11/08/2019 - 17:06

Chứng nhận Halal - Giấy thông hành để nông sản Việt mở rộng thị trường 

Gạo là một trong những mặt hàng có tiềm năng xuất khẩu sang thị trường Trung Đông.

Mới đây, tại TP Cần Thơ, Tổ chức NHO-QSCert (thuộc Công ty TNHH NHONHO-đơn vị chuyên đánh giá, cấp chứng nhận phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế cho hàng hóa Việt Nam) và Tổ chức RSD Management Solution (Malaysia) ký kết thành lập Trung tâm chứng nhận Halal Việt Nam-Malaysia tại Cần Thơ. Đây là trung tâm cấp chứng nhận Halal đầu tiên ở ĐBSCL và được kỳ vọng sẽ “mở đường” cho hàng nông sản của vùng tiếp cận thị trường mới, đặc biệt là thị trường Trung Đông.

Theo số liệu thống kê, năm 2016 kim ngạch xuất khẩu sang Trung Đông đạt 12 tỉ USD và đến năm 2018 giá trị kim ngạch đã tăng lên 14 tỉ USD. Cho thấy tiềm năng thị trường này rất lớn. Nhiều quốc gia ở khu vực Trung Đông có xu hướng nhập khẩu rất lớn từ phía Việt Nam, nhất là những mặt hàng rau, củ quả, thủy hải sản của Việt Nam. Tuy nhiên, hoạt động xuất khẩu hàng nông sản nước ta sang thị trường này đang gặp một số rào cản. Và một trong những rào cản đáng lưu ý nhất là việc cấp và tuân thủ theo Chứng nhận Halal (sản phẩm người Hồi giáo được phép ăn uống hoặc sử dụng và chỉ sử dụng các sản phẩm Halal).

Ông Hoàng Bá Nghị, Tổng Giám đốc Công ty TNHH NHONHO cho biết, hiện nay, bất cứ thị trường xuất khẩu nào cũng đều có những rào cản riêng,  buộc các doanh nghiệp nỗ lực vượt qua. Rào cản của thị trường Trung Đông chủ yếu là yếu tố tín ngưỡng, phong tục, tập quán và tôn giáo. Một trong những rào cản quan trọng mà các nhà xuất khẩu phải vượt qua là phải được cấp và tuân thủ theo Chứng nhận Halal. Do đó, sau khi thành lập, Trung tâm chứng nhận Halal Việt Nam-Malaysia tại Cần Thơ sẽ cấp chứng nhận Halal cho các doanh nghiệp có các nhu cầu để có thể xuất khẩu hàng hóa sang các quốc gia theo đạo Hồi. Đồng thời, hỗ trợ cho các doanh nghiệp trên địa bàn Cần Thơ và khu vực ĐBSCL tiếp cận hiệu quả với chứng nhận Halal.

Ngay sau lễ ký kết, Trung tâm chứng nhận Halal Việt Nam-Malaysia tại TP Cần Thơ đã trao Chứng nhận Halal cho 3 doanh nghiệp: Công ty TNHH MTV Sản xuất Thương mại Đinh Gia Foods, Công ty TNHH Thực phẩm VICADA (TP Cần Thơ), Công ty TNHH Depaco (tỉnh Đồng Nai). Ông Nor Helmy Mustapha, chuyên gia Tổ chức RSD Management Solution cho biết: “Mục tiêu của RSD là thành lập một tổ chức cấp chứng nhận Halal tại Cần Thơ và giúp Cần Thơ trở thành một địa điểm du lịch quen thuộc dành cho cộng đồng người Hồi giáo. Chúng tôi hy vọng các hoạt động của trung tâm sẽ được tiến hành thuận lợi để đưa nơi đây trở thành một tổ chức của Malaysia được tín nhiệm tại Việt Nam. Thời gian tới, chúng tôi sẽ đẩy mạnh chuyển giao các kỹ thuật, công nghệ của Halal từ Malaysia đến Cần Thơ để phục vụ hoạt động tại đây”.

Gạo là một trong những mặt hàng có tiềm năng xuất khẩu sang thị trường Trung Đông.

Gạo là một trong những mặt hàng có tiềm năng xuất khẩu sang thị trường Trung Đông.

Theo các chuyên gia, các nông sản chủ lực của vùng ĐBSCL như: lúa chất lượng cao, thủy sản, trái cây và chăn nuôi được sản xuất theo quy mô lớn và chuỗi giá trị, ứng dụng cơ giới hóa vào sản xuất và công nghệ sau thu hoạch. Đặc biệt, ngành nông nghiệp ĐBSCL thường xuyên tuyên truyền, hỗ trợ cho người sản xuất tập trung phát triển nông sản, thủy sản theo hướng an toàn, bền vững đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm và vệ sinh môi trường; triển khai các vùng nuôi, vùng trồng áp dụng các tiêu chuẩn VietGAP, Global GAP, hữu cơ... Đây là những nền tảng quan trọng để thúc đẩy xuất khẩu sang thị trường Trung Đông. Ông Phạm Trường Yên, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP Cần Thơ, nhận định: “Việc thành lập Trung tâm Chứng nhận Halal tại Cần Thơ là điều kiện tốt để xuất khẩu nông sản hàng hóa của thành phố. Qua đó góp phần nâng cao giá trị nông sản và nâng cao thu nhập cho người nông dân, giúp hoàn thành mục tiêu phát triển nông nghiệp bền vững”.

Ông Nguyễn Thiện Vũ, Giám đốc Công ty Cổ phần Thực phẩm VIDACA, chia sẻ: “Trước đây, một số khách hàng từ Singapore, Malaysia rất quan tâm đến dòng sản phẩm Snack da cá CAZON vị trứng muối, vị rong biển, vị Tom Yum và da cá bán thành phẩm (OEM Original Flavor-da cá tươi được cắt và chiên theo quy cách khách hàng gia công) của công ty và mong muốn chúng tôi xuất hàng sang cho họ. Tuy nhiên, khi biết công ty không có chứng nhận Halal thì họ không còn ý định đó nữa. Riêng về phần công ty, nếu muốn được cấp chứng nhận Halal phải ra đến Hà Nội, chi phí đội lên khá cao nên đành “buông xuôi”. Nay Trung tâm chứng nhận Halal Việt Nam-Malaysia được đặt tại TP Cần Thơ và đã cấp chứng nhận cho chúng tôi. Đây là cơ hội lớn để các dòng sản phẩm của công ty trước hết là thâm nhập sang Singapore, Malaysia và kỳ vọng sẽ mở rộng ra thị trường Trung Đông”.

Theo số liệu thống kê, năm 2016, dân số theo đạo Hồi là 1,8 tỉ người (chiếm 23% tổng dân số cả thế giới) và sẽ tăng lên mức 27% tổng dân số vào năm 2030 với mức tiêu thụ ước tính cho sản phẩm Halal là 7.700 tỉ USD (hiện tại là 2.800 tỉ USD). Trong đó, sự xuất hiện của các thị trường mới (Trung Quốc, Indonesia, Pakistan, Ấn Độ…) và các thị trường tiềm năng (Philippines, Mexico, Argentina…) là cơ hội lớn để Việt Nam trở thành nhà cung cấp lớn nhất thế giới về thực phẩm và đồ uống Halal. Đặc biệt là các dòng sản phẩm như: Tiêu xanh, gạo, trái cây tươi, nước ép trái cây, thực phẩm chế biến, trà, cà phê rang xay, thức ăn gia súc, mật ong tươi…

 

Bài, ảnh: MỸ THANH

Chia sẻ bài viết