01/07/2023 - 11:27

Chuyển đổi số mạnh mẽ hơn trong cơ sở giáo dục đại học, cao đẳng 

Bài, ảnh: B.Kiên

Tại TP Cần Thơ, nhiều trường đại học (ÐH), cao đẳng (CÐ) đẩy mạnh chuyển đổi số (CÐS) trong hoạt động quản lý, đào tạo và bước đầu mang lại hiệu quả tích cực. Ðể công tác này đi vào chiều sâu và phát huy hiệu quả toàn diện, đòi hỏi sự đầu tư đột phá về nguồn lực, cơ chế chính sách… cho các trường. Những vấn đề này được các nhà khoa học, chuyên gia luận bàn tại Hội thảo vấn đề CÐS trong cơ sở GDÐH, CÐ TP Cần Thơ năm 2023, do Trường ÐH Kỹ thuật - Công nghệ Cần Thơ vừa tổ chức.

Sinh viên Trường CĐ Nghề Cần Thơ ứng dụng công nghệ thông tin vào việc học.

Nỗ lực và kết quả bước đầu

Là trường ÐH trực thuộc UBND TP Cần Thơ, được thành lập năm 2013, Trường ÐH Kỹ thuật - Công nghệ Cần Thơ xác định trách nhiệm tiên phong triển khai CÐS trong GDÐH, góp phần thực hiện thành công Ðề án “Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và CÐS trong giáo dục và đào tạo giai đoạn 2022-2025, định hướng đến năm 2030” theo Quyết định số 131/QÐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ; Chương trình “Phát triển nền tảng số quốc gia phục vụ CÐS, phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số” theo Quyết định số 186/QÐ-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông; Nghị quyết số 02-NQ/TU của Thành ủy Cần Thơ về CÐS TP Cần Thơ đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Theo NGND.PGS.TS Huỳnh Thanh Nhã, Hiệu trưởng Trường ÐH Kỹ thuật - Công nghệ Cần Thơ, CÐS tạo ra những cơ hội rộng mở cho công tác nghiên cứu và phát triển GDÐH. Các công nghệ mới như Trí tuệ nhân tạo, Thực tế ảo, Học sâu… mở ra hướng phát triển mới cho nghiên cứu và ứng dụng trong lĩnh vực giáo dục. Nhờ CÐS, các nhà nghiên cứu có thể phân tích dữ liệu lớn, phát triển các mô hình dự đoán, kiến tạo các mô hình học tập dựa trên nhu cầu và năng lực của sinh viên.

Xác định tầm quan trọng của CÐS cũng như thực hiện Kế hoạch số 241/KH-UBND của UBND TP Cần Thơ về CÐS Cần Thơ đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, Trường ÐH Kỹ thuật - Công nghệ Cần Thơ đã triển khai nhiều hoạt động thúc đẩy CÐS. Ðó là: tích cực tuyên truyền chính sách CÐS của Chính phủ, của TP Cần Thơ; thành lập Ban chỉ đạo CÐS của trường; giao nhiệm vụ Khoa Công nghệ thông tin chủ trì đề tài nghiên cứu khoa học Giải pháp CÐS của Trường ÐH Kỹ thuật - Công nghệ Cần Thơ đến 2025 theo hướng tiếp cận CÐS của thành phố, phối hợp các đơn vị đề xuất giải pháp CÐS, tham mưu xây dựng kế hoạch CÐS đến năm 2025 tầm nhìn đến năm 2030 của trường…

TS Trương Minh Nhật Quang, Phó Hiệu trưởng Trường ÐH Kỹ thuật - Công nghệ Cần Thơ, cho biết nhà trường còn tích cực sử dụng các ứng dụng nền tảng số công cộng trong trao đổi thông tin, hội họp, giảng dạy, học tập trực tuyến, lưu trữ dữ liệu; khai thác các ứng dụng công nghệ thông tin nghiệp vụ (Hệ thống Quản lý công chức viên chức của Sở Nội vụ, Hệ thống HEMIS Quản lý GDÐH của Bộ Giáo dục và Ðào tạo, Hệ thống Bảo đảm chất lượng của cục Quản lý chất lượng; ứng dụng liên kết ngân hàng thu học phí sinh viên; thư viện số Tailieu.vn...) khá hiệu quả.

Theo đại biểu dự hội thảo, hơn 10 năm trước, các trường ÐH ở TP Cần Thơ đã triển khai số hóa một số hoạt động quản lý, đào tạo. Ðơn cử, năm học 2006-2007, các lớp học trực tuyến được thử nghiệm tại Khoa Công nghệ thông tin và Truyền thông (nay là Trường Công nghệ Thông tin và Truyền thông), Trường ÐH Cần Thơ. Hoặc triển khai các lớp học từ xa tại Trung tâm ÐH Tại chức Cần Thơ (nay là Trường ÐH Kỹ thuật - Công nghệ Cần Thơ). Năm 2021, Trường ÐH Cần Thơ đã ban hành Nghị quyết số 51/NQ-ÐU về “Ðẩy mạnh CÐS để phát triển Trường ÐH Cần Thơ theo hướng đại học thông minh”.

Ðối với các trường CÐ, hoạt động CÐS cũng được đẩy mạnh. Tại Trường CÐ Kinh tế - Kỹ thuật Cần Thơ, trong Nghị quyết Ðại hội Ðảng bộ trường nhiệm kỳ 2020-2025 có 3 chủ đề đột phá, trong đó thực hiện có hiệu quả mô hình KOSEN, 5S và ứng dụng công nghệ 4.0. Hiện nay, các khoa chuyên môn triển khai các phần mềm dạy và học trực tuyến, tổ chức biên soạn, thành lập ngân hàng đề thi, giáo án điện tử, giáo trình, tài liệu tham khảo, sử dụng phần mềm bốc đề thi đảm bảo trung thực. Trường đã thành lập Tổ Kỹ thuật - Truyền thông - Cải cách để phối hợp và hỗ trợ các phòng, khoa, trung tâm hoàn thành nhiệm vụ CÐS.

Giải pháp thúc đẩy CĐS giáo dục

Ths Nguyễn Hữu Thanh Bình, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TP Cần Thơ, cho biết: Hiện nay, CÐS tại TP Cần Thơ đang phát triển mạnh mẽ, đặc biệt là đổi mới giáo dục, đào tạo theo hướng tích cực, ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy và học tập, tăng khả năng tự học, tự nghiên cứu; tạo cơ hội học tập ở mọi lúc, mọi nơi và học tập suốt đời. Nhiều mô hình giáo dục thông minh, kho dữ liệu lớn chứa đựng khối lượng tri thức lớn được hình thành; các ứng dụng hỗ trợ học tập đa dạng, phong phú; ứng dụng công nghệ trong các cách thức liên hệ, tương tác giữa giáo viên, học sinh, nhà trường, gia đình, các chuyên gia… Tuy nhiên, CÐS trong các trường ÐH, CÐ tại TP Cần Thơ vẫn còn gặp nhiều khó khăn, thách thức.

Chẳng hạn, tại Trường ÐH Kỹ thuật - Công nghệ Cần Thơ, công tác CÐS của trường vẫn tồn tại một số khó khăn như nguồn ngân sách đầu tư cơ sở vật chất còn hạn chế, hạ tầng công nghệ thông tin chưa đầy đủ và đảm bảo; do sử dụng nhiều ứng dụng công nghệ thông tin từ nhiều nguồn khác nhau nên thiếu tính liên thông về hệ thống, việc đồng bộ dữ liệu gặp rất nhiều khó khăn, trở ngại. Các nguồn học liệu số chưa được xây dựng một cách hệ thống, chưa kiểm soát chặt chẽ, chưa đáp ứng nhu cầu quản lý, giảng dạy của giảng viên, nhu cầu học tập của sinh viên…

Ðể giúp các cơ sở GDÐH trên địa bàn thành phố thực hiện thành công Kế hoạch 241/KH-UBND, theo TS Trương Minh Nhật Quang, Phó Hiệu trưởng Trường ÐH Kỹ thuật - Công nghệ Cần Thơ, TP Cần Thơ cần tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, xây dựng đội ngũ viên chức khoa học và công nghệ (KH&CN) có trình độ cao, chọn Trường ÐH Kỹ thuật - Công nghệ Cần Thơ làm nơi đầu tư trọng điểm; xây dựng và thực hiện chính sách đào tạo, bồi dưỡng, trọng dụng, đãi ngộ, tôn vinh; ban hành các chính sách khen thưởng, vinh danh các nhà khoa học có thành tích xuất sắc trong hoạt động KH&CN; đảm bảo điều kiện cơ sở vật chất về môi trường, hạ tầng công nghệ thông tin thuận lợi để đội ngũ KH&CN phát triển tài năng và hưởng lợi xứng đáng với giá trị lao động sáng tạo. Có chính sách thu hút chuyên gia KH&CN, các nhà khoa học trong nước và quốc tế về làm việc tại các cơ sở GDÐH, các viện nghiên cứu...

Trong bài tham luận của TS Hàng Sấm Nang, chuyên gia CÐS Quốc gia - Bộ KH&CN, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Công nghệ Supersoft, cũng cho rằng tại Việt Nam CÐS trong GDÐH đã được Bộ Giáo dục và Ðào tạo quan tâm nhưng vẫn còn chậm so với sự phát triển của xã hội. Giải pháp đẩy mạnh CÐS trong GDÐH, CÐ của TS Hàng Sấm Nang là: Cần đầu tư, cải thiện cơ sở hạ tầng công nghệ như cung cấp hệ thống mạng Internet nhanh, ổn định, phủ sóng rộng rãi trong khuôn viên trường, đảm bảo đủ tài nguyên máy tính và phần mềm hỗ trợ học tập và nghiên cứu. Kế đến là xây dựng phát triển nội dung số phong phú, chất lượng cao để đáp ứng nhu cầu học tập và nghiên cứu của sinh viên. Nội dung đó có thể là các bài giảng trực tuyến, tài liệu điện tử, phần mềm mô phỏng và các ứng dụng di động giáo dục. Cần khuyến khích giảng viên và nhà nghiên cứu tham gia vào việc sản xuất và chia sẻ nội dung số chất lượng cao. Bên cạnh đó, đào tạo và nâng cao năng lực công nghệ thông tin; xây dựng hệ thống quản lý học tập và đánh giá trực tuyến.

Theo TS Nguyễn Việt Hùng, Trường ÐH Tây Ðô, quá trình tiếp cận kiến thức trực tuyến ở vùng xa thành phố còn nhiều khó khăn; các quy định pháp lý chuyên về giáo dục vẫn chưa được hoàn thiện… Giải pháp thúc đẩy CÐS trong giáo dục ở Việt Nam hiện nay phải có chiến lược mang tính dài hạn, có lộ trình cụ thể. Ví dụ như nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của việc CÐS trong giáo dục; hoàn thiện cơ sở dữ liệu giáo dục; xây đựng hạ tầng mạng, thiết bị công nghệ; hoàn thiện về hệ thống pháp lý và ứng dụng các phần mềm quản lý…

TS Nguyễn Việt Hùng cho biết: CÐS trong cơ sở GDÐH cần được xem là giải pháp lâu dài mang tính chiến lược, gắn với những cải cách mạnh mẽ, triệt để trong giảng dạy, học tập và quản lý đào tạo, chứ không phải là giải pháp tình huống ứng phó với COVID-19. Trong CÐS, quan trọng nhất không phải công nghệ, cũng không phải đầu tư kinh phí mà chính là quyết tâm chính trị cao nhất của người đứng đầu cơ sở giáo dục và nhận thức sẵn sàng thay đổi của đội ngũ viên chức giảng viên trong các nhà trường.

Chia sẻ bài viết