26/08/2008 - 22:16

Bà Vương Thị Lập - Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi, Ủy viên thường trực Ban Chỉ huy PCLB - TKCN TP Cần Thơ:

Chuẩn bị sẵn sàng cho công tác phòng tránh bão lũ

 

Theo nhận định của Đài Khí tượng thủy văn Nam Bộ “hiện tượng La Nina đã hoạt động từ tháng 9 - 10 năm 2007”. Sự thất thường của thời tiết khi có La Nina hoạt động cảnh báo khả năng mùa mưa năm 2008 có thể lũ lụt, bão sẽ nhiều hơn các năm trước... Riêng trên địa bàn TP Cần Thơ, trao đổi với phóng viên Báo Cần Thơ về tình hình thiệt hại do thiên tai gây ra từ đầu năm đến nay, bà Vương Thị Lập - Chi cục Trưởng Chi cục Thủy lợi, Ủy viên thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão - Tìm kiếm cứu nạn (PCLB - TKCN) TP Cần Thơ, cho biết:

Đầu năm đến nay, cũng như cả nước và các tỉnh ĐBSCL, tình hình thiên tai trên địa bàn TP Cần Thơ diễn biến khá phức tạp. Cụ thể, trên địa bàn đã xảy ra 34 đợt lốc xoáy ở 41 xã thuộc các quận, huyện, làm sập 37 căn nhà và 1 trại nuôi heo; làm tốc mái, xiêu vẹo 106 căn nhà, 4 phòng học, 1 trại nuôi cá; làm gãy đổ 21 trụ điện hạ thế, ước tổng thiệt hại 1 tỉ đồng. Trong khi đó, cả năm 2007, trên địa bàn thành phố chỉ xảy ra 14 đợt lốc xoáy làm sập 17 căn nhà và 33 căn bị tốc mái xiêu vẹo. Tình trạng sạt lở bờ sông cũng đã xảy ra ở phường An Bình (quận Ninh Kiều) và phường Trà An (quận Bình Thủy), làm 3 căn nhà sập hoàn toàn, 4 căn bị sạt lở nhà bếp, 11 căn bị ảnh hưởng do sạt lở..., ước thiệt hại sạt lở: 130 triệu đồng. Ngày 6 -7 -2008, sét đánh xảy ra ở xã Thới Đông, huyện Cờ Đỏ làm 1 người chết...

Trước những thiệt hại do thiên tai xảy ra, Ban Chỉ huy PCLB-TKCN các quận, huyện đã phối hợp với chính quyền, đoàn thể các địa phương kịp thời huy động kinh phí, vật tư, nhân lực để hỗ trợ các gia đình bị thiệt hại dựng lại nhà cửa sớm ổn định cuộc sống và sản xuất. Riêng đối với hiện tượng sạt lở bờ sông, để tránh tình trạng bị động, lúng túng trong việc phòng chống, đồng thời chủ động đề ra các giải pháp khắc phục kịp thời, Sở NN&PTNT đang tiến hành triển khai thực hiện khảo sát lập đề cương Quy hoạch phòng chống sạt lở các sông, rạch thành phố Cần Thơ theo QĐ số 2811/QĐ-UBND ngày 11/12/2007 của UBND TP Cần Thơ.

* Hiện nay, bước vào cao điểm mùa mưa bão năm 2008, công tác PCLB-TKCN ở TP Cần Thơ đã được triển khai như thế nào, thưa bà?

- Với sự quan tâm chỉ đạo của Thành ủy và UBND TP Cần Thơ, công tác PCLB-TKCN ở Cần Thơ đã sớm được triển khai. Đến nay, một số sở, ngành, quận, huyện đã tiến hành xây dựng kế hoạch PCLB-TKCN năm 2008 của ngành và của địa phương. Ngoài ra, Thường trực Ban Chỉ huy PCLB-TKCN thành phố đã phối hợp với Ban Chỉ huy PCLB-TKCN các quận, huyện tiến hành kiểm tra các tuyến bờ bao ngăn lũ ở các vùng xung yếu như các cồn trên sông Hậu, các vùng thấp trũng ở các huyện đầu nguồn, kiểm tra công trình thủy lợi, giao thông trước mùa mưa lũ...

* Ngày 17-8, Văn phòng Ban chỉ đạo PCLB Trung ương - Văn phòng Ủy ban quốc gia TKCN có công điện khẩn gởi các tỉnh - thành phố vùng ĐBSCL báo động tình trạng mực nước lũ dâng cao. Trước tình hình này, Ban Chỉ huy PCLB-TKCN thành phố có kế hoạch như thế nào về đảm bảo sản xuất, nhất là lúa vụ 3 của bà con nông dân, thưa bà?

- Việc gia cố, tu bổ các tuyến bờ bao ngăn lũ cho lúa, vườn cây ăn trái, ao hồ thủy sản và các tuyến bờ bao ở các cồn trên sông Hậu; xây dựng các vùng điểm thủy lợi khép kín để chủ động trong việc tưới, tiêu, ngăn lũ... là việc làm thường xuyên của ngành chức năng thành phố trong thời gian qua. Ban chỉ huy PCLB-TKCN thành phố cùng các ngành hữu quan cũng đang tiếp tục triển khai các mặt công tác này. Tuy nhiên, theo báo cáo của Sở NN&PTNT TP Cần Thơ, đến trung tuần tháng 8, trên địa bàn thành phố đã có khoảng 43.000 ha lúa vụ 3 đã được xuống giống, tăng gần 20.000 ha so với cùng kỳ năm 2007. Trước tình hình này, để bảo vệ sản xuất lúa vụ 3 cũng như các diện tích sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản khác, Ban Chỉ huy PCLB-TKCN thành phố đề nghị các quận, huyện chỉ đạo bà con nông dân tăng cường hơn nữa việc gia cố, tôn cao hệ thống bờ bao để ngăn lũ; đồng thời tranh thủ thu hoạch nhanh, gọn lúa vụ 3 đã chín để tránh bị lũ chụp.

* Theo dự báo của cơ quan khí tượng thủy văn, năm 2008, tại ĐBSCL sẽ có bão lớn xảy ra. Xin bà nói rõ hơn về dự báo này và TP Cần Thơ đã chuẩn bị gì cho dự báo xấu đó, thưa bà?

- Khu vực ĐBSCL, Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Cần Thơ nhận định như sau: Mưa nhiều tập trung vào tháng 7, 9, 10 và kết thúc vào khoảng tháng 11. Tổng lượng mưa toàn mùa đạt khoảng 1.500 - 1.600 mm, xấp xỉ trung bình nhiều năm. Lũ đầu nguồn sông Cửu Long ở mức thấp hơn trung bình nhiều năm. Tuy nhiên, bão hoạt động trên biển Đông sớm hơn bình thường và kết thúc muộn hơn. Tổng số cơn bão và áp thấp nhiệt đới ảnh hưởng đến nước ta sẽ nhiều hơn năm 2007 và nhiều hơn trung bình nhiều năm (trung bình nhiều năm từ 5-6 cơn bão). Bão và áp thấp nhiệt đới ảnh hưởng đến các tỉnh Nam bộ ít nhất là 1 cơn trong tháng 11 và 12.

Trước dự báo này, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại cuộc họp trực tuyến giữa Ban Chỉ huy PCLB Trung ương với các tỉnh, thành phố về công tác PCLB-TKCN năm 2008, ý kiến chỉ đạo của UBND thành phố về việc phải tích cực và chủ động trong công tác PCLB năm 2008, thường trực Ban Chỉ huy PCLB-TKCN thành phố đã có Công văn gởi Ban Chỉ huy PCLB-TKCN các sở, ngành, quận, huyện yêu cầu xây dựng phương án phòng tránh bão năm 2008. Trong đó, lên kế hoạch chi tiết sơ tán dân và dự kiến huy động nhân lực, phương tiện để cứu hộ, cứu nạn khi có bão đổ bộ trực tiếp vào địa phương.

* Thưa bà, đâu là những thuận lợi, hạn chế ảnh hưởng đến việc triển khai công tác PCLB-TKCN trong năm 2008 này?

- Nhiều năm nay, công tác PCLB-TKCN trên địa bàn thành phố luôn có sự quan tâm chỉ đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền và ban, ngành, đoàn thể các cấp từ thành phố đến quận, huyện và phường, xã. Vì thế đã huy động được sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị trong việc triển khai thực hiện công tác PCLB-TKCN. Trải qua những năm ứng phó với lũ lụt, cấp ủy, chính quyền các cấp và cộng đồng dân cư trong thành phố đã tích lũy được những kinh nghiệm cần thiết trong công tác chống lũ. Đồng thời, với sự cố gắng đầu tư về kinh phí, nhân lực, vật tư trong việc xây dựng cơ sở hạ tầng cho công tác PCLB như: xây dựng hệ thống bờ bao ngăn lũ; xây dựng các vùng thủy lợi đồng bộ, khép kín; tiến hành nạo vét hệ thống kênh mương các cấp để tiêu thoát lũ... đã góp phần quan trọng cho công tác phòng, chống lũ trên địa bàn thành phố.

Tuy nhiên, nguồn kinh phí đầu tư cho việc xây dựng cơ sở hạ tầng của công tác PCLB còn nhiều hạn chế, nhất là kinh phí đầu tư để gia cố, tôn cao hệ thống bờ bao ngăn lũ ở các cồn trên sông Hậu; kinh phí để nạo vét hệ thống kênh mương trên địa bàn thành phố để đảm bảo cho việc tiêu thoát lũ được nhanh; kinh phí để xây dựng hệ thống công trình ngăn lũ theo quy hoạch kiểm soát lũ đã được xây dựng. Ngoài ra, do ở TP Cần Thơ và cả ĐBSCL ít có bão xảy ra nên nhận thức về tác hại của bão đối với các ngành, các cấp và cộng đồng dân cư trên địa bàn còn hạn chế, đặc biệt là chưa có kinh nghiệm về công tác phòng tránh bão. Mặt khác, cơ sở hạ tầng chưa tính đầy đủ đến khả năng chống bão, nhất là nhà cửa ở nông thôn còn sơ sài, sẽ bị thiệt hại nặng nề khi có bão tràn qua.

Do vậy, để công tác PCLB đạt kết quả tốt, các ngành chức năng của thành phố và chính quyền, nhân dân các địa phương cần tiếp tục phát huy những thuận lợi và nhanh chóng khắc phục những khó khăn như đã nêu trên...

* Xin cảm ơn bà!

THANH LONG (thực hiện)

Chia sẻ bài viết