 và ST2. Ðến năm 2002, theo sự chỉ đạo của cố Phó Thủ tướng Nguyễn Công Tạn, Hội đồng khoa học Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) chỉ đạo xét công nhận đặc cách giống lúa ST3 là “giống quốc gia”. Việc đặt tên giống là do tác giả, Bộ NN&PTNT không có quy định, miễn là không trùng tên với giống có trước.

Kỹ sư Hồ Quang Cua nói: Lúc đầu chỉ có mình tôi đơn độc trong việc chọn giống và đặt tên. Ðến ST3 (năm 2000) có sự tham gia của Thạc sĩ Ông Tài Thuận và Thạc sĩ Nguyễn Thị Thu Hương, sau này có thêm Thạc sĩ Trần Tấn Phương (từ năm 2002). Năm 2011, Thạc sĩ Trần Tấn Phương bảo vệ thành công học vị Tiến sĩ tại Trường Ðại học Nông nghiệp Hà Nội với đề tài về lúa thơm.

Lần lượt các giống lúa ST được 3 lần công nhận đặc cách vào năm 2014 với 3 giống lúa: ST5, ST20, ST Ðỏ. Ðến đầu năm 2019 công nhận giống lúa ST24, sau khi giống đoạt Top 3 Gạo ngon nhất thế giới tại Macau năm 2017 và cuối năm 2019 với giống ST25 sau khi đoạt giải Gạo ngon nhất thế giới tại Philippines (12-11-2019). Các giống lúa ST được Bộ NN&PTNT xét công nhận đặc cách là do các giống lúa đặc sản có chất lượng cơm thơm ngon nổi trội so với các giống đang sản xuất (năm 2001 và 2014) và nổi trội hơn nữa là 2 giống ST24 và ST25 (năm 2019) đã đoạt giải cao trong cuộc thi Gạo ngon thế giới.

Sự khác biệt của gạo ngon nhất

Nhóm cán bộ nông nghiệp tỉnh Sóc Trăng qua nghiên cứu bộ giống lúa ST cho biết: Trong suốt quá trình nghiên cứu, các thành viên trong nhóm lần lượt cải tiến đáng kể về chu kỳ sinh trưởng và đặc tính ưa thích của người tiêu dùng về phẩm chất gạo. Lấy mốc trong 10 năm, từ 2008 (giống ST20) đến 2018 (ST24), chu kỳ sinh trưởng đã giảm 10 ngày, độ ưa thích (độ biến thể gen đã tăng từ 65mm lên 93mm, riêng ST25 là 90mm). Chu kỳ sinh trưởng sớm hơn giúp né mặn tốt hơn. Thân cứng chắc hơn giúp chống đổ ngã làm phẩm chất tốt hơn. Các đặc tính: chiều dài hạt gạo, chiều ngang hạt gạo, độ trắng, mùi thơm, vị ngọt giữa các giống đều không có khác biệt rõ.

Các giám khảo chấm thi Giải gạo ngon Quốc tế đều nhận định: Cơm gạo ST24 mềm nhất, tồn trữ thóc được lâu nhất mà cơm không khô. Cơm gạo ST25 hơi dẻ hơn, tồn trữ lâu mau khô cơm hơn ST24. Cơm gạo ST20 dẻ nhất, với thời gian tồn trữ cơm mau khô nhất.

Kỹ sư Hồ Quang Cua dẫn giải: Ở gần cuối chu kỳ chọn giống (lúc bắt đầu thử cơm) chúng tôi rất dè dặt ở khâu chọn lựa: Phải xây dựng điểm chuẩn để chấm, kiểm soát chặt tỷ lệ nước/gạo và quan trọng hơn cả là chọn người tinh ý để làm giám khảo. Mỗi kết luận sẽ quyết định dòng lúa đó còn hay mất (được gieo trồng tiếp hay loại bỏ). Ở các kỳ thi chọn cơm ngon chúng tôi đều mời làm giám khảo xen kẽ giữa nhà khoa học nghiên cứu về lúa gạo với những nữ doanh nhân chuyên doanh gạo đặc sản. Trong cuộc thi bình chọn Gạo ngon Việt Nam tổ chức ngày 6-11-2019 để cử đại diện đi dự thi quốc tế, Hiệp hội Lương thực Việt Nam đã mời Chủ tịch Hội đầu bếp Việt Nam làm Chánh chủ khảo cuộc thi, có 2 giám khảo là Chủ tịch Hội đầu bếp khu vực.

Kỹ sư Hồ Quang Cua “cha đẻ” giống lúa ST. 

Mỗi loại gạo đều có tỷ lệ nước/gạo (tính theo khối lượng) phù hợp khi nấu để có cơm ngon nhất. Theo khuyến cáo của chúng tôi gạo ST24 mới có tỷ lệ là 0,8kg/1 lít nước và ST25 là 0,9kg/1 lít nước. Nếu nấu thừa nước sẽ không có vị ngon và khó phân biệt giống này với giống khác. Trong cuộc thi ngày12-11-2019 tại Manila chúng tôi được yêu cầu nộp cho Ban giám khảo tỷ lệ nước/gạo phù hợp với mỗi loại gạo đăng ký thi để họ tự nấu. Thế nhưng kết quả là buổi xế ST24 là gạo ngon nhất, buổi chiều họ đổi lại quyết định là ST25.

Tuy nhiên không phải ai cũng thích gạo mềm, thơm, có người thích hạt cơm dẻ và có người thích hạt cơm khô. Việc chọn lựa rất phức tạp, rất chủ quan theo riêng mỗi người nên sau khi đi thi và đạt giải về, ông Nguyễn Ngọc Nam, Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam, đã khuyến cáo không nên phóng thích thêm giống mới, bởi nhiều quá sẽ làm khách hàng phân vân, khó chọn lựa.

Trong cùng một giống việc gieo trồng ở các khu vực khác nhau, phương thức canh tác khác nhau, thổ nhưỡng, khí hậu khác nhau đều đem lại gạo có chất lượng không giống nhau. Hiện nay chúng tôi đang làm thủ tục xin công nhận “Chỉ dẫn địa lý cho gạo thơm ST được gieo trồng ở vùng lúa - tôm nước lợ ÐBSCL”, nơi có tiềm năng gieo trồng đến 150.000ha và cho chất lượng cơm ngon nhất và có độ an toàn vệ sinh thực phẩm cao nhất” - Kỹ sư Hồ Quang Cua chiêm nghiệm.

Gạo giả danh tiếng ST25

Vụ lúa đông xuân 2019-2020 tại thị xã Ngã Năm có 500 công (50ha) lúa lương thực ST25 đang được gieo trồng tại khu vực. Thế là thương lái biết đến và đã tranh mua lúa lương thực làm giống bán. Nạn mua bán giống lúa giả, gạo giả xuất hiện làm loạn thị trường.

Kỹ sư Hồ Quang Cua giãi bày: Việc kinh doanh gạo ST25 chúng tôi đã tiến hành trước khi đoạt giải gần 2 năm dưới hình thức bán lẻ không thương hiệu. Chỉ sau khi đoạt giải quốc tế, đầu năm 2020 chúng tôi mới bắt đầu bán dưới dạng có thương hiệu và công việc này chậm trễ hơn những người làm hàng giả. Họ lấy nhóm gạo ST20, ST24… đóng túi mang tên ST25 và việc in túi giả này có cả ở nước Mỹ chứ không chỉ ở Việt Nam. Có doanh nghiệp lớn chuyên doanh gạo ST20 từ lâu nhưng không có tên giống trên bao bì nên bị người bán hàng online mua lại và quảng cáo là gạo ST25…(!).

Nói về chuyện hàng giả, Kỹ sư Hồ Quang Cua cho biết thêm: Có thời điểm cuối năm 2019, một bài báo đã phát hiện một nhà in ở cụm công nghiệp Cái Bè bán túi nylon in sẵn tên gạo ST24 và ST25 và dĩ nhiên là không có địa chỉ và bán khắp cả nước, người làm hàng giả chỉ việc mua túi có sẵn về đóng gạo vào và bán. Lúc này không ai biết hạt lúa ST25 là thế nào mà lại có gạo bán nên chắc chắn đó là hàng giả. Chúng tôi là chủ sở hữu giống lúa ST25 đang sản xuất giống nguyên chủng đang đợi cơ quan chức năng của Bộ NN&PTNT thẩm định mà thị trường lại có lúa giống ST25 bán thì đó là hàng giả.

“Trong giai đoạn đầu năm 2020, khi sản lượng gạo ST25 còn ít, chúng tôi chỉ ưu tiên phân phối cho các doanh nghiệp đã đồng hành lâu năm. Công ty Phương Nam là một trong các đối tác. Ðến nay qua vụ lúa đông xuân, lúa ST24 và ST25 đã có khá nhiều, việc đáp ứng nhu cầu thị trường đã tốt hơn nên không còn áp lực hút hàng” - Kỹ sư Hồ Quang Cua nói.

Bài, ảnh: HỮU ĐỨC

Chia sẻ bài viết