Bóng đá vốn được xem là môn "thể thao vua", được hàng triệu người hâm mộ trên thế giới say sưa theo quả bóng tròn. Chẳng phải đến bây giờ mà hơn một thế kỷ trước, bóng đá với tên gọi "túc cầu" hay "bóng tròn" cũng rất được yêu thích. Miền Nam nói chung, Cần Thơ nói riêng là nơi sinh ra những đội bóng và "túc cầu viên" danh tiếng, làm rạng danh làng túc cầu một thuở.
Đội túc cầu người Việt đầu tiên
Qua nhiều tài liệu cũ mà chúng tôi có được, túc cầu do người Pháp mang vào Việt Nam từ những năm đầu của thế kỷ XX. Cụ thể, ông Breton, giám đốc một hãng buôn đã mang túc cầu đến Sài Gòn vào khoảng năm 1905- 1906, phổ biến "luật bóng tròn" cho người chơi. Cũng chính Breton đứng ra thành lập câu lạc bộ thể thao với tên gọi CSS. Kể từ năm 1909, phong trào chơi bóng tròn rất thịnh hành, lần lượt có nhiều hội ở miền Nam như Paulbert, US Cholonnaise, Gò Vấp
ra đời.
|
Đội banh Saigon Sport năm 1921. Ảnh: Nguyễn Đức Hiệp (sưu tầm) |
Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Đức Hiệp trong công trình "Sài Gòn Chợ Lớn- thể thao và báo chí trước 1945", đội banh người Việt đầu tiên được thành lập là Gia Định Sports vào năm 1908 (trước đó đã có những đội banh của người Pháp). Gia Định Sports do ông Ba Vẽ thành lập, sau đó ông Nguyễn Phú Khai làm hội trưởng. Những túc cầu viên thời này có Paul Thi, Huyện Thơm, Louis Gồng, Lucien Hộ, Mùi, Pierre Đại. Trong đó, Pierre Đại làm thủ môn. Ít lâu sau, Gia Định Sports sáp nhập với Hội banh Étoile Bleue (Ngôi sao Xanh), cũng của người Việt, do ông Huyện Trị sáng lập, lấy tên Ngôi Sao Gia Định- Étoile de Giadinh. Như vậy, có thể xem các ông: Ba Vẽ, Nguyễn Phú Khai, Nguyễn Đình Trị là những người sáng lập ra nền túc cầu Việt Nam. Dù tiếp thu môn thể thao từ nước Pháp, song các ông đã tạo nên một môn túc cầu của người Việt, mang bản sắc Việt. Sau đó, Tổng Cuộc các hội banh của người Việt ra đời, do ông Huyện Trị làm chủ tịch (có thể hiểu như Chủ tịch Liên đoàn Bóng đá Việt Nam ngày nay).
Hội túc cầu Ngôi sao Gia Định có sân đá trước Lăng Ông Tả quân Lê Văn Duyệt, từng đoạt nhiều cúp vô địch, nhưng đáng chú ý nhất là ngôi vương tại Giải vô địch Nam kỳ (Championnat de Cochinchine)- chiến thắng trước các đội banh "hạng nặng" của người Pháp. Nhà văn Sơn Nam trong cuốn "Đồng bằng sông Cửu Long- nét sinh hoạt xưa", kể rằng, cầu thủ bóng tròn hạng giỏi được đồng bào rất ái mộ, từ thành thị tới tận miền quê. Tuy chưa gặp mặt, song ai đá hậu vệ hay thủ thành giỏi cũng được gán cho những "biệt hiệu" như "Gôn Tịnh, a-de Xường"- tức hậu vệ Xường và thủ môn Tịnh nổi danh của hội Ngôi sao Gia Định từ trước năm 1928. Nhà văn Sơn Nam cũng thông tin, đầu thế kỷ XX, cầu thủ Sài Gòn từng đi Tịnh Châu (Singapore) du đấu, "chạm trán" Mã Lai (tức Malaysia) và Băng Cốc (Thái Lan).
|
Tờ An Hà báo số 799 với bài tường thuật về cuộc giao đấu giữa đội banh nữ Cái Vồn với đội banh Trường Võ Văn. Ảnh: DUY KHÔI |
Nhà nghiên cứu Nguyễn Đức Hiệp trong "Sài Gòn Chợ Lớn- thể thao và báo chí trước 1945" thông tin thêm, làng túc cầu thuở xưa cũng có nhiều cuộc đá banh gây quỹ từ thiện. Tiêu biểu như trận banh giữa Ngôi sao Gia Định và Victoria Sportif trên sân Maurice Long (Tao Đàn) ngày 26-9-1926; hay trận giữa hai đội banh Bentre Sport và Gocongnais Sportif vào chiều 3-10-1926 để cứu trợ nạn nhân thiên tai ở Bắc kỳ. Có câu chuyện vui là từ những trận banh này, nhiều người đã ủng hộ, trong đó có các gánh hát. Các ông bầu gánh tổ chức "gala" để góp quỹ. Gánh Phước Cương (thân sinh của NSND Kim Cương) có buổi "grande soirée de gala" ở rạp Modern Cinéma tối 1-5-1927 với sự góp mặt của danh ca cô Năm Nhỏ, cô Năm Sa Đéc để góp quỹ cho đội Ngôi sao Gia Định. Năm 1966, để cổ vũ đội tuyển miền Nam Việt Nam sang Malaysia du đấu, đoàn Dạ Lý Hương đã mời các túc cầu viên đến xem cải lương, xem như lời chúc mừng. Buổi diễn cũng là khởi đầu mối tình giữa cô đào Bạch Tuyết và chàng cầu thủ thiện nghệ Tam Lang.
Túc cầu miền Tây
Không thua đất Sài Gòn Chợ Lớn, miền Tây sông nước những năm đầu thế kỷ XX cũng phát triển phong trào túc cầu rầm rộ. Miệt sông Tiền, được biết đến sớm là hội đá banh Cao Lãnh, thành lập khoảng năm 1918. Theo nhà văn Sơn Nam, hội banh Cao Lãnh rất chịu khó giao đấu tại nhiều tỉnh như Sa Đéc, Long Xuyên, Châu Đốc, Rạch Giá
cũng như những thị trấn sầm uất ven sông Cái, tàu Lục tỉnh, tàu Nam Vang qua lại, neo đậu nhiều như Tân Châu, Hồng Ngự, Cái Bè, Mỹ Luông
Phía bờ sông Hậu, đội banh Tân Châu cũng từng trứ danh một thuở. Túc cầu viên chủ yếu là giáo viên, thợ may, thợ nhuộm và đặc biệt là đã có cách "chuyển nhượng cầu thủ" từ những túc cầu viên thiện xạ ở Nam Vang. Đội túc cầu Tân Châu đá giao hữu với nhiều đội banh mạnh ở khu vực như Long Xuyên, Sa Đéc, Hồng Ngự, Cao Lãnh
và Ba Nam (thuộc Campuchia bây giờ). "Môn bóng đá phổ biến nhanh, trở thành vấn đề thể diện của từng xã"- nhà văn Sơn Nam nhận định trong "Đồng bằng sông Cửu Long- nét sinh hoạt xưa". Cũng theo nhà Nam bộ học Sơn Nam, năm 1933, hội banh Tân Châu đã mời hội bóng tròn nữ Cái Vồn (lúc bấy giờ thuộc Cần Thơ) tới Tân Châu thi đấu. Rất tiếc là cụ không "bật mí" tỉ số của trận giao hữu này. Vậy, đội banh nữ Cái Vồn của Cần Thơ ra sao mà lại "cả gan" so kè với phái mày râu?
Xin thưa, đó không chỉ là đội banh nữ Việt Nam đầu tiên mà còn đội bóng đá nữ đầu tiên của cả châu Á. Đội banh do Bác vật nông học Phan Khắc Sữu thành lập từ năm 1933, từ tinh thần chuộng thể thao và ý tưởng tiến bộ "nam nữ bình quyền". Đội banh là những nữ thanh niên "tốt tướng", khỏe mạnh và mê thích cuộc chơi với trái banh tròn. Đội giao hữu với các đội banh nam như Mỹ Thuận (Cần Thơ), Tân Định (Sài Gòn), Tân Châu
và hầu hết đều chiến thắng. Phải chăng các nam túc cầu viên đã không nỡ vào banh mạnh dạn với những "bóng hồng trên sân cỏ"?
Chúng tôi đã sưu tầm được một bài báo "lãnh vực thể thao" trên tờ An Hà báo, số 799, ấn hành năm 1933. Bài báo tường thuật trận giao hữu của đội banh nữ Cái Vồn và đội banh nữ Trường Võ Văn tại sân banh Tham Tướng vào ngày 2-7-1933 với tựa đề "Thuở nay chưa có đội túc cầu toàn là nữ ra mặt tại sân banh Tham Tướng (Cantho)". Tác giả bài báo loan tin: "Mấy hôm rày từ thành thị đến thôn quê, đâu đâu cũng nô nức mong cho mau tới ngày Chủ nhựt 2 Juillet đặng xem một hội banh toàn là nữ của bên Trà Kiết (Cái Vồn) với đội banh Trường Võ Văn, ở Saigon báo đăng tin cho hay trước. Ngày Chủ nhựt 2 Juillet quả có hội banh phụ nữ ra mắt tại sân Tham Tướng. Thiệt là phụ nữ đả tiếng mạnh một bước trên con đàng thể dục rồi vậy" (phần trích dẫn đúng nguyên văn chính tả và chữ dùng trên An Hà báo). Tác giả bài báo miêu tả, ông Bác vật Sữu khệnh khạng dẫn đầu đội ra sân, theo sau là 11 "chiến tướng" đồng phục: "chơn mang giày trắng, quần cụt, áo trắng bâu lật dài gần phủ quần, đầu thắt lục màu đọt chuối (bandeau), dây nịch bằng vải màu xanh" đi giáp vòng sân chào khán giả. Tác giả bật mí kết quả trận đấu là "huề nhau". Đến năm 1938, do một số túc cầu viên lập gia đình, bận việc nhà, không có người tham gia nên đội túc cầu nữ Cái Vồn tan rã. Dù tồn tại khoảng 5 năm, song đó là dấu ấn đáng ghi nhận của thể thao Việt Nam.
Những năm 1930-1949, Cần Thơ còn xuất hiện nhiều đội banh nam ở Cái Răng, Đầu Sấu, Phong Điền, Bình Thủy
với những giải bóng đá giao hữu sôi động, được báo chí thuật lại. Rõ ràng cùng với miền Tây, Cần Thơ những năm đầu thế kỷ XX đã góp phần làm rỡ ràng cho làng túc cầu cả nước. Nhưng quan trọng, sự phát triển của môn túc cầu còn cho thấy tinh thần chuộng thể thao, năng động tiếp thu cái mới của người Cần Thơ.
Tài liệu tham khảo:
- Sơn Nam, Đồng bằng sông Cửu Long- nét sinh hoạt xưa, NXB TP Hồ Chí Minh, 1985;
- Nguyễn Đức Hiệp, Sài Gòn Chợ Lớn- thể thao và báo chí trước 1945, NXB Văn hóa- văn nghệ, 2016.