Truyện ngắn: Phạm Trung
Em năm nay bốn mươi lăm tuổi. Hơn hai mươi năm trước em lập gia đình rồi theo chồng về sống ở trên phố. Hàng chục năm loay hoay mưu sinh em lại quay về quê, sống ngay trên nền nhà mà tuổi thơ em lớn lên. Xung quanh đây toàn là dòng họ của em. Nhìn lại quãng đường đã qua, em nghĩ cuộc đời mình chẳng có gì khác, ngoài tuổi xuân sắc đi qua. Em ngày một già, mặt nám đen và hai bàn tay chai sần, đầy sẹo. Lần nào nghe bài hát "Khúc hát con sông quê" em cũng xốn xang. "
Qua nửa đời phiêu dạt, con lại về úp mặt vào sông quê
". Con sông ngày thơ em tắm cùng mấy đứa bạn, giờ thì gần cạn rồi, rác rưởi tùm lum. Em đã sống những ngày hạnh phúc với gia đình, những ngày đau đớn với chồng, những ngày bế tắc và thổn thức của hôm nay. Còn đắng cay gì ở đời này mà em chưa nếm đâu mấy anh. Em nghĩ cứ tìm nguồn vui để sống chắc em sống không được, nên em luôn ráng vui.
Gia đình em sống từ đời ông nội ở đất này. Cha em đi kháng chiến rồi gặp má em. Khi má sinh anh hai thì cha bị thương ở chân nên về nhà. Má em đẻ suốt. Năm một. Năm một. Năm một
cho đến khi cái bàn tròn của nhà em ngồi chật chỗ. Em lớn lên thì theo má đi cấy lúa thuê, đi bắt cá, bắc ốc... Nhà em ai cũng đẹp và chỉ có mình em là con gái. Lần nọ em đi cắt lúa mướn với má thì gặp chồng em. Ổng lúc đó là thợ hồ, đang làm nhà cho người chủ thuê má con em gặt lúa. Những lúc em và má ngồi nghỉ, ăn cơm thì ổng ngâm thơ. Ổng ca vọng cổ. Em mê hát lắm nhưng không có mê ổng. Má em thấy ổng siêng năng, tướng tá cao ráo nên nói em ưng đi. Em không chịu. Cắt hết mấy công lúa thì ổng biết chỗ nhà em ở. Mấy anh trai lập gia đình rồi ra riêng hết. Em chỉ còn mấy đứa em nheo nhóc. Em muốn ở với ba má. Nhưng má nói: "Lấy chồng có nhà ở thành phố, ít gì cũng không lội ruộng mà đi. Mày phải đi khỏi đây, đời tốt hơn con ơi!". Em khóc mấy đêm liền các anh à. Nói muốn sống với má, sống với mấy đứa em. Má nói phải đi. Từ đó về đây đâu có xa. Chẳng dễ gì tìm được người như nó. Thế là em lấy chồng.
Gia đình chồng em ở trên phố mà nhà vẫn là nền đất. Mùa mưa nước ngập từ đường vào nhà. Em đắp bao cát, em tát nước, quét nước đến mỏi tay. Không có nhà vệ sinh nên cả chục con người phải đi bộ gần nửa cây số, sang đi ké ở cái bệnh viện gần đó. Trời ơi! Khổ không chịu được nhưng em nhớ lời má, ráng tin rồi đời em sẽ tốt hơn. Về làm dâu có mấy bữa thì má chồng em gom hết vàng cho em lúc đám cưới. Em hỏi để làm gì vậy má. Má chồng em nói ở thành phố đeo vàng nhiều không tốt. Em tin. Cho đến bây giờ em cũng không thấy số vàng nó nữa. Mỗi lần má chồng em chửi oan là em vô buồng khóc chút xíu rồi thôi. Em tin chồng em. Nhưng khi thằng con em học tới cấp II thì ổng bắt đầu có vợ bé. Mọi niềm tin trong em sụp đổ.
|
|
Ổng làm thợ rồi lên thầu. Em tưởng đời em sung sướng. Nhưng làm có bao nhiêu tiền thì ổng gom hết. Em không có gì. Má chồng đuổi nên tụi em về đây sống. Ổng làm thầu, tiền nhiều vậy chứ có bao nhiêu là bao gái hết. Ổng làm thầu nhưng chưa bao giờ bàn với em chuyện cất lại căn nhà. Đây, các anh xem, mùa nước lên cánh đồng trước nhà em nước lênh láng rồi tràn vào nhà. Từ đây ra quốc lộ chỉ một cây số nhưng mưa thì nhà em ốc đảo. Khi biết chồng em có bồ, em tỉnh queo à. Vì gia đình ổng hầu như vậy. Hồi đó, khi cưới em, ổng giấu chuyện nhà ổng. Mấy ông anh và em ổng đều bồ bịch như vậy. Hồi đó, em về làm dâu, thấy trên bàn thờ nhà chồng em có tấm ảnh thờ. Em hỏi thì má chồng em nói đó là ảnh của ba chồng em, đã hy sinh trong kháng chiến. Sau này em mới biết đó là chồng trước của má chồng em. Còn ba ruột của chồng em vẫn còn sống. Ổng theo vợ bé nên không ai muốn nhắc. Vậy mà hơn mười năm trời sống ở đó em mới biết. Biết vậy nên em không buồn nhiều chuyện của chồng em.
Em theo cái nghề phụ hồ này từ ngày thằng con em mới năm tháng tuổi. Các anh tin không? Đã gần hai chục năm rồi. Lúc mới theo nghề em nghĩ mình không thể ăn bám chồng hoài nên thằng con mới mấy tháng là em dứt sữa. Bưng gạch, trộn hồ, lắp dàn giáo
em làm được hết. Hồi đó tiền công mỗi ngày chỉ mười mấy ngàn đồng thôi. Bây giờ thì hơn cả chục lần rồi. Em nghĩ chỉ đỡ dần cho chồng nhưng làm riết rồi quen. Mấy chục năm qua, em sống nhờ cái nghề này. Bây giờ làm phụ hồ đỡ hơn xưa, thu nhập cao hơn. Em là phụ nữ nên mấy anh làm chung cũng lựa cho việc nhẹ. Mà việc nhẹ thì không nhiều nên có tháng em chỉ làm độ chục bữa. Nhà em ở xa nên bữa nào đi làm là em thức dậy sớm nấu cơm ăn, rồi mang theo. Các anh nghĩ xem, tiền công hơn một trăm ngàn mà ăn ở tiệm ba buổi mỗi ngày thì đâu còn gì. Rồi tiền xăng xe nữa. Em có chiếc xe cà tàng, mua chịu mấy năm nay vẫn chưa trả nổi. Nhiều người nói mười lăm ngàn đồng bây giờ chỉ đủ ăn sáng. Em dùng mười lăm ngàn để đi chợ nấu ăn cho cả ngày. Buổi trưa mấy anh chị làm chung tìm quán cà phê ngồi, nằm, còn em tìm chỗ nào mát mát rồi vật vựa cho giờ đến làm. Em tiết kiệm lắm, ráng dành được vài trăm mỗi tháng phòng khi ốm đau. Em cũng còn thiếu nợ tiền xây nhà
Năm rồi, chính quyền địa phương biết hoàn cảnh em đơn chiếc, khó khăn nên hỗ trợ em mấy chục triệu đồng làm cái nhà. Em mừng rơi nước mắt. Hai phần ba đời người em chưa bao giờ có số tiền lớn như vậy. Em làm ngày nào ăn ngày nấy thì làm gì có tới mấy chục triệu. Mấy anh ở trên phường còn cho người xuống phụ em làm nhà. Em cảm động lắm. Nhưng mấy chục triệu thì không làm đủ làm cái nhà. Vậy là em bung sức để bù tiền công. Bữa nào thợ nghỉ thì em đi làm để kiếm tiền. Thợ làm thì em theo phụ. Các anh thấy con đường từ lộ lớn vào nhà em rồi đó. Lầy vậy mà toàn bộ cát, đá, xi măng
xây căn nhà này em tự đẩy vô bằng cái xe cút kít. Em sợ thuê người ta lại tốn tiền, rồi không có tiền trả. Mấy đứa em trai của em đều là thợ hồ, phụ hồ. Tụi nó phụ em nhiệt tình lắm. Đi làm về, tụi nó ăn cơm xong là qua phụ em. Nhưng phụ tới chín, mười giờ tối thì tụi nó cũng phải ngủ để mai có sức đi làm nuôi vợ con chứ. Thế là em bật đèn làm tới khuya. Mấy chục năm theo nghề phụ hồ em cũng có chút kinh nghiệm. Thợ làm dang dở phần nào em biết thì em làm thêm. Kệ. Xấu thì xấu chứ chỗ heo hút này không quan trọng, không ai dòm. Quan trọng là em tiết kiệm được tiền. À, cái nhà là do một tay em sơn đó. Không đẹp như thợ lành nghề nhưng cũng coi được.
Thằng con em xuất ngũ về thấy cái nhà thì khoái lắm. Nó hỏi tiền đâu mà mẹ làm cỡ này. Em kể xong, nó khóc như con nít các anh à. Em chỉ có mình nó thôi. Hồi sống với chồng vất vả, bị đối xử tệ bạc vậy chứ em luôn ráng lo cho nó đi học. Em sợ nó dốt rồi khổ như em. Em kêu nó ráng học lên, vậy mà xong cấp III thì nó nói thích đi bộ đội. Em thấy vậy nên cũng động viên nó đi luôn. Em ở nhà một mình nên nhớ nó lắm. Lâu lâu, em lên đơn vị thăm nó. Chồng của em cũng lên thăm nó, nhưng ổng tránh mặt em hoặc em tránh mặt ổng. Em không thích gợi chuyện cũ, không thích nhớ những đau buồn. Thiệt tình là tụi em chưa có ly hôn. Không phải vì em muốn níu kéo đâu mà vì thằng con em. Nó bảo mẹ đừng đồng ý. Mẹ ly hôn mai mốt con quen bạn gái, nhà bạn con biết thì ai dám gả. Nó nói cũng có lý nên em không đồng ý, dù ổng đòi ly hôn dữ lắm.
Thằng con em đi bộ đội về cũng đã xin được chỗ làm cũng ổn định. Em bảo nó đi học nghề đi. Nó nói con đi học nghề thì ai ở nhà giúp mẹ, đi học thì tiền đâu mà sống vì phiếu học nghề chỉ miễn học phí thôi. Nó mới đi làm nên chưa giúp gì cho em nhiều đâu. Hình như nó mới có bạn gái, chắc cũng tốn kém lắm. Em không biết con bé kia khi biết hoàn cảnh của nhà em thì có đồng ý lấy nó không. Nhưng em tin ở đời lắm người tử tế. Nồi nào cũng có vung nấy chứ mấy anh. Em cũng chẳng biết khuyên nó thế nào. Em chỉ nói nó ráng sống tốt, sống bằng sức lao động là được. "Nghèo cho sạch, rách cho thơm", phải không các anh? Riêng bản thân em à? Em chỉ biết ráng đi làm, để trả nợ tiền hồi xây cái nhà còn thiếu. Em không có trông chờ con em giúp đỡ đâu. Trả nợ xong, có tiền em sẽ nuôi gà, vịt. Cái ruộng hoang trước nhà em mênh mông, nuôi ít gì cũng cả trăm con vịt. Trên bờ thì em thả gà. Chắc hai khoản đó cũng đủ cho em sống qua ngày. Đời em như vậy là vui rồi. Còn căn nhà này thì dành cho thằng con em. Em chỉ có mình nó, thương nó nhiều nhất, các anh à!
*
* *
Người đàn bà phụ hồ ngoài 40 tuổi với gương mặt in hằn sự cơ cực, vất vả của những năm tháng lăn lộn trên các công trường, đang kể về cuộc đời mình. Chị kể lúc đang làm, khi nghỉ trưa, lúc dừng tay uống vội ly nước
Cứ thế, câu chuyện được chắp nhặt lại như những mảnh đời vụn vỡ của chị. Cũng may mà đời chị còn có thằng con, còn có quê, có nhà, có dòng họ để về
cũng như những mẩu chuyện vụn vặt của chị còn có chất kết dính để tạo nên câu chuyện với một cái kết chưa hẳn là ngọt ngào nhưng cũng đủ để hy vọng.