17/11/2008 - 21:05

Chứng khoán phục hồi ngắn hạn ?

Trong tuần qua, thị trường đón nhận nhiều thông tin tốt khi lần đầu tiên trong nhiều tháng qua chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 10-2008 có mức tăng trưởng âm là 0,19%, chính sách tiền tệ đang được nới lỏng, giá xăng dầu và nhiều mặt hàng thiết yếu khác tiếp tục được điều chỉnh giảm. Như vậy, lạm phát tiếp tục được khống chế có hiệu quả. Tuy nhiên, CPI tăng trưởng thấp và âm cũng cho thấy những dấu hiệu khó khăn của nền kinh tế. Lúc đó, thị trường xuất khẩu và dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) sẽ bị thu hẹp ảnh hưởng trực tiếp lên nền kinh tế và các doanh nghiệp trong nước.

Thời gian vừa qua, lượng bán ròng cổ phiếu của các nhà đầu tư nước ngoài liên tục gia tăng, lượng trái phiếu mặc dù phải chịu lỗ nhưng các nhà đầu tư cũng phải bắt buộc bán ra với khối lượng lớn. Bên cạnh đó, thị trường chứng khoán tập trung đã bám rất sát với diễn biến của thị trường chứng khoán thế giới. Tâm lý của các nhà đầu tư ít nhiều bị chi phối bởi từng đợt biến động từ bên ngoài, nên thị trường rất khó ổn định. Điều dễ nhận thấy nhất là diễn biến giao dịch và nhiều cổ phiếu chủ chốt trên cả 2 sàn giao dịch vẫn tiếp tục trồi sụt, nên tác động không nhỏ đến chỉ số giá chứng khoán trong nhiều tuần qua.

Tuần giao dịch từ ngày 10 đến ngày 14-11-2008, chỉ số VN-Index trên sàn chứng khoán TP Hồ Chí Minh giảm mạnh ở 2 phiên ngày 11 và 12-11-2008, nên nỗ lực tăng điểm trong suốt 3 phiên còn lại không đủ để VN-Index lấy lại số điểm đã mất. Kết quả sau 5 phiên giao dịch trong tuần, chỉ số VN-Index trên sàn chứng khoán TP Hồ Chí Minh dừng lại ở mức 352,07 điểm, giảm 13,9 điểm, tương đương giảm gần 4% so với phiên ngày 7-11-2008. Trên sàn chứng khoán Hà Nội cũng có 2 phiên mất điểm với biên độ khá rộng đã kéo chỉ số HaSTC-Index xuống còn 113,07 điểm, giảm 3,29 điểm, tương đương giảm gần 3%. Như vậy, chỉ sau 1 tháng VN-Index và HaSTC-Index đã lần lượt giảm 37,26 điểm và 15,3 điểm, tương đương giảm 10,58-13,53%.

Chứng khoán biến động, nhiều nhà đầu tư tỏ ra thận trọng trước các quyết định giao dịch. 

Theo nhận định của ông Phạm Đăng Lâm, Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Chứng khoán Phương Đông (ORS), với ảnh hưởng của khủng hoảng tài chính toàn cầu đang lan rộng về mặt quy mô cũng như tính chất nghiêm trọng của nó, thì thị trường chứng khoán sẽ còn gặp nhiều khó khăn để tạo ra cơ hội hồi phục trong thời gian tới. Việc điều chỉnh giảm lãi suất ngân hàng cũng nhằm kích thích sự tăng trưởng của nền kinh tế trong bối cảnh lạm phát gia tăng trong thời gian vừa qua. Tuy nhiên, trước rào cản của sự suy thoái kinh tế toàn cầu thì động thái trên chưa phải là một “liều thuốc mạnh” để kích thích sự hồi phục của thị trường chứng khoán. Vì vậy, việc cho vay cầm cố chứng khoán trong thời điểm này không còn hấp dẫn nhà đầu tư.

Trước bối cảnh khủng hoảng tài chính của thế giới, nền kinh tế trong nước có thể sẽ còn chịu nhiều tác động trong ngắn hạn và dài hạn. Do đó, các doanh nghiệp xuất khẩu nói riêng sẽ còn gặp khó về thị trường tiêu thụ, lợi nhuận và rủi ro thanh toán. Các doanh nghiệp bất động sản cũng sẽ còn gặp nhiều khó khăn nhất định trong năm 2009 vì các yếu tố quan trọng thúc đẩy phát triển đang bị suy giảm. Nguồn vốn từ các ngân hàng thương mại, vốn đầu tư trực tiếp và gián tiếp nước ngoài giải ngân sẽ giảm do khó khăn của các chủ đầu tư. Tuy nhiên, trong lúc thị trường chứng khoán đang chịu tác động điều chỉnh sâu như hiện nay thì đây cũng là thời điểm thuận lợi về mặt đầu tư giá trị.

Chị Nguyễn Thị An, một nhà đầu tư tại đại lý nhận lệnh chứng khoán Ngân hàng Công thương Việt Nam (Vietinbank) chi nhánh Cần Thơ, nói: “Đầu tư ngắn hạn có thể là chiến lược phù hợp nhất trong tình hình hiện nay. Giá trị lợi nhuận đạt thấp hơn so với trước, nhưng đây là cách tốt nhất để bảo toàn được vốn. Mới đây, động thái giảm lãi suất cho vay của một số nước trên thế giới nhằm kích thích tăng trưởng kinh tế đang tạo ra sự kỳ vọng cho các nhà đầu tư trong nước ở việc tiếp tục giảm thêm trần lãi suất cơ bản đồng Việt Nam. Bởi thực tế, lãi suất đã giảm nhưng cuộc khủng hoảng tài chính thế giới có thể sẽ ảnh hưởng đến giá trị xuất khẩu và tiềm ẩn nhiều khó khăn của các doanh nghiệp niêm yết trên sàn. Tuy nhiên, khi thị trường chứng khoán liên tục biến động thất thường cũng là cơ hội tốt cho các nhà đầu tư có thể đánh giá đúng đắn nhất về danh mục đầu tư, để có quyết định mua bán hợp lý nhất”.

Hiện tại, giá cổ phiếu của các doanh nghiệp niêm yết đã giảm xuống rất sâu, nhiều cổ phiếu đang xuống dưới giá trị sổ sách đã tạo ra cơ hội tốt để đầu tư vào các mã cổ phiếu tốt. Tiêu chí đầu tư trong thời điểm hiện nay là các công ty có tình hình tài chính minh bạch, ít đầu tư tài chính, có các sản phẩm phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong nước... Trong đó phải kể đến một số ngành nghề đầu tư như: năng lượng, hàng tiêu dùng, ngân hàng... Tuy nhiên, một trong những yếu tố quan trọng nhất hiện nay là nhà đầu tư cần xem xét kỹ các thời điểm trước khi quyết định mua vào, chốt lợi nhuận hoặc cắt lỗ hợp lý.

Ông Phạm Đăng Lâm cũng cho biết, ORS là công ty chứng khoán đầu tiên đưa ra chính sách hỗ trợ tiền thuế thu nhập cá nhân lên đến 80% số tiền thuế nhà đầu tư phải đóng khi chọn mức đóng thuế 0,1% với giá trị giao dịch mỗi tháng đạt 5 tỉ đồng trở lên. Chương trình hỗ trợ sẽ kéo dài đến hết năm 2009, áp dụng cho các nhà đầu tư hiện hữu và các nhà đầu tư mở tài khoản mới tại ORS trên toàn hệ thống từ ngày 15-10-2008 đến ngày 15-1-2009. Đây là động thái tích cực nhằm giúp nhà đầu tư vững tin hơn khi quay lại với chứng khoán và giải tỏa tâm lý về thuế thu nhập cá nhân sẽ được áp dụng trong thời gian tới.

Bài, ảnh: Triều Dâng

 (CT)- Phiên giao dịch ngày 17-11-2008, trên sàn chứng khoán TP HCM, xu hướng dè dặt, thận trọng của các nhà đầu tư kéo dài suốt 3 đợt khớp lệnh thể hiện khá rõ ở quyết định mua, bán để thăm dò thị trường. Vì thế, lượng cung và cầu đều sụt giảm. Toàn phiên chỉ có 10,76 triệu đơn vị cổ phiếu và chứng chỉ quỹ được giao dịch thành công, tương đương tổng giá trị 380,11 tỉ đồng, giảm 3,37 triệu đơn vị và 67,49 tỉ đồng so với phiên cuối tuần trước. Thị trường nghiêng về số lượng cổ phiếu giảm giá với 113 mã, còn lại 38 mã tăng giá và 18 mã đứng giá. Kết quả là chỉ số VN-Index tiếp tục sụt giảm 7,02 điểm, tương đương giảm gần 2% so với phiên cuối tuần trước xuống còn 345,05 điểm.

Trên sàn Hà Nội, chỉ số HaSTC-Index cũng đã trở về mốc 110,35 điểm sau khi giảm 2,72 điểm, tương đương giảm 2,41%. Ở cuối phiên chỉ còn trụ lại 29 mã tăng giá, còn lại 7 mã đứng giá và 119 mã giảm giá. Tổng khối lượng cổ phiếu khớp lệnh chỉ đạt 4,7 triệu đơn vị, tương đương tổng giá trị 130,76 tỉ đồng, giảm 3,3 triệu đơn vị và 81,98 tỉ đồng so với phiên ngày 14-11-2008.

Nguồn: Bảng giao dịch chứng khoán điện tử của Công ty cổ phần Chứng khoán Phương Đông (ORS) chi nhánh Cần Thơ.

V.T

Chia sẻ bài viết