Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn thiên nhiên (WWF) vừa phối hợp Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau tổ chức hội thi về “Giảm thiểu rác thải, bảo vệ môi trường và tài nguyên thiên nhiên”. Qua đó giúp một bộ phận học sinh, người dân vùng ven biển Cà Mau hiểu hơn về tác hại lâu dài của rác thải nhựa, cùng chung tay hành động bảo vệ môi trường.

Hội thi có 20 đội tham gia, qua đó giúp nhiều người hiểu rõ hơn về tác hại của rác thải.
Hội thi “Giảm thiểu rác thải, bảo vệ môi trường và tài nguyên thiên nhiên” được tổ chức tại xã miền biển Nguyễn Việt Khái (huyện Phú Tân, tỉnh Cà Mau), có 20 đội tham gia. Các đội đều thể hiện phần thi xoay quanh cách thức tuyên truyền, phương thức giảm thiểu rác thải; hành động bảo vệ môi trường và tài nguyên, thiên nhiên.
Anh Phạm Văn Lành, thí sinh đến từ Công đoàn xã Nguyễn Việt Khái, chia sẻ: “Thông điệp mà đội thi muốn gửi đến là mọi người hãy chung tay phân loại và xử lý rác thải. Đặc biệt, trên địa bàn xã Nguyễn Việt Khái có nhiều hộ dân sống ven kênh rạch, có thói quen vứt rác không qua xử lý xuống sông. Qua phần thi, chúng tôi muốn gửi gắm đến người dân thông điệp cần phân loại, xử lý rác. Đặc biệt, với những hộ dân nuôi tôm công nghiệp, phải xử lý rác thải, chất thải trước khi thải ra môi trường để môi trường ngày càng xanh, sạch hơn”.
Ở phần thi tự giới thiệu theo hình thức sân khấu hóa, tác phẩm “Tôi sẽ sửa ngay” của các em học sinh đến từ Trường THCS Nguyễn Việt Khái đã để lại ấn tượng. Các em đã khéo léo thể hiện khả năng hiểu biết của mình về tác hại rác thải nhựa qua cách diễn hài hước, duyên dáng. Phần thi cũng thể hiện được quyết tâm của các em trong sửa thói quen dùng rác thải nhựa, mà đơn giản nhất là không vứt rác thải nhựa bừa bãi, phân loại, tận dụng lại rác thải nhựa trong cuộc sống hằng ngày...
“Tác phẩm của chúng em được đặt tên “Tôi sẽ sửa ngay” là để hướng tới thay đổi ngay ý thức trong việc bảo vệ môi trường và tài nguyên thiên nhiên. Em sẽ không vứt rác xuống sông, không bỏ rác sai quy định. Đồng thời mong mọi người cũng có ý thức từ những việc nhỏ như vậy để cùng nhau bảo vệ môi trường tốt hơn” - em Phan Lê Ái Vy, học sinh Trường THCS Nguyễn Việt Khái, chia sẻ về phần thi của mình.
Bên cạnh phần thi giới thiệu theo hình thức sân khấu, các đội còn thi kỹ năng tái chế thông qua việc dùng dụng cụ được chuẩn bị sẵn để tái chế ra sản phẩm mới, có giá trị. Từ các loại rác thải nhựa phổ biến như chai, ly, bọc ni lông… các đội đã khéo léo tạo ra các sản phẩm đẹp mắt, có thể sử dụng trong sinh hoạt, làm việc, học tập. Có những sản phẩm rất đơn giản nhưng lại thiết thực nên được đánh giá cao, như sản phẩm tận dụng chai, can nhựa để trồng rau của Trường THCS Gò Công.
Anh Lê Thanh Huyền đến từ Trường THCS Gò Công chia sẻ: “Trước đây, khi điều kiện kinh tế còn khó khăn, chúng ta hay tận dụng những vật dụng như chai, lọ, can nhựa để trồng hoa, rau màu. Hiện nay, ít hộ gia đình còn thực hiện việc này nhưng chúng tôi và các em học sinh muốn tái hiện lại những hình ảnh đó. Chúng tôi chăm chút, trang trí thêm để sản phẩm có tính thẩm mỹ, bắt mắt. Việc trồng rau màu không chỉ giúp cải thiện cuộc sống gia đình, mà con làm giảm đi vấn đề vứt chai hay những vật liệu nhựa không cần thiết lung tung, điều đó sẽ giúp giảm ô nhiễm môi trường”.
Hội thi “Giảm thiểu rác thải, bảo vệ môi trường và tài nguyên thiên nhiên” là một trong những hoạt động nằm trong dự án “Cải thiện cuộc sống của cộng đồng người nghèo thông qua các sinh kế thay thế thân thiện với bảo tồn tại các khu đất ngập nước Ramsar ở ĐBSCL”. Những nội dung thiết thực của hội thi đã giúp một bộ phận học sinh, người dân vùng ven biển Cà Mau hiểu hơn về tác hại lâu dài của rác thải nhựa đến môi trường, hệ sinh thái, từ đó cùng chung tay hành động bảo vệ môi trường ngày một tốt hơn.
Bà Đào Thị Thanh An, Chủ tịch Hội LHPN xã Nguyễn Việt Khái, cho biết: “Các phần thi sẽ giúp người dân có ý thức bảo vệ môi trường thông qua việc không vứt rác bừa bãi, hạn chế sử dụng rác thải nhựa. Nếu có sử dụng, chúng ta cũng sẽ biết cách tận dụng, tái sử dụng chúng, tạo thành dòng tuần hoàn để hạn chế thải ra môi trường. Có thể dùng rác thải nhựa tạo ra những đồ dùng hữu ích như tạo bình hoa; các em học sinh có thể dùng bọc ni lông, ống hút nhựa trang trí cho góc học tập hoặc tạo ra những đồ dùng hữu ích khác. Đơn giản nhất, chúng ta có thể gom rác thải nhựa lại bán”.
Bài, ảnh: HIẾU NGHĨA