05/05/2019 - 08:47

Chuyện bảo quản tác phẩm mỹ thuật 

iệc Việt Nam giúp phục hồi gần như nguyên trạng 4 tác phẩm mỹ thuật giá trị của nước bạn Lào khiến nhiều người rất vui. Nhưng, vui chưa được bao lâu thì có thông tin trong quá trình bảo quản, Bảo vật quốc gia - tuyệt tác mỹ thuật “Vườn Xuân Trung Nam Bắc” đã bị phương hại. Ông Vi Kiến Thành, Cục trưởng Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm - Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, kết luận: Không thể phục hồi nguyên trạng Bảo vật quốc gia này.

Bảo vật quốc gia tranh “Vườn Xuân Trung Nam Bắc” trước khi làm vệ sinh (ảnh trên) và sau khi làm vệ sinh (2 ảnh dưới). Ảnh: baovanhoa.vn

1. Mới đây, Trung tâm Bảo quản, tu sửa tác phẩm mỹ thuật (Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam) bàn giao 4 tác phẩm mỹ thuật sau khi phục chế cho Bảo tàng Kaysone Phomvihane (Lào). Qua khảo sát trên 20 tác phẩm đang trong tình trạng khẩn cấp của Lào, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam và Bảo tàng Kaysone Phomvihane đã chọn phục chế 4 tác phẩm có tình trạng xuống cấp, hư hỏng báo động nhất: “Chân dung Lê Nin” (chất liệu gỗ ép), “Chân dung Fidel Castro, Lal Varez” (chất liệu giấy), “Vịnh Hạ Long” (chất liệu lụa) và “Chân dung Hoàng thân Souphanouvong” (chất liệu sơn dầu).

“Tác phẩm “Vườn Xuân Trung Nam Bắc” được sáng tác vào giai đoạn đất nước còn trong  chiến tranh, nó như lời nguyện cầu thống nhất và hạnh phúc cho quê hương. Đồng thời, tác phẩm cũng là sự tổng hợp mọi thành tựu trong nửa thế kỷ tìm tòi sáng tạo về nghệ thuật sơn mài: là tác phẩm có thời gian tâm huyết lâu nhất, ứng dụng nhiều đúc kết trong nghệ thuật nhất, có kích thước lớn nhất và là tác phẩm sáng tác cuối cùng của cuộc đời họa sĩ.

Họa sĩ Nguyễn Gia Trí tốt nghiệp Trường Cao đẳng Mỹ Thuật Đông Dương (1936). Ông là họa sĩ bậc thầy, đi đầu trong việc tạo dựng khuynh hướng mới của nghệ thuật sơn mài; trong việc tìm tòi, sáng tạo để tạo ra một bảng màu mới và đưa sơn mài Việt Nam lên đến đỉnh cao với sự kết hợp giữa yếu tố văn hóa truyền thống Á Đông của người Việt Nam trên chất liệu sơn ta và phương pháp hàn lâm phương Tây về hình họa. Năm 1989, họa sĩ Nguyễn Gia Trí được Bộ Văn hóa và Thông tin chính thức công nhận là một trong những họa sĩ đương đại có công trong việc xây dựng nền nghệ thuật tạo hình Việt Nam hiện đại”.

(Trích Hồ sơ di sản, tư liệu từ Cục Di sản văn hóa) 

Các chuyên gia đã phân tích hiện trạng, tìm ra giải pháp tối ưu nhất để đưa tác phẩm mỹ thuật về hiện trạng ban đầu. Quá trình thực hiện rất khó khăn, đòi hỏi sự cẩn thận, chi tiết. Như bức “Chân dung Hoàng thân Souphanouvong” phải làm đến 3 lần. Hay với tác phẩm “Vịnh Hạ Long” được vẽ trên lụa - một chất liệu một khi đã xuống cấp rất khó phục hồi, nhất là khi trình trạng hỏng đã tới chân vải. Vậy nhưng, tất cả 4 bức tranh đã đạt yêu cầu phục hồi.

2. Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch vừa ký văn bản về việc kiểm tra bảo quản Bảo vật quốc gia bức tranh “Vườn Xuân Trung Nam Bắc” của danh họa Nguyễn Gia Trí. Nguyên do là trong quá trình làm vệ sinh, tuyệt tác này đã bị làm hỏng.

Trong lời giới thiệu về Bảo vật này tại Bảo tàng Mỹ thuật TP Hồ Chí Minh, có đoạn: “Năm 1990, UBND TP Hồ Chí Minh đã mua tác phẩm sơn mài “Vườn Xuân Trung Nam Bắc” của họa sĩ Nguyễn Gia Trí trao tặng cho Bảo tàng Mỹ thuật TP Hồ Chí Minh. Tác phẩm “Vườn Xuân Trung Nam Bắc” là sự tổng hợp thành tựu trong nửa thế kỷ tìm tòi, sáng tạo nghệ thuật sơn mài của Nguyễn Gia Trí”. Đây là bức tranh đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận Bảo vật quốc gia vì là hiện vật gốc, độc bản, đặc biệt có giá trị.

Bảo vật được phát hiện bị hư hỏng từ việc Bảo tàng Mỹ thuật TP Hồ Chí Minh thực hiện việc vệ sinh cho bức tranh này từ cuối tháng 12-2018 đến tháng 2-2019. Theo lời ông Vi Kiến Thành, Cục trưởng Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm, chia sẻ với báo chí, việc ký kết hợp đồng giữa Bảo tàng Mỹ thuật TP Hồ Chí Minh với người bảo dưỡng tác phẩm là một nghệ nhân sơn mài, là chưa phù hợp. Một người làm sơn mài sẽ khác xa với một họa sĩ sơn mài, nhất là với một danh họa như Nguyễn Gia Trí. Với tình trạng tổn hại hiện nay, sẽ không thể phục hồi lại tuyệt tác này.

*    *     *

Hai câu chuyện kể rồi suy ngẫm, phải chăng đã có sự xuề xòa, tùy tiện trong quá trình bảo quản một Bảo vật quốc gia như “Vườn Xuân Trung Nam Bắc”. Trình độ bảo quản cổ vật, tác phẩm mỹ thuật ở nước ta rõ ràng đã được khẳng định nhưng vì sao Bảo tàng Mỹ thuật TP Hồ Chí Minh không mời chuyên gia, họa sĩ am hiểu, có khả năng? Mong rằng đây cũng là bài học để đời và duy nhất cho việc bảo quản, lưu giữ các cổ vật, bảo vật ở nước ta hiện nay.l

Đăng Huỳnh

Chia sẻ bài viết