NGUYỄN SINH HÙNG
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ
Bước vào năm 2009, nền kinh tế nước ta tiếp tục gặp nhiều khó khăn và thách thức. Sự suy thoái ngày càng sâu của kinh tế thế giới đã tác động tiêu cực đến thị trường hàng hóa xuất khẩu, thị trường vốn và hoạt động du lịch của nước ta. Ở trong nước, lạm phát cao cùng với suy giảm sản xuất công nghiệp và xây dựng cuối năm 2008 kéo dài sang những tháng đầu năm 2009 đã làm trầm trọng thêm những khó khăn, yếu kém vốn có của nền kinh tế.
Trước tình hình đó, Chính phủ luôn theo sát diễn biến thực tế, kịp thời báo cáo xin ý kiến Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương Đảng và Ủy ban Thường vụ Quốc hội để ban hành và tổ chức thực hiện các chính sách và giải pháp đồng bộ nhằm phấn đấu hoàn thành kế hoạch năm 2009 ở mức cao nhất có thể đạt được trong điều kiện khó khăn; đồng thời, tập trung các biện pháp quyết liệt để sớm đưa nền kinh tế thoát khỏi suy thoái, chăm lo tốt hơn đời sống của nhân dân. Ngay từ cuối năm 2008 và đầu năm 2009, Chính phủ đã ban hành 2 nghị quyết quan trọng về những giải pháp cấp bách nhằm ngăn chặn suy giảm kinh tế, duy trì tăng trưởng kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội (Nghị quyết số 30) và về điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2009 (Nghị quyết số 01) với 5 nhóm giải pháp: Thúc đẩy sản xuất kinh doanh và xuất khẩu; Thực hiện các biện pháp kích cầu đầu tư và tiêu dùng; Chính sách tài chính tiền tệ; Bảo đảm an sinh xã hội; Tổ chức thực hiện. Trên cơ sở đó, Chính phủ đã ban hành và tổ chức thực hiện nhiều cơ chế, chính sách, biện pháp cụ thể và điều hành với tinh thần khẩn trương, quyết liệt, linh hoạt, kịp thời phù hợp với diễn biến của tình hình.
|
Theo báo cáo của Chính phủ tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XII: “Sau nhiều tháng liên tục sụt giảm, đến tháng 2-2009 sản xuất công nghiệp bắt đầu tăng lên, cả quí I tăng 2,1%, tháng 4 tiếp tục tăng 5,4% và tính chung 4 tháng đầu năm tăng 3,3% so với cùng kỳ năm 2008. Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản tiếp tục tăng, dịch bệnh được kiểm soát, thời tiết thuận lợi cho đánh bắt hải sản, một số thị trường lớn về xuất khẩu nông sản được khai thông. GDP quí I tăng 3,1% so với cùng kỳ năm trước và có khả năng tăng dần trong các tháng tiếp theo”. Trong ảnh: Công nhân Công ty TNHH Thực phẩm xuất khẩu Nam Hải (Khu công nghiệp Trà Nóc 1 - TP Cần Thơ) đóng thùng sản phẩm thủy sản xuất khẩu. Ảnh: ĐỖ CHÍ THIỆN |
Nhờ có quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, sự nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp và đồng thuận của toàn dân, nên mặc dù còn rất nhiều khó khăn, nhưng kết quả thực hiện các giải pháp cấp bách ngăn chặn suy giảm kinh tế, duy trì tăng trưởng kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội đã phát huy tác dụng tích cực; nền kinh tế nước ta bắt đầu có chuyển biến tốt hơn, có dấu hiệu ra khỏi giai đoạn khó khăn nhất thể hiện trên các mặt sau:
(1) Sau nhiều tháng liên tục sụt giảm, đến tháng 2-2009, sản xuất công nghiệp bắt đầu tăng lên, cả quý I tăng 2,1%, tháng 4 tiếp tục tăng 5,4% và tính chung 4 tháng đầu năm tăng 3,3% so cùng kỳ năm 2008. Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản tiếp tục tăng, dịch bệnh được kiểm soát, một số thị trường lớn về xuất khẩu nông sản được khai thông. GDP quý I tăng 3,1% so với cùng kỳ năm trước và có khả năng tăng dần trong các tháng tiếp theo.
(2) Thị trường trong nước tiếp tục được mở rộng, tổng mức lưu chuyển hàng hóa tăng 21,5% so với cùng kỳ năm trước. Dịch vụ vận tải và dịch vụ du lịch, nhất là du lịch nội địa, vẫn tiếp tục phát triển; lượng khách du lịch quốc tế đang tăng lên trong các tháng gần đây. Dịch vụ viễn thông tiếp tục đà tăng trưởng cao.
(3) Cùng với các biện pháp kích thích kinh tế đã được áp dụng, hầu hết doanh nghiệp khó khăn đã phục hồi sản xuất, thu hút lao động trở lại làm việc. Đầu tư trong nước đạt được kết quả khả quan, giải ngân vốn ngân sách nhà nước đạt trên 30% kế hoạch cả năm, vốn trái phiếu Chính phủ đạt trên 46% kế hoạch. Đầu tư nước ngoài đăng ký cấp mới và tăng thêm đạt 6,4 tỉ USD.
(4) Các cân đối kinh tế vĩ mô cơ bản vẫn được giữ vững. Lãi suất đã quay về mức của thời kỳ kinh tế ổn định; tỷ giá được điều hành linh hoạt theo tín hiệu thị trường; cán cân thanh toán tổng thể thặng dư. Tổng thu ngân sách nhà nước 4 tháng đầu năm bằng 30,8% dự toán cả năm, các nhu cầu chi ngân sách được bảo đảm. Giá cả thị trường 4 tháng đầu năm tương đối ổn định; so với tháng 12-2008, giá tiêu dùng tháng 4 tăng 1,68% (so với cùng kỳ năm trước tăng 1l,67%) và 4 tháng đầu năm tăng 13,14% so cùng kỳ năm 2008. Thị trường chứng khoán và thị trường bất động sản có dấu hiệu phục hồi.
Bên cạnh những kết quả đạt được, chúng ta cũng thấy rõ rằng trong điều kiện toàn cầu hóa, để vượt qua khủng hoảng và hướng tới đưa nền kinh tế tiếp tục phát triển ổn định, bền vững sau khủng hoảng còn nhiều khó khăn, nhất là khi sự liên thông kinh tế của nước ta với thế giới là rất lớn và nội tại nền kinh tế còn nhiều hạn chế. Nhìn ra thế giới, có thể thấy rằng mặc dù chính phủ các nền kinh tế lớn đã gia tăng các biện pháp, chính sách với các gói tài chính khổng lồ, các tổ chức tài chính quốc tế cũng triển khai nhiều biện pháp hỗ trợ, nhưng nhìn chung tình hình kinh tế thế giới hiện vẫn đang trong tình trạng suy thoái nặng nề. Trong những tháng đầu năm 2009, kinh tế thế giới tiếp tục suy giảm mạnh. Hiện nay, đang tồn tại hai loại dự báo về triển vọng phục hồi kinh tế thế giới: Một loại dự báo cho rằng kinh tế thế giới vẫn tiếp tục suy giảm và chỉ bắt đầu phục hồi từ từ vào giữa năm 201l(l), một loại dự báo khác cho là kinh tế thế giới sẽ phục hồi nhẹ vào cuối quý III năm 2009 và có đà tăng trưởng mạnh hơn vào đầu năm 2012(2). Vì vậy, bên cạnh việc tập trung cao độ mọi nỗ lực ngăn chặn suy giảm kinh tế, phấn đấu duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế hợp lý, bền vững, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, chủ động phòng ngừa lạm phát, chúng ta đã phải tính đến thực thi những giải pháp để chuẩn bị các điều kiện, hướng tới sự phát triển nhanh, bền vững khi kinh tế nước ta và thế giới phục hồi. Những định hướng lớn trong chỉ đạo điều hành là:
Thứ nhất, thực hiện tái cơ cấu lại nền kinh tế.
Đây là nhiệm vụ rất quan trọng, nhằm mục tiêu phát triển nhanh, bền vững, hiệu quả và nâng cao khả năng cạnh tranh cả ở 3 cấp độ: của sản phẩm, của doanh nghiệp và toàn bộ nền kinh tế. Phải đánh giá lại quá trình phát triển và điều chỉnh cơ cấu kinh tế trong thời gian qua, nhất là những tồn tại, hạn chế bộc lộ rõ nét trong quá trình hội nhập và chịu tác động của khủng hoảng và suy thoái kinh tế thế giới. Trên cơ sở đó, căn cứ vào các mục tiêu phát triển để đề ra được định hướng điều chỉnh cơ cấu kinh tế trong thời gian tới. Nội dung nghiên cứu về cơ cấu kinh tế bao gồm: cơ cấu phát triển ngành, lĩnh vực và trong nội bộ ngành, cơ cấu phát triển vùng, cơ cấu thành phần kinh tế, cơ cấu lao động. Đặc biệt là các chính sách, giải pháp thúc đẩy chuyển đổi cơ cấu nhằm khai thác được tiềm năng, phát huy lợi thế so sánh, đầu tư chiều sâu, thúc đẩy chuyển giao công nghệ, nâng cao năng suất lao động và hiệu quả đầu tư kinh doanh. Vấn đề tái cơ cấu nền kinh tế phải gắn với Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011 - 2020 mà Chính phủ đang chỉ đạo xây dựng.
Thứ hai, bảo đảm cân đối giữa chính sách thúc đẩy xuất khẩu và phát triển thị trường trong nước.
Từ khi đổi mới tới nay, chúng ta đã kiên trì thực hiện chính sách hướng xuất khẩu và đây là động lực quan trọng cho sự phát triển kinh tế nước ta. Tuy nhiên, thực tế giai đoạn khó khăn hiện nay cho thấy, khi theo đuổi chính sách phát triển kinh tế hướng xuất khẩu chúng ta phải chịu những rủi ro nhất định về thị trường; trong khi một thời gian dài chưa phát triển đúng mức thị trường trong nước. Cần nghiên cứu, điều chỉnh định hướng lựa chọn chính sách theo hướng tiếp tục đẩy mạnh xuất khẩu nhưng đồng thời phải coi trọng thị trường nội địa để khai thác tối đa nhu cầu tiêu dùng của khoảng 100 triệu dân trong thời gian tới.
Thứ ba, tập trung ưu tiên phát triển cơ sở hạ tầng.
Cơ sở hạ tầng yếu kém đang là một trong hai ách tắc cơ bản của chúng ta. Cơ sở hạ tầng của chúng ta vừa yếu về chất lượng và thiếu về số lượng. Cần đẩy nhanh việc xây dựng khung pháp lý để huy động nguồn lực xã hội kết hợp với vốn ngân sách nhà nước đẩy nhanh phát triển đồng bộ cơ sở hạ tầng như: giao thông, thủy lợi, cơ sở hạ tầng các khu công nghiệp, làng nghề, hệ thống điện, nước, hạ tầng xã hội về giáo dục, y tế... Giải pháp này vừa tạo cầu trong ngắn hạn, vừa tạo năng lực cạnh tranh cho nền kinh tế trong dài hạn.
Thứ tư, tiếp tục hoàn thiện thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp.
Hoàn thiện, bổ sung hệ thống thể chế, chính sách về kinh tế vĩ mô theo hướng ổn định, minh bạch và phù hợp với thông lệ quốc tế; nâng cao khả năng thực thi luật pháp.
Cần nâng cao khả năng dự báo, thu thập thông tin và phân tích kinh tế, tạo cơ sở khoa học cho các quyết sách kinh tế của Đảng và Nhà nước. Cần đặc biệt chú ý tăng cường chức năng giám sát các hoạt động tài chính, ngân hàng để bảo đảm có thể phát hiện sớm những biểu hiện không lành mạnh tiềm ẩn nguy cơ khủng hoảng về tài chính.
Khó khăn về kinh tế là một dịp để các doanh nghiệp tận dụng các gói kích cầu của Chính phủ có kế hoạch đầu tư công nghệ, tổ chức đào tạo kiến thức và kỹ năng cho nhân viên, sắp xếp lại bộ máy, điều chỉnh phương thức kinh doanh... để sản phẩm có sức cạnh tranh hơn trên thị trường trong nước và quốc tế nhằm đón đầu cơ hội sau khủng hoảng.
Thứ năm, đầu tư phát triển nguồn nhân lực.
Đào tạo nguồn nhân lực là yếu tố hết sức quan trọng cho sự phát triển bền vững của nước ta. Do vậy, cần có những giải pháp đổi mới mang tính đột phá thông qua các giải pháp tăng cường xã hội hóa, đa dạng hóa các hình thức sở hữu và thu hút vốn đầu tư nước ngoài cho giáo dục, đào tạo và dạy nghề; đổi mới nội dung và công nghệ giáo dục, đào tạo phù hợp với xu thế hiện đại của thế giới. Tăng đầu tư của Chính phủ theo hướng đầu tư có trọng điểm nhằm xây dựng các trường, cơ sở giáo dục và đào tạo có uy tín trong nước. Tạo lập mối liên hệ mật thiết giữa đào tạo lý thuyết và thực hành nghề nghiệp, giữa đào tạo chuyên môn kỹ thuật với nghiên cứu khoa học và hoạt động sản xuất, kinh doanh của nền kinh tế. Tăng cường đào tạo và nâng cao chất lượng đào tạo lao động các ngành nghề công nghệ cao, ngành dịch vụ chất lượng và trình độ cao để thúc đẩy phát triển hướng vào nền kinh tế tri thức; chú trọng đào tạo và dạy nghề đáp ứng cho các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu vực đầu tư trực tiếp nước ngoài, đào tạo nhân lực cho xuất khẩu lao động, đào tạo nhân lực cho chuyển dịch cơ cấu kinh tế và cơ cấu lao động nông thôn.
Nâng cao khả năng cạnh tranh của lao động Việt Nam ở cả thị trường lao động trong và ngoài nước, trên nhiều mặt như: trình độ chuyên môn, ngoại ngữ, thể lực, tác phong công nghiệp, kỷ luật lao động, trình độ tiếp cận khoa học - công nghệ hiện đại...
Thứ sáu, tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Hội nghị Ban chấp hành Trung ương Đảng lần thứ bảy khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn.
Trong điều kiện cơ cấu kinh tế nước ta, nông nghiệp chiếm tỷ trọng khá lớn, đa số dân số, lao động ở nông thôn, trong khi cơ sở hạ tầng phát triển nông nghiệp, nông thôn còn nhiều yếu kém. Phát triển kinh tế theo hướng bền vững trong tương lai không thể không dựa vào việc đầu tư, phát triển chiều sâu vào khu vực nông nghiệp, nông thôn, nông dân. Đầu tư vào khu vực này sẽ có tác động lớn tới chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao năng suất lao động, sức cạnh tranh của nền kinh tế, góp phần đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng, tạo công ăn việc làm, công bằng và ổn định xã hội.
Tăng trưởng nhanh và bền vững là mục tiêu chiến lược có ý nghĩa hết sức quan trọng để đưa đất nước phát triển. Từ trong khó khăn mỗi cán bộ, đảng viên, doanh nghiệp và toàn dân cần nắm bắt, tận dụng tối đa cơ hội để chuẩn bị điều kiện cho phát triển nhanh hơn, bền vững hơn trong giai đoạn tới, khi nền kinh tế thế giới vượt qua khủng hoảng, phục hồi và phát triển.
(Theo Tạp chí Cộng sản)
-----------------
(l) Dự báo của các nhà lãnh đạo Ngân hàng Trung ương châu Âu, Quỹ Tiền tệ quốc tế và Ngân hàng Thế giới.
(2) Dự báo của các nhà lãnh đạo một số quốc gia có nền kinh tế phát triển mạnh như Mỹ, Nga, Trung Quốc, Ấn Độ và các nền kinh tế mới nổi khác.