01/06/2013 - 08:40

Vụ cậu bé Trung Quốc khắc tên lên đền cổ Ai Cập

Chuyện lớn từ những nét vẽ nguệch ngoạc

Ngày 24-5, một bức ảnh chụp dòng chữ viết nguệch ngoạc mà cậu bé người Trung Quốc vẽ lên bức phù điêu của một trong những ngôi đền thờ các Pharaoh (vua Ai Cập cổ đại) của Ai Cập lan truyền trên các phương tiện truyền thông xã hội Trung Quốc làm dấy lên sự phẫn nộ của dân chúng nước này. Ở Ai Cập, các câu hỏi được đặt ra: Tại sao và như thế nào, Chính phủ không bảo vệ được những ngôi đền cổ, những ngôi mộ và kim tự tháp-các di sản hàng năm thu hút hàng triệu khách du lịch? Và làm sao một hành động phá hoại, như trường hợp của Ding, lại không bị phát hiện trong khoảng thời gian lâu như thế?

Hành động phá hoại và hình ảnh Quốc gia

 Dòng chữ Trung Quốc “Ding Minhao đã ở đây” khắc trên bức phù điêu của đền Luxor, thành phố Luxor, Ai Cập. Ảnh: AP

Cha mẹ của Ding cho biết cậu đã làm điều ấy trong chuyến đi thăm các đền thờ Ai Cập cách đây vài năm. Cậu bé viết nguệch ngoạc "Ding Minhao đã ở đây" lên một trong các phù điêu tại đền Luxor, ngôi đền được Pharaoh Amenhotep III xây dựng khoảng 3.500 năm trước đây và được UNESCO liệt kê vào danh sách các di sản trên thế giới. Vào những thời điểm náo nhiệt, mỗi ngày có hàng ngàn du khách thăm viếng các công trình cổ, nên việc có du khách nào đó vẽ nguệch ngoạc lên di sản cũng không đáng ngạc nhiên. Mặc dù việc cha mẹ đã không trông coi con mình cẩn thận để chúng thực hiện hành vi phá hoại là đáng lo ngại, nhưng sự phá hoại di sản thế giới này bị phớt lờ trong một thời gian rất dài như vậy là đáng báo động hơn.

Theo Tân Hoa Xã, đây là hành động bôi nhọ hình ảnh đất nước, gây căm phẫn cho toàn dân tộc. Tờ báo viết rằng "hiện tượng các khách du lịch Trung Quốc để lại các hình vẽ nguệch ngoạc rất phổ biến, việc làm này gây tổn hại các di tích lịch sử và thể hiện sự yếu kém về giáo dục và hành vi". Hồi tháng 4 năm nay, theo thống kê của Tổ chức Du lịch Thế giới của Liên Hiệp Quốc, Trung Quốc lần đầu tiên trở thành nguồn du lịch quốc tế lớn nhất với 83 triệu người Trung Quốc du lịch nước ngoài năm ngoái và chi tiêu 102 tỉ USD trong quá trình này, tăng 8 lần so với thập kỷ trước. Tuy nhiên, cũng không ít du khách Trung Quốc có thái độ và hành vi mà báo chí nước này phê phán là "làm xấu hình ảnh quốc gia".

Nguy hại hơn cả những hình vẽ nguệch ngoạc

Theo quan điểm từ phía Ai Cập, bị vẽ nguệch ngoạc chỉ là vấn đề tối thiểu đối với các cổ vật ở Karnak - tương tự như việc một nhóm người Nga tự ý leo lên các kim tự tháp Giza và đã chụp một số hình ảnh cách đây vài tháng. Lo ngại hơn rất nhiều là hiện tượng cướp bóc tràn lan ở những địa điểm ít nổi tiếng của Ai Cập cùng với sự mất ổn định về an ninh kể từ khi tổng thống Hosni Mubarak bị lật đổ hai năm trước đây. Kim tự tháp Dahshour - ngôi mộ cổ 4.500 năm tuổi, cùng phức hợp các kim tự tháp khác cũng bị tổn hại nặng nề.

Vô tình tham dự "một truyền thống lâu đời"?

Có ý kiến cho rằng, cậu bé Trung Quốc vẽ nguệch ngoạc lên các di sản đã tham gia "một truyền thống lâu đời"- phá hoại các công trình kỷ niệm của Ai Cập. Những kẻ phá hoại lâu đời nhất có lẽ chính là các Pharaoh, những người có thói quen phá hoại những ngôi mộ của người tiền nhiệm đã chết, gạch xóa đi các tước hiệu và thường thay thế chúng bằng tên riêng của họ. Khi người Hy Lạp đến Ai Cập, họ đã vẽ nguệch ngoạc lên các di tích, những người La Mã cũng làm như vậy. Các tín đồ Cơ đốc giáo đầu tiên của Ai Cập đã viết tên của họ và vẽ những bức tranh thô sơ trên những ngôi đền cổ vĩ đại, các binh lính Pháp trong cuộc viễn chinh của Napoleon đến Ai Cập vào cuối thế kỷ 18 và người Anh sau đó cũng làm như vậy. Các hình vẽ nguệch ngoạc trên các di sản cũng là đề tài nghiên cứu phổ biến của các nhà sử học và khảo cổ học.

Tất cả điều trên dường như cho thấy, cậu bé Ding đã vô tình tham gia "một truyền thống" có từ thời xa xưa, mặc dù đó cũng là một sự tàn phá các di sản văn hóa.

THÚY VY (theo AP)

Chia sẻ bài viết