Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch vừa ban hành Thông tư 14/2024/TT-BVHTTDL quy định việc hạn chế sử dụng hình ảnh diễn viên sử dụng thuốc lá trong tác phẩm điện ảnh, sân khấu. Thông tư 14 này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 25-1-2025.
Tính ước lệ làm đẹp sân khấu cải lương. Trong ảnh: Một vở cải lương của Trung tâm Văn hóa Nghệ thuật tỉnh Ðồng Tháp được thiết kế cảnh trí đẹp.
Ðối tượng áp dụng của Thông tư 14 là tổ chức, cá nhân tổ chức biểu diễn nghệ thuật; tổ chức, cá nhân sản xuất phim, phát hành phim, phổ biến phim, phân loại phim; diễn viên tham gia trong tác phẩm điện ảnh, biểu diễn nghệ thuật; tổ chức, cá nhân khác liên quan trong tác phẩm điện ảnh, sân khấu. Theo đó, không sử dụng hình ảnh diễn viên sử dụng thuốc lá trong tác phẩm điện ảnh, sân khấu, trừ 2 trường hợp: Hoặc là nhằm mục đích phê phán, lên án các hành vi bị nghiêm cấm về hút thuốc lá theo quy định pháp luật; hoặc là nhằm mục đích nghệ thuật.
Về mục đích nghệ thuật, Thông tư 14 nêu 3 trường hợp được sử dụng hình ảnh diễn viên sử dụng thuốc lá trong sân khấu: khắc họa hình tượng nhân vật lịch sử có thật; tái hiện một giai đoạn lịch sử nhất định; phê phán, lên án hành vi sử dụng thuốc lá. Khi sử dụng thuốc lá nhằm mục đích nghệ thuật, diễn viên không thực hiện hành vi hút thuốc thật trên sân khấu. Ngoài ra, trường hợp phim có nhiều cảnh diễn viên sử dụng thuốc lá theo đánh giá của Hội đồng thẩm định, phân loại phim thì việc phổ biến phim phải được phân loại, cảnh báo theo quy định.
Thật ra, đây không phải là lần đầu có quy định về việc sử dụng hình ảnh diễn viên hút thuốc lá trong tác phẩm điện ảnh, sân khấu, mà Thông tư 02/2014/TT-BVHTTDL ngày 14-5-2014 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã quy định rất rõ vấn đề này. Tuy nhiên, nhiều đơn vị, cá nhân vẫn chưa thực hiện nghiêm.
Ðơn cử như với vai trò là Chủ tịch Hội đồng nghệ thuật Liên hoan Cải lương toàn quốc năm 2024 vừa qua, nhà viết kịch Nguyễn Sĩ Chức đã than phiền về vấn đề này. Dù đã có quy định, “vậy mà có nữ diễn viên ra giữa sân khấu châm lửa đốt điếu thuốc xì gà thiệt dài, rồi thản nhiên đứng thả khói lên trời trong gần chục phút đồng hồ…”, ông
Chức kể.
Không chỉ có chuyện hút thuốc lá, chuyện sử dụng rượu bia, “nói tục chửi thề” trên sân khấu cũng là điều đáng bàn. Dĩ nhiên, sử dụng như thế nào cho đúng quy định và phù hợp với tình huống tác phẩm nghệ thuật là ý thức của người làm nghề. Nhưng khó chấp nhận một tác phẩm sân khấu hay bộ phim mà cứ “quay qua quay lại” là uống rượu, nhậu nhẹt. Có nhân vật cứ mở miệng ra là chửi thề, nghe rất phản cảm.
Tính ước lệ là đặc tính rất hay của nghệ thuật nói chung, sàn diễn sân khấu nói riêng. Như với hát bội, màu gương mặt nói lên tính cách nhân vật, một chiếc chổi lông gà cũng có thể diễn tả thành con ngựa, một giọng cười giúp nhận biết người ngay - kẻ gian… Ðâu cần “tả thực” trắng trợn và sống sượng trên sân khấu. Ðâu cần phải phì phà thuốc lá trên sàn diễn mới lột tả được sự suy tư hay tính cách “bụi đời” và cũng đâu cần uống rượu, văng tục để khán giả biết nhân vật là “dân chơi”.