28/01/2023 - 08:07

Chưa được vạ thì má đã sưng! 

DUY LỮ 

Phim “Chị chị em em 2” bị quay lén khiến đạo diễn phim bức xúc. Ảnh: zing.vn

Phim “Chị chị em em 2” bị quay lén khiến đạo diễn phim bức xúc. Ảnh: zing.vn

“Quay lén, phát tán phim chiếu rạp lên mạng xã hội là hành vi vi phạm pháp luật. Đây không phải lần đầu tiên phim tôi đạo diễn bị phát tán trái phép trên mạng. Hiện tại, bộ phim “Chị chị em em 2” cũng đang trở thành nạn nhân của các TikToker (người dùng mạng xã hội TikTok - PV) thèm khát view”. Đây là những lời bức xúc của đạo diễn Vũ Ngọc Đãng được anh chia sẻ trên trang cá nhân khi phim “Chị chị em em 2” do anh làm đạo diễn bị các TikToker quay lén trong rạp phim rồi đăng tải. Theo đạo diễn Vũ Ngọc Đãng, hành vi này “không thể chấp nhận được, không chỉ tổn hại đến doanh thu mà còn “giết chết” giá trị nghệ thuật của bộ phim”.

Theo đó, ngay khi phim “Chị chị em em 2” công chiếu, trên nền tảng TikTok xuất hiện nhiều video quay lén các phân cảnh của phim. Không chỉ một mà nhiều người đã làm chuyện “rỗi hơi” như vậy. Vì vậy, bên cạnh đạo diễn Vũ Ngọc Đãng còn có các diễn viên tham gia phim bày tỏ sự phản đối. Khán giả cũng đồng tình và chia sẻ với bức xúc của các nghệ sĩ.

Đã bước vào rạp phim, không phải một mà nhiều lần, khán giả nghe và thấy những lời nhắc, hình ảnh không được quay phim, phát trực tiếp khi phim đang công chiếu. Vậy mà nhiều người cứ ngang nhiên quay lén, công bố nội dung phim. Trước “Chị chị em em 2”, rất nhiều phim Việt đã trở thành nạn nhân của cách làm “bẩn” này. Phim “Bố già” do Trấn Thành - Vũ Ngọc Đãng đạo diễn từng bị quay lén và công bố một phần đoạn kết với nội dung “chìa khóa” của phim. Đặc biệt, bộ phim “Cô Ba Sài Gòn” của nghệ sĩ Ngô Thanh Vân còn bị phát trực tiếp trên facebook gần như toàn bộ nội dung. Lần đó, theo ước tính, ê-kíp làm phim đã thiệt hại ít nhất 250 triệu đồng...

Có nhiều nguyên nhân của hành vi sai trái này. Nhiều người gọi đó là hành vi kiếm “like”, “view”, “share” bẩn trên công sức, tiền của, trí tuệ của biết bao người. Nhiều người thì gọi đó là “tay nhanh hơn não”. Nhưng cũng có không ít người hành động không để làm gì, mà chỉ là thích thể hiện, tỏ vẻ, bất chấp bản thân đang vi phạm pháp luật.

Cụ thể, Khoản 6 Điều 28 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 (sửa đổi, bổ sung 2009) quy định các hành vi xâm phạm quyền tác giả, trong đó có hành vi sao chép tác phẩm mà không được phép của tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả, trừ trường hợp sao chép để nghiên cứu cá nhân. Khoản 5 Điều 35 của Luật này cũng quy định các hành vi xâm phạm quyền liên quan bao gồm sao chép, trích ghép đối với cuộc biểu diễn đã được định hình, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng mà không được phép của người biểu diễn, nhà sản xuất bản ghi âm, ghi hình, tổ chức phát sóng. Căn cứ theo các quy định pháp luật, tùy thuộc vào thiệt hại mà nhà sản xuất phải đối mặt hoặc số tiền người vi phạm trục lợi từ hành vi bất chính, người thực hiện hành vi có thể bị xử phạt hành chính hay xử lý hình sự.

Bởi vậy, dù vi phạm vì mục đích gì, thì đó cũng là hành vi đáng lên án, sẽ bị xử lý nghiêm theo quy định pháp luật. Chưa “được vạ thì má đã sưng”, đáng không?

Chia sẻ bài viết