09/03/2024 - 10:57

Chuyển đổi số góp phần nâng cao chất lượng giáo dục 

Nhiều năm qua, Ngành Giáo dục và Ðào tạo (GD&ÐT) TP Cần Thơ đã đầu tư các nguồn lực, phối hợp nhiều đơn vị thực hiện giải pháp công nghệ trong hoạt động quản lý, dạy và học. Từ đó góp phần quan trọng nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động GD&ÐT.

Sở GD&ĐT TP Cần Thơ ra mắt Trung tâm Điều hành Giáo dục thông minh vào tháng 11-2023. 

Ông Trần Thanh Bình, Giám đốc Sở GD&ÐT TP Cần Thơ, cho biết trước yêu cầu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và định hướng phát triển của ngành GD&ÐT cả nước, ngành đã cụ thể hóa chủ trương chuyển đổi số (CÐS), ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT), sử dụng các phương tiện hỗ trợ CNTT truyền thông và các phương tiện khác trong quản lý và hỗ trợ các hoạt động dạy và học, nghiên cứu khoa học... Qua đó, góp phần hiện đại hóa và nâng cao chất lượng GD&ÐT, tiến tới xây dựng mô hình giáo dục thông minh, đô thị thông minh, thực hiện chính quyền điện tử nhằm nâng cao sức cạnh tranh, đổi mới, sáng tạo, minh bạch, tinh gọn, quản lý hiệu quả, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của các tỉnh, thành phố.

Toàn ngành GD&ÐT thành phố nói chung, các cơ sở giáo dục nói riêng, triển khai nhiều giải pháp từ đầu tư nguồn lực cơ sở vật chất, trang thiết bị, đội ngũ nhà giáo… phục vụ cho CÐS trong giáo dục. Năm học 2023-2024, TP Cần Thơ có 467 cơ sở giáo dục các cấp học. Trong đó, 100% cơ sở giáo dục mầm non và trung học có giáo viên tin học phụ trách giảng dạy môn Tin học, bậc tiểu học là 87%. 100% cán bộ quản lý, giáo viên của các cấp học có khả năng sử dụng hiệu quả các phần mềm, ứng dụng cơ bản, phổ dụng vào việc giảng dạy, học tập, kiểm tra đánh giá, quản lý học sinh và hoạt động khác. Các cơ sở giáo dục đều có ít nhất 1 đường truyền Internet, đa số được trang bị từ 2 đường truyền Internet trở lên nhằm cơ bản bảo đảm việc thực hiện các nhiệm vụ có liên quan. Tất cả cơ sở giáo dục, cơ quan quản lý giáo dục trên địa bàn sử dụng thanh toán điện tử. Các cơ sở giáo dục đều có phòng máy tính, máy chiếu dùng chung; số phòng học có thiết bị thông minh bước đầu được đầu tư, trang bị, phục vụ dạy và học. Tháng 11-2023, Sở GD&ÐT TP Cần Thơ đã ra mắt Trung tâm Ðiều hành Giáo dục thông minh phục vụ công tác quản lý, chỉ đạo hoạt động của ngành.

Tại Tọa đàm chia sẻ kinh nghiệm thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 và CÐS trong giáo dục được Sở GD&ÐT TP Cần Thơ tổ chức vừa qua, các đại biểu đã nhấn mạnh vai trò quan trọng của việc ứng dụng CNTT và CÐS trong hoạt động giáo dục. Theo ông Huỳnh Thanh Lộc, Trưởng Phòng Giáo dục Trung học, Sở GD&ÐT TP Cần Thơ, năm 2023 thành phố đã xây dựng phòng học thông minh đa phương tiện tại một số trường học (huy động nguồn xã hội hóa từ nhà hảo tâm, doanh nghiệp...); thí điểm xây dựng Thư viện điện tử tại 49 cơ sở giáo dục… Thời gian tới, ngành tiếp tục phối hợp các tập đoàn công nghệ triển khai CÐS trong giáo dục; tích hợp dữ liệu GD&ÐT thành phố, Trung tâm Ðiều hành Giáo dục thông minh.

Bên cạnh đó, nổi bật trong hoạt động CÐS, ứng dụng CNTT của ngành giáo dục thành phố còn có việc triểu khai giáo dục STEM. Năm học 2022-2023, thành phố có 100% trường tiểu học, THCS, THPT, trường phổ thông có nhiều cấp học tổ chức giáo dục STEM theo hướng dẫn của Bộ GD&ÐT; phối hợp với các chuyên gia về giáo dục STEM tổ chức tập huấn định hướng giáo dục STEM cho lãnh đạo, giáo viên; tổ chức chuyên đề giáo dục STEM tiểu học cấp thành phố theo hình thức vừa trực tuyến, vừa trực tiếp… Song song với việc tổ chức hình thức bài học STEM, các trường tiểu học ở TP Cần Thơ còn thực hiện đa dạng các hình thức tổ chức giáo dục STEM, thực hiện tốt các không gian trải nghiệm và các góc STEM trong lớp học, khuôn viên nhà trường. Một số cơ sở giáo dục thực hiện khá tốt công tác xã hội hóa, duy trì và tổ chức được các câu lạc bộ STEM - Robotic, STEM - khoa học máy tính như Trường Tiểu học Bình Thủy, Trường Tiểu học An Thới 2 (cùng quận Bình Thủy), Trường Tiểu học Ngô Quyền (quận Ninh Kiều)…

Theo lãnh đạo ngành GD&ÐT quận Bình Thủy, việc ứng dụng CNTT, CÐS ở các cơ sở giáo dục đã mang lại hiệu quả tích cực trong quản lý, dạy và học. Ðiển hình là ứng dụng CÐS trong quản lý giáo viên, học sinh (sổ liên lạc điện tử); việc thanh toán không dùng tiền mặt; thực hiện mô hình lớp học thông minh… Thực hiện chỉ đạo của thành phố, quận đã triển khai thí điểm giảng dạy STEM cho tất cả 13/13 trường tiểu học ở quận. STEM là một trong những điều kiện cơ bản để từng bước trang bị kỹ năng học tập, robothon cho học sinh; khơi dậy niềm yêu thích khoa học, kích thích trí tuệ và sự sáng tạo của các em. Giáo dục STEM không những mang lại hiệu quả nâng cao năng lực của học sinh, mà còn góp phần đẩy mạnh công tác CÐS trong các cơ sở giáo dục.

Trong các nhóm nhiệm vụ trọng tâm năm học 2023-2024 của ngành GD&ÐT thành phố, có việc tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả các đề án của thành phố như “Tăng cường ứng dụng CNTT và CÐS trong GD&ÐT giai đoạn 2022-2025, định hướng đến năm 2030 trên địa bàn TP Cần Thơ”, “Xây dựng TP Cần Thơ phát triển thành đô thị thông minh giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 đối với lĩnh vực giáo dục thông minh”, “Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ CÐS quốc gia giai đoạn 2022-2025”; tiếp tục xây dựng kho học liệu số chia sẻ dùng chung toàn ngành; khuyến khích phát triển và khai thác dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo vào lĩnh vực GD&ÐT; tăng cường CÐS và ứng dụng CNTT trong GD&ÐT, cũng như các điều kiện đảm bảo và kỹ năng ứng dụng CNTT trong dạy - học trực tuyến và trong công tác kiểm tra, đánh giá chất lượng giáo dục, góp phần tạo sự đột phá trong nâng cao chất lượng giáo dục.

Bài, ảnh: B.KIÊN

Chia sẻ bài viết