16/07/2019 - 10:14

Chuyện bản quyền 

Mới đây, nữ ca sĩ Taylor Swift (ảnh, trái) khai chiến với Scooter Braun (phải) trên trang cá nhân và truyền thông, khi nhà sản xuất âm nhạc này mua hãng đĩa Big Machine, công ty chủ quản của Taylor Swift từ năm 2016-2018, sở hữu 6 album của cô. Với việc mua Big Machine, Scooter Braun sẽ có trong tay bản quyền các ghi âm gốc 6 album của Taylor Swift. Điều đó đồng nghĩa nữ ca sĩ sẽ mất quyền sở hữu những ca khúc làm nên tên tuổi cô suốt thời gian qua.

Cuộc nổi dậy” của Taylor Swift nhận được rất nhiều đồng tình từ các nghệ sĩ bởi tình trạng nghệ sĩ bị các hãng đĩa “trấn lột” bản quyền thu âm gốc thường xảy ra trong làng nhạc quốc tế, nhất là tại Mỹ. Vấn đề nhức nhối này vẫn tồn tại suốt nhiều thập kỷ qua.

Bản ghi âm gốc là ca khúc đã được thu hoàn chỉnh, trải qua quy trình xử lý kỹ thuật chỉn chu. Theo quy định, song song với người sáng tác, hoặc những nhà sản xuất mua lại ca khúc từ người sáng tác, thì người sở hữu bản ghi âm gốc có thể cấp phép cho bên thứ ba sử dụng ca khúc dưới nhiều hình thức: bản thu đĩa than, phát trực tuyến trên truyền hình, phim ảnh, quảng cáo, các buổi trình diễn công khai… Đây chính là một trong những nguyên do mà các nghệ sĩ kiên quyết không thỏa hiệp trước những công ty sản xuất mà họ từng hợp tác làm ra bản ghi âm gốc.

Trước Taylor Swift, vào năm 1993, Prince là người mở màn và kiên quyết trong cuộc chiến với hãng đĩa Warner Bros., đơn vị phát hành 18 album của ông, để đòi quyền sở hữu các bản thu gốc. Prince không tán thành việc hãng đĩa liên tục phát hành các album tổng hợp các ca khúc của ông hòng thu lợi nhuận. Cuộc chiến của Prince kéo dài suốt nhiều năm và không hiệu quả. Prince đã phải chấp nhận yêu cầu sản xuất tiếp 5 album trong 3 năm (từ 1994-1996) để đáp ứng điều khoản chấm dứt hợp đồng với Warner Bros. Vào năm 2014, khi ký hợp đồng mới với Warner Bros., Prince mới có quyền sở hữu các bản ghi âm gốc của mình.

Trong khi đó, Paul McCartney, thành viên của ban nhạc The Beatles mất hơn nửa thế kỷ mới có thể lấy lại bản quyền thu âm gốc các ca khúc của ông từ ATV Music. Các ca khúc của The Beatles được sáng tác trước khi Luật Bản quyền Mỹ được ban hành năm 1978. Theo luật này, tác giả phải chờ 56 năm từ ngày phát hành để đòi lại bản quyền. Mãi đến 2018, Paul McCartney mới dần nhận lại các sáng tác cùng The Beatles. Vụ trao trả quyền sở hữu bản thu gốc giữa ATV Music và The Beatles dự kiến kết thúc vào năm 2025. Tuy nhiên, luật này chỉ được áp dụng tại Mỹ. ATV Music vẫn sở hữu các ấn phẩm thu của ban nhạc tại những nơi khác trên thế giới.

Những câu chuyện trên được xem là quy luật tất yếu của ngành thu âm tại Mỹ. Để có được sự hỗ trợ trong các khâu sản xuất, quảng bá, phát hành sản phẩm âm nhạc từ các hãng đĩa, điều duy nhất các giọng ca có thể đổi là bản quyền ghi âm gốc. Thống kê từ Billboard, nhiều ca sĩ nổi tiếng như: Rihanna, ban nhạc U2, Courtney Love, Janet Jackson, Jay-Z... đều phải trải qua cuộc chiến với các hãng đĩa và phải trả khoản tiền lên đến hàng chục triệu USD để sở hữu bản quyền những ca khúc, album của chính họ. Đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến nhiều nghệ sĩ không còn thiết tha ký kết với hãng đĩa, đơn vị sản xuất âm nhạc; mà quay sang các dịch vụ nghe nhạc trực tuyến như Spotify, Itunes, Soundcloud, Apple Music, Tidal… Ở đó, các nghệ sĩ không phụ thuộc hoàn toàn vào các hãng đĩa, mà có thể thoải mái sáng tạo, tìm kiếm khán giả trên các nền tảng số, tất nhiên có cả quyền sở hữu ghi âm gốc.

Bảo Lam (Tổng hợp từ Times, Billboard)

Chia sẻ bài viết
Từ khóa
bản quyền