01/12/2020 - 09:30

Chuyển hóa thách thức thành cơ hội để ĐBSCL phát triển 

Trong quá trình góp ý xây dựng dự thảo Quy hoạch vùng ĐBSCL thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 do Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) chủ trì thực hiện, các chuyên gia, các nhà khoa học đánh giá vùng ĐBSCL đã đạt được nhiều kết quả rất ấn tượng nhưng vẫn chưa tương xứng với lợi thế, tiềm năng hiện có và sẽ gặp nhiều khó khăn để duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế trong tương lai. Vì thế, chuyển hóa thách thức thành cơ hội nhằm tạo ra động lực tăng trưởng mới là yêu cầu cấp thiết được xác định trong khung định hướng quy hoạch phát triển của vùng ĐBSCL.

Một góc cảng  Tân Cảng - Cái Cui  TP Cần Thơ.

Một góc cảng Tân Cảng - Cái Cui  TP Cần Thơ.

Tìm cơ hội mới

Theo Bộ KH&ÐT, Quy hoạch vùng ÐBSCL thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 xem xét kế thừa những quan điểm, định hướng phát triển dài hạn đã được xác định trong Nghị quyết số 120/NQ-CP và dự thảo văn kiện Ðại hội Ðảng XIII để có lộ trình, bước đi cần thiết, phù hợp để đạt được tầm nhìn đó. Tầm nhìn đến năm 2050 của vùng ÐBSCL là: "Phát triển vùng ÐBSCL thành trung tâm kinh tế nông nghiệp bền vững, năng động và hiệu quả cao của quốc gia, khu vực và thế giới, trên cơ sở phát triển hệ thống các trung tâm đầu mối về nông nghiệp, các hành lang kinh tế; và chuỗi đô thị động lực, tập trung các dịch vụ và công nghiệp đa dạng, ứng dụng công nghệ cao với hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, thích ứng với biến đổi khí hậu, tăng cường kết nối nội vùng, trong nước và quốc tế; bảo tồn các tài nguyên, hệ sinh thái quan trọng của vùng; duy trì và tôn tạo bản sắc văn hóa độc đáo, đa dạng của các dân tộc; chất lượng nguồn nhân lực từng bước được nâng cao, đóng góp quan trọng vào sự phát triển thịnh vượng lâu dài của vùng".

Liên doanh Royal Haskoning DHV và GIZ là đơn vị tư vấn xây dựng Quy hoạch vùng ÐBSCL, thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Một trong những quan điểm phát triển cho vùng ÐBSCL được đơn vị tư vấn đưa vào dự thảo Quy hoạch là quan điểm về biến thách thức thành cơ hội. Ðây là quan điểm đã được nêu rõ trong Nghị quyết số 120/NQ-CP (ngày 17-11-2017) "Về phát triển bền vững vùng ÐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu". Theo đơn vị tư vấn, nhiều quốc gia thành công thường coi trọng phát triển vốn xã hội - con người do điều này đảm bảo mang lại lợi ích kinh tế và tăng trưởng lâu dài. Do đó, phát triển "thuận thiên" không nên dừng lại ở việc tận dụng một cách hiệu quả nhất các điều kiện tự nhiên để tăng trưởng kinh tế. Cần coi các thách thức này là động lực để chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng gia tăng hiệu quả và giá trị đối với các hoạt động phát triển, đặc biệt là các hoạt động phát triển ít phụ thuộc vào điều kiện tự nhiên. Trong đó chú trọng phát triển, khai thác có hiệu quả các nguồn lực khác của vùng như tài nguyên con người, thể chế, khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, nông nghiệp công nghệ cao, đô thị hóa và phát triển công nghiệp.

Tại hội thảo tham vấn các tỉnh, thành vùng ÐBSCL cho Dự thảo Quy hoạch vùng ÐBSCL thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Thứ trưởng Bộ KH&ÐT Trần Quốc Phương nhấn mạnh: ÐBSCL đang gặp phải thách thức của biến đổi khí hậu, sử dụng nguồn nước đầu nguồn, các vấn đề nội tại cần giải quyết, những khó khăn về cơ chế chính sách, nguồn lực, quy hoạch phân bố không gian phát triển... Tuy nhiên, ý kiến của các địa phương trong vùng đã làm toát lên cách tiếp cận mới khi nhìn nhận vùng ÐBSCL ở góc độ cơ hội phát triển chứ không phải là một vùng đầy rẫy những khó khăn. Ðây là những điều kiện hết sức quan trọng, đầu vào quan trọng để phân tích, tìm ra hướng đi hiệu quả hơn trong quy hoạch phát triển ÐBSCL trong thời gian tới.

Định hình không gian phát triển

Góp ý cho Dự thảo Quy hoạch vùng ÐBSCL thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, nhiều địa phương trong vùng ÐBSCL đề xuất các cơ chế chính sách ưu tiên phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, thủy lợi, giáo dục và đào tạo, y tế, ứng phó với biến đổi khí hậu, an ninh quốc phòng. Theo ông Lê Văn Sử, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau, Chính phủ có thể xem xét cho các tỉnh được áp dụng cơ chế ngân sách Trung ương cấp phát toàn bộ số vốn ODA đầu tư cho các dự án đầu tư xây dựng các công trình phòng, chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu theo quy định của Nghị định số 97/2018/NÐ-CP, vì đây là các dự án không trực tiếp sinh lời khi đầu tư. Còn theo ông Nguyễn Trung Hoàng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh, định hướng quy hoạch vùng ÐBSCL cần quan tâm đến phát triển kinh tế biển và ven biển, xây dựng và phát triển một vùng kinh tế biển phát triển năng động, gắn với khai thác luồng cho tàu biển có trọng tải lớn vào sông Hậu.

Quy hoạch vùng ÐBSCL lần này tạo ra một khởi đầu, cơ hội, định hướng phát triển mới cho các địa phương vùng ÐBSCL thông qua việc liên kết, sắp xếp, tổ chức lại không gian phát triển của vùng. Theo ông Nguyễn Văn Liệt, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long, ở quan điểm phát triển về hạ tầng thủy lợi, cần phải được xem xét thấu đáo để có phương hướng phát triển phù hợp. Phát triển hệ thống thủy lợi lâu nay là phải lớn, đa mục tiêu nhưng hiện nay cần xem lại phải phù hợp với phân vùng sản xuất sản phẩm nông nghiệp, phải cơ giới hóa được, phù hợp với kỹ thuật canh tác của các loại cây trồng, vật nuôi. Bên cạnh đó, phát triển hệ thống giao thông là rất quan trọng, đặc biệt là các nút giao thông giới hạn trên đường cao tốc sẽ cung cấp các vị trí thương mại chiến lược, hình thành các khu bán sỉ, trung tâm đầu mối. Vị trí, khoảng cách từ các nút giao này đến các cảng thủy nội địa, trung tâm đầu mối cần được chú trọng để đảm bảo hiệu quả phân phối, luân chuyển hàng hóa.

Quy hoạch vùng ÐBSCL xác định những định hướng và ưu tiên phát triển rõ ràng của toàn vùng và từng tiểu vùng, tạo cơ sở để các địa phương trong vùng có phương hướng để nâng cao liên kết, cùng hướng tới mục tiêu phát triển chung. Bên cạnh đó, liên kết phát triển vùng cũng đòi hỏi việc các nguồn lực của vùng, các địa phương trong vùng phải được định hướng phân bổ có tính chiến lược và tập trung theo các hành lang kinh tế chính trên cơ sở các trục, tuyến giao thông huyết mạch kết nối nội và ngoại vùng và phải phù hợp với thị trường trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập kinh tế quốc tế.

Theo Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Trần Quốc Phương, Quy hoạch vùng ĐBSCL cần có những chính sách gợi mở hơn và linh hoạt hơn để việc triển khai các hoạt động, nhiệm vụ trong quy hoạch đạt hiệu quả. Do đó, Bộ KH&ĐT yêu cầu đơn vị tư vấn tiếp thu các ý kiến đề xuất, chỉnh sửa hoàn thiện thêm trong dự thảo Quy hoạch vùng ĐBSCL giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Các địa phương cần bám sát tiến độ, yêu cầu xây dựng Quy hoạch vùng ĐBSCL để đóng góp chung vào quá trình hoàn chỉnh dự thảo quy hoạch. Để khi cấp có thẩm quyền phê duyệt phải đảm bảo tính phù hợp và đồng thuận cao, đảm bảo chất lượng, hiệu quả quy hoạch, phục vụ cho sự phát triển chung của vùng ĐBSCL trong thời gian tới.

Bài, ảnh: MINH HUYỀN

Chia sẻ bài viết