ĐĂNG HUỲNH
Đầu thế kỷ XX, Nam bộ xuất hiện hai vị công tử nức tiếng giàu có, chịu chơi là Công tử Bạc Liêu Trần Trinh Huy (Hắc Công Tử) và Bạch Công tử Lê Công Phước. Nhưng, có một vị công tử khác ở đất Vĩnh Long ít người biết tới, nổi tiếng không chỉ ở sự giàu có mà còn ở lòng thương người, tình yêu quê hương, đất nước, sớm giác ngộ lý tưởng cách mạng. Đó là ông Châu Văn Sanh, với biệt danh Công tử Lời hay Công tử Vĩnh Long.
Chịu chơi, hào hiệp
Công tử Lời sinh năm 1911, lớn lên tại vùng Cái Nhum, Mang Thít, Vĩnh Long ngày nay. Cha là ông Châu Xuyên, người gốc Phước Kiến (Trung Hoa) sang vùng Mang Thít định cư, lập nghiệp; mẹ là bà Đào Thị Bòi, người gốc Gò Công. Công tử Lời là con chung duy nhất của ông Xuyên và bà Bòi (hai ông bà đã từng có gia đình, ông Xuyên có 3 con riêng, bà Bòi có 2 con riêng). Do nối lại các dòng con mà gia đình tính Công tử Lời là thứ Bảy, tục gọi Bảy Lời.
Chân dung Công tử Lời- Châu Văn Sanh. Ảnh chụp lại
Vốn nghèo khó, nhưng nhờ biết tính toán, chịu khó làm ăn, buôn bán nên ông Châu Xuyên dần giàu có nhất vùng. Giai thoại kể rằng, tục danh Lời của ông Châu Văn Sanh xuất phát từ việc ông bà Châu Xuyên vốn đã có con trai, con gái đủ bề, nên việc có thêm cậu Út xem như là lời!
Lớn lên trong gia đình giàu có nức tiếng nên cậu Bảy Lời 16 tuổi đã lái xe hơi ngao du đây đó. Cậu hay rầy rà, đánh nhau nhưng là đánh để bênh vực người nghèo, yếu thế, giành lại lẽ công bằng theo cách rất riêng, có phần ngây thơ. Lúc 10-11 tuổi, Công tử Lời hay đi chợ Cái Nhum chơi, thấy bà con ở chợ bán hàng ế là cố tình đến phá cho hư hại chút đỉnh rồi biểu họ đem đến nhà để cha mẹ để bồi thường. Cậu coi đó như cách giúp đỡ người nghèo mà gia đinh cũng được no bụng. Còn nhiều câu chuyện về việc Công tử Lời ra tay nghĩa hiệp, đánh những kẻ hiếp đáp người nghèo, con nít được người dân Mang Thít truyền tụng.
Thời đó, tá điền còn phải đóng thuế thân. Ai không có tiền đóng thì bị bắt nhốt. Công tử Lời biết chuyện, đóng thuế dùm và yêu cầu thả người. Thấy con trai đã lớn, ông Châu Xuyên giao con đi thâu tiền lúa ruộng, lần nào cậu Bảy cũng về thưa cha: “Năm nay thất mùa, tía bớt cho người ta nghe”. Ông bà Châu Xuyên thấy con có lòng nhân ái như vậy thì cũng đành cười trừ.
Nhờ xử đãi tốt với tá điền như vậy mà ngày Tết, bà con đem gà vịt tới biếu ông bà Châu Xuyên rất nhiều, ăn tới ra giêng không hết. Khi cha mẹ qua đời, Công tử Lời tuyệt đối không nhận gà vịt của bà con, biểu họ đem về làm cúng ông bà, cho trẻ nhỏ có miếng ăn ngon. Với người nghèo đã vậy, với chuyện nước, chuyện làng, Công tử Lời cũng rộng rãi không kém. Đình, chùa, nhà thờ công giáo ở xứ Cái Nhum thời đó thường được Công tử Lời góp tiền sửa chữa, sắm sửa, tổ chức hoạt động hội hè.
Bà Huỳnh Quan - Thư, cháu gọi Công tử Lời là dượng, trong một cuốn sách về Công tử Lời còn kể 2 câu chuyện thú vị là “Đi dài về ngắn”, “Đi đầy về vơi”. Chuyện là đi đâu Công tử Lời cũng ăn mặc bảnh bao, chỉn chu, đúng danh Công tử Vĩnh Long, đi xa thì đem theo cả va ly quần áo, toàn đồ tốt. Vậy mà khi trở về, va ly trống rỗng. Hỏi ra mới hay, cậu Bảy Lời thấy tá điền nghèo quá nên tặng hoặc cho anh em hết những bộ đồ mình đem theo. Về nhà, bà Bòi hỏi con sao không còn bộ đồ dính da, cậu cười: “Cho anh em hết rồi, má may cho tui cái mới nghe!”.
Những câu chuyện nhỏ này cho thấy, Công tử Lời giàu có nhưng sống nghĩa khí, hào hiệp, biết che chở người nghèo, cô thế. Nhưng chuyện về vị công tử đất Vĩnh Long không chỉ có thế. Ông còn là một trong những đảng viên sớm nhất trên đất Vĩnh Long, từ bỏ mọi giàu có, xa hoa để theo cách mạng, là một liệt sĩ nêu gương sáng về lòng yêu nước.
Công tử Lời theo cách mạng
Tác giả Sao Vàng trong bài viết “Những nhân vật lịch sử tỉnh Vĩnh Long” đăng trên tạp chí Cửu Long, số tháng 5-2005, có kể về việc Công tử Lời được một người bạn cùng trang lứa là ông Nguyễn Văn Đại, thành viên Việt Nam Thanh niên Cách mạng Đồng chí Hội tại ngã tư Long Hồ trực tiếp tuyên truyền, giác ngộ cách mạng. Từ đó, Công tử Lời không ngần ngại từ bỏ đời sống sung túc, giàu có của một công tử, tích cực tham gia đấu tranh chống Pháp và trở thành đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam. Theo Quyết định 2192-QĐ/TU, ngày 4-8-2009 của Tỉnh ủy Vĩnh Long về việc công nhận đồng chí Châu Văn Sanh là Lão thành cách mạng, có ghi rõ, đồng chí Châu Văn Sanh tham gia cách mạng ngày 6-5-1930; vào Đảng Cộng sản Việt Nam ngày 1-7-1930, chính thức ngày 1-11-1931. Chức vụ hoạt động cách mạng thời gian từ ngày 6-5-1930 đến trước ngày Tổng khởi nghĩa 19-8-1945: Trưởng tổ chức Việt Nam Thanh niên Cách mạng Đồng chí Hội huyện Mang Thít.
Chợ Cái Nhum, nơi ghi dấu tuổi thơ Công tử Lời. Ảnh: DUY KHÔI
Sự kiện chính trị đáng nhớ nhất mà Công tử Lời - Châu Văn Sanh tham gia là vào tháng 6-1930. Sách “Lịch sử tỉnh Vĩnh Long 1732-2000” (NXB Chính trị quốc gia, 2002) thuật lại: “Ngày 5-6-1930, khoảng 2.000 người gồm nông dân, tiểu thương, học sinh, thợ thủ công… từ Châu Thành, Tam Bình, Vũng Liêm kéo về ngã tư Long Hồ, sắp thành đội ngũ… Ông Châu Văn Sanh (Công tử Lời) là người dẫn đầu đoàn biểu tình kéo về tỉnh lỵ Vĩnh Long trong tiếng trống, mõ, tù và vang dậy. Đoàn biểu tình đến Văn Thánh Miếu thì bị lính Pháp và ngụy chặn đường, song đoàn người vẫn tiến về phía tỉnh lỵ. Địch nổ súng vào đoàn biểu tình làm 8 người chết và 60 người bị thương. Đồng chí Châu Văn Sanh bị bắt đưa về giam tại Sài Gòn, sau đó bị đày ra Côn Đảo” (trang 116-117). Cũng trong sách này ghi nhận, đến năm 1936, đồng chí Châu Văn Sanh được thả, tiếp tục hoạt động, đến năm 1939 thì bị bắt và bị đày ra Côn Đảo lần thứ 2. Đồng chí Châu Văn Sanh hy sinh tại Côn Đảo tháng 7-1944. Tuy nhiên, có tài liệu cho rằng, Công tử Lời hy sinh ngày 26-7-1943 (nhằm ngày 25-5 âm lịch). Có nghĩa, ông hy sinh khi mới 32-33 tuổi.
Đang giàu sang, phú quý nhưng Công tử Lời không vì thế mà phân vân, toan tính, đi theo tiếng gọi khi Tổ quốc cần lúc tuổi đời còn rất trẻ. Một câu chuyện được bà Huỳnh Quan - Thư kể lại nữa là, đã có lúc sau khi bị giặc bắt và thả ra, bà Bòi bỏ tiền đưa con trai qua Hồng Công lánh nạn nhưng qua đó chưa được bao lâu, Công tử Lời lại trở về, tiếp tục theo cách mạng.
Một điều thú vị nữa là Công tử Lời rất thích đọc sách, chẳng những ông mê đọc mà còn trân quý sách lắm. Quyển nào ông cũng đóng bìa cứng, gáy mạ vàng, ghi rõ tên sách, năm xuất bản và dòng chữ “Bibliothèque Châu Văn Sanh” (tức Thư viện Châu Văn Sanh), cất giữ trong một căn nhà dùng làm thư viện hẳn hoi. Hễ nghe ai cần sách gì, mà chưa có hoặc tìm không ra, Công tử Lời liền biên thơ đặt hàng tận bên Pháp gởi về để cung cấp cho anh em. Một chi tiết hay nữa là những năm 1937-1939, Công tử Lời từng mở một hiệu sách ở Cần Thơ, lấy tên hiệu là Đời Mới. Theo tài liệu ghi lại, hiệu sách đó ở cầu Lục Tỉnh đi lên phía bên tay trái, bán sách cách mạng, tư tưởng tiến bộ, nghiên cứu Chủ nghĩa Mác-Lê nin. Theo chi tiết này, hiệu sách Đời Mới hiện nằm khu vực đèn 3 ngọn ở bến Ninh Kiều, nhìn về phía tay trái. Đến năm 1939 thì địch khủng bố, đóng cửa hiệu sách.
Tài liệu tham khảo:
- “Lịch sử tỉnh Vĩnh Long 1732-2000”, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Vĩnh Long, NXB Chính trị quốc gia, 2002;
- “Công tử Lời (Công tử Vĩnh Long)- nhân ái một tấm lòng”, Huỳnh Quan- Thư, NXB Trẻ, 2010.